Phố Yên Thái

Nói là phố, kỳ thực giống như một con ngõ nhỏ. Mà có lẽ, phải gọi chính xác là ngõ chợ Yên Thái mới đúng. Chỉ dài khoảng vài trăm mét, chiều rộng của phố chỗ rộng lắm chắc chừng chưa đầy 3 mét. Phố chỉ đủ cho xe đạp, xe máy, người đi bộ đi qua.

Ở phố cổ, chỉ có vài cái ngõ chợ như thế này. Nổi nhất trước đây thì có chợ Hàng Bè, chiếm toàn bộ mặt phố Hàng Bè, kéo ra đến phố Gia Ngư, ăn vào mấy phố lân cận, được dân phố cổ đặc biệt ưa thích; Hay ngõ chợ Cầu Đông, Thanh Hà...

Khách lạ, muốn biết người Hà Nội ăn ở ra sao, cứ vào những ngõ chợ này là biết.

Nửa phố đầu kéo từ phía Đường Thành vào là người ta họp chợ. Nếu là dân phố cổ, đặc biệt sống gần đây thì ai cũng biết ngõ chợ này. Chợ tuy trong ngõ và giống như cái chợ cóc, nhưng người ta có thể mua đủ thứ ở đây, từ những món ăn đặc sản, cho đến những thức bình dân. Tất cả đều tươi roi rói. Người phố cổ vốn sành ăn, đồ bán mà không đúng thì khó mà lọt vào đây được.

Mặc dù là cái chợ cóc họp lâu đời thành chợ chính, nhưng nếu để ý, cũng sẽ thấy người ta phân chia “địa bàn” cho những ngành hàng bày bán ở đây. Đầu chợ là những loại thịt cá, nông sản, giữa chợ là mấy hàng chế biến đồ ăn sẵn cho các bà, các chị về chỉ việc bắc bếp nấu mà chả phải động tay làm.

Hay nhất ở khu này là có vợ chồng anh bán cua đồng. Giã tay. Dân phố cổ sành ăn không thích loại cua xay máy, về nấu tan hết ra nước. Cua đồng là phải giã tay, bằng cối đá mới nhuyễn, nấu lên đóng bánh nổi tảng lên ệng nồi canh mới ngon.

Hàng vợ chồng anh này luôn đắt khách. Chị vợ luôn tay bóc cua nhoay nhoáy, anh chồng to khoẻ tay chày giã đôm đốp mà cũng không kịp cho khách đặt hàng.

Ngay bên cạnh là nhà có mặt bằng khá rộng, nửa bên trong cho thuê làm cửa hàng gội đầu cắt tóc, nửa bên ngoài là mấy chị dựng sạp bán thịt lợn. Ai gội đầu cứ gội bên trong, còn bên ngoài các chị vẫn chặt thịt côm cốp. Phố cổ chật chội phải tiết kiệm từng mét vuông…

Cuối chợ thì đủ các loại hàng bán hoa quả, mùa nào thức nấy. Xen kẽ là những nhà có nghề thủ công từ lâu đời như đóng giày dép, bán vàng hương…

Giữa chợ có mấy hàng bán quà sáng phục vụ cho mấy cô gái phố cổ sáng ra vẫn mặc nguyên đồ ngủ chạy xuống ngồi xì xụp bát bún riêu, tô phở gánh…

Nửa phố còn lại, bắt đầu từ Đình Tú Thị, chấm dứt ở phố Hàng Mành. Ngôi đình này cũng mới được tu sửa khang trang một hai năm nay. Đoạn này chủ yếu là khách sạn cho Tây thuê ở, sâu phía trong thì toàn nhà lụp xụp, chắp vá của dân sống lâu đời ở đây.

Thỉnh thoảng có chị bán hàng rong lạ mặt không mang xe hàng được vào chợ mới kéo ra ngoài mặt Đường Thành kiếm khách. Đang loay hoay chưa kịp bán được cân cam nào thì bị anh dân phòng ở đâu lù lù xuất hiện tóm tại trận, vì cái tội bán hàng không đúng nơi quy định.

Chị chàng vội vàng dắt xe chạy tụt vào trong ngõ chợ, nhưng thoát làm sao được bàn tay anh dân phòng lực lưỡng. Vậy là cứ một điều chú cho chị xin, hai điều chị mới tới chưa mở hàng, chú thông cảm… Anh dân phòng thì tỏ ra cương quyết đòi bắt về phường xử phạt.

Ôi, anh mà phạt thì em hết vốn hết lãi – chị hàng rong biết không thoát, mà vẫn cố xin, thoắt cái đã đổi ngôi xưng hô, năn nỉ tuyệt vọng…

Dạo trước, khi chợ Hàng Da chưa xây thành trung tâm thương mại, khu vực này luôn sầm uất cảnh buôn bán. Ngõ phố Yên Thái chỉ là con phố bình thường, có vài nhà bán đồ lặt vặt.

Dân phố cổ đi làm về là tạt qua chợ Hàng Da, dừng xe mua đồ về nấu nướng, rất tiện. Chị nào lười nấu thì có người mang những đồ nấu chín sẵn đưa tận tay, về nhà chỉ việc bày ra. Ai không biết tưởng chị đảm đang, đi làm cả ngày vất vả rồi mà về vẫn còn cơm nước cho chồng con đầy đủ món ngon, thừa chất.

Bây giờ, chợ Hàng Da đã quy hoạch gọn gàng, sạch sẽ vì là trung tâm thương mại, nhưng lại ít người vào. Dân mình vốn thích chợ cóc, vì tiện.

Nên ngõ Yên Thái vốn trước kia chỉ là một nhánh tự phát của chợ Hàng Da cũ, bây giờ lại thành chợ chính cho dân phố sống quanh đây.