Quà vặt

Với người hàng phố, quà vặt là một thứ gì đó gắn liền với cuộc sống của họ. Cứ bước chân ra phố, lê la khắp các vỉa hè ngõ phố, đủ thứ, đủ món… từ nem chua, nem tai, nộm bò, chè cháo, rồi thậm chí kể cả mấy món cháo, phở, bún cũng tính là quà vặt…

Ngày xưa có chuyện vui, có cô con dâu mới về nhà chồng, mỗi bữa cơm chỉ ăn độ một hai gắp rau dưa, cả ngày chả động hạt cơm nào. Chồng xót xa cho vợ chắc mới về nhà chồng, lạ nhà, còn ngượng ngùng trước bố mẹ chồng.

Bố mẹ chồng cũng hoảng, vì thấy con dâu cả ngày chả chịu ăn uống gì, biết nói sao với ông bà thông gia?

Hoá ra, cô này có tính ăn vặt. Hằng ngày đi chợ cô “tranh thủ” ăn đủ thứ từ đầu ngõ ra tới chợ. Nên về nhà no quá, chả ăn được cơm. Chứ có phải ngại ngùng hay giữ cân gì đâu?

Chuyện vui vậy thôi. Nhưng kỳ thực, ở phố, người ta ăn vặt cũng là chuyện thường. Thế nên, những gánh hàng rong lúc nào cũng kẽo kẹt khắp phố để phục vụ sở thích của dân phố thị.

Bất kể lúc nào, bước chân ra cửa là có hàng ăn vặt phục vụ.

Ở phố, cứ bước chân ra khỏi nhà là có hàng ăn

Có những món quà vặt dần lại trở thành món chính, ăn bất kể vào lúc nào, từ bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, bữa đêm, tới tận tang tảng sáng vẫn có người phục vụ. Đó là phở, cháo, bún các loại… Những món này, người ta ăn không phải để no, nhưng vẫn có thể thay các bữa trong ngày. Nhẹ bụng mà vẫn đảm bảo đủ năng lượng để hoạt động cho đến bữa kế tiếp.

Sáng ra, từ trên giường lăn xuống đất, ra đầu ngõ gọi bát phở là xong bữa sáng. Bữa trưa loanh quanh chẳng biết ăn gì, thì thôi tạt vào vỉa hè ăn bát bún riêu… Đêm đến bụng sôi ùng ục thì chạy ra phố Nhà Thờ ăn nhẹ bát cháo gà.

Lại nói đến món cháo gà ở phố Nhà Thờ. Cái quán cháo này chả biết có từ bao giờ, nhưng xưa nổi tiếng không bởi cháo ngon mà vì có bà chủ giỏi món ngoa ngoắt. Luôn ệng chửi từ người làm tới… khách hàng.

Ấy thế nên cùng với Bún mắng, thì Hà Nội có món Cháo chửi của hàng này là nổi tiếng.

Nhiều người chẳng biết do thích nghe… chửi hay là cháo ngon mà mê mệt quán này. Bà càng chửi thì người ta lại càng vào ăn đông. Chủ thì cứ chửi, chẳng biết chửi ai, còn khách thì cứ cắm mặt vào ăn. Lâu dần lại thành một thứ đặc sản của quán. Cứ khách vào là bà chửi, chửi hết cả hơi, chửi xong phải quay ra xem thái độ khách thế nào? Liệu có hài lòng với quá trình chửi vừa rồi của bà hay không?

Nhưng có người thì cũng chả quen nổi. Chuyện kể, có anh đầu gấu phố cổ vào quán ăn cháo, bà chủ chửi ghê quá, anh thì lại không chịu nổi, mới chạy ra hàng tạp hoá gần đấy mua túi bột giặt quay lại đổ ụp cả vào nồi cháo đang sôi sùng sục, rồi quay lưng đi thẳng…

Từ ấy, bà chủ cũng bớt mồm bớt ệng hơn. Chả biết chuyện có đúng hay không mà dân hàng phố vẫn hay kháo nhau cái sự tích này.

Những tưởng ở Hà Nội thì đắt đỏ. Nhưng kỳ thực, những món ăn vặt trên phố cổ lại khá rẻ. Khách du lịch mà giỏi lọ mọ thì tha hồ thưởng thức. 15-20 ngàn một bát cháo đậu đen, đậu xanh, thêm vài quả cà muối, mấy ếng đậu phụ rán góc phố Đào Duy Từ, khiến hàng cháo của cô gái bán hàng ở đây lúc nào cũng đông khách vào ăn.

Cũng từng đó tiền là có thể ăn một suất bún đậu mắm tôm ở bất kỳ một góc phố nào. Ăn xong lại chạy ra Mã Mây, Bờ Hồ ăn nem tai, nộm bò khô… Vừa ăn vừa được ngắm phố phường nhộn nhịp.

Nhớ ngày bé, mỗi lần được đi chơi phố, được ăn một que kem Tràng Tiền, hay một que kẹo bông, hay chỉ một gói ô mai khế ngậm trong ệng đi hết vòng Bờ Hồ vẫn còn chưa dám nuốt. Thế đã là vui sướng lắm rồi.

Người Hà Nội hay ăn quà vặt, thế nên, người ta bảo, cứ ra Hà Nội, bám vào vỉa hè, là sống được. Cũng phải, những người ở tỉnh xa về Hà Nội mưu sinh, hay là những người ở ngay trong phố, chẳng cần phải nghĩ tới công to, việc lớn, chỉ cần một góc chưa đầy mét vuông, bày cái bàn bán nước chè, kẹo lạc, gánh bún đậu, rổ bánh rán, hay chỉ vài thứ hoa quả gọt sẵn để trong túi nilon là mỗi ngày cũng túc tắc kiếm vài chục ngàn bạc hoặc nhiều hơn, tuỳ vào sự bén duyên với khách…