Phố “ùng oàng” và những điều sót lại

Phố cổ Hà Nội, nổi danh với những phố Hàng, nhưng bây giờ còn rất ít phố giữ được nghề truyền thống xưa, như chính tên gọi của nó. Nếu ai đã từng đi qua phố Hàng Thiếc sẽ cảm thấy khá thú vị khi cả con phố này hầu hết các gia đình đều giữ được nghề, và sống tốt với nghề chì thiếc.

  

Đi qua phố Hàng Thiếc, tôi chưa bao giờ có cảm giác đang ở trên một con phố giữa trung tâm phố cổ Hà Nội. Rất ồn ào, ầm ĩ, nhưng lại không giống như không khí tấp nập đô thị. Những người dân sinh sống ở đây luôn có dáng vẻ lam lũ, toát lên hình ảnh của những người lao động chăm chỉ ngày đêm.

Con phố khá vắng vẻ, ít ô tô qua lại, thỉnh thoảng là những chiếc xe máy chở hàng cồng kềnh vừa được chất lên từ một cửa hàng nào đó trên phố, chao đảo chạy qua. Người đi bộ thì phải đi xuống lòng đường, bởi hai bên vỉa hè, các hộ gia đình đều sử dụng làm nơi bày hàng, và nhiều hơn là nơi người ta mang đồ ra gò hàn…

Nhưng cũng không lấy làm khó chịu lắm, vì như đã nói, sự tấp nập, ồn ào đều nằm trên vỉa hè hai bên phố, còn dưới lòng đường thì lại khá thoải mái cho khách bộ hành.

Dân Hàng Thiếc nổi tiếng khéo tay với nghề thủ công đặc trưng (Ảnh: Quang Hùng)

Được biết, dân đến lập nghiệp ở đây xưa chủ yếu là từ Đan Hội – Hà Đông, Thường Tín, Bắc Ninh, Phú Thứ, Khương Thượng, Canh, Diễn… Thậm chí có tài liệu cho biết còn có một ông tổ nghề thiếc ở mãi tận ền Trung có nghề thiếc mang ra kinh thành rồi lập nên phố nghề này…

Gọi con phố này là phố ầm ĩ nhất ở phố cổ, có lẽ cũng không sai. Đi qua đây, người ta luôn nghe thấy tiếng máy cắt, tiếng gò hàn, tiếng kim loại va vào nhau chan chát, những tiếng động “ùng oàng” đặc trưng của phố nghề. Con phố chuyên nghề gò hàn.

Dân Hàng Thiếc nổi tiếng khéo tay với nghề thủ công đặc trưng. Phố Hàng Thiếc với đủ các loại đồ gò hàn khéo léo, được làm theo yêu cầu. Thế nên, với những người ưa đồ thủ công, và muốn sở hữu những món đồ dùng theo tiêu chuẩn, thói quen riêng đều ra đây đặt hàng.

Tất nhiên, bây giờ với những yêu cầu mới, thì những món đồ người thợ ở Hàng Thiếc làm ra cũng khác xưa rất nhiều. Đi qua đây sẽ chủ yếu thấy các mặt hàng phổ biến như lò hóa vàng, các loại nồi niêu xoong chảo, ống khói, nồi cỡ đại phục vụ các nhà hàng, quán ăn…

Đặc biệt người ta hay thấy các bác thợ làm cả lồng thay thế cho máy giặt, máy sấy, đẹp không kém gì từ nhà máy làm ra.

"Tôi làm những sản phẩm bà con khu phố không làm được hoặc những sản phẩm cần sự tỷ mỷ thì bà con giới thiệu đến tôi".

"Nghề chì thiếc ấy sẽ tồn tại mãi vì có những sản phẩm thủ công mà máy không thể làm được, có những dụng cụ và những đồ đặc biệt mà chỉ có tay nghề của người thợ thiếc mới có thể làm ra được…"

"Giờ làm máy nhiều, làm máy thì đẹp hơn, nhanh hơn làm tay, nhưng những đồ chi tiết thì máy cũng không làm được, cần phải làm bằng tay".

Những người dân sinh sống ở phố Hàng Thiếc luôn có dáng vẻ lam lũ, toát lên hình ảnh của những người lao động chăm chỉ ngày đêm (Ảnh: Quang Hùng/VOVGT)

Dù sản phẩm, hay phương thức làm đã khác xưa nhiều, nhưng về cơ bản người thợ thủ công ở Hàng Thiếc vẫn sống tốt với nghề, và có lẽ, sẽ giữ được nghề mang tên con phố này nhiều năm nữa. Nhưng với những người đã sống lâu ở Hà Nội, Hàng Thiếc không chỉ nổi tiếng với nghề gò hàn, tạo tác các đồ gia dụng.

Xưa, nó còn rất nổi tiếng với những món đồ chơi hấp dẫn được làm từ tôn, từ sắt thép, và một trong những thứ mà mọi đứa trẻ ngày bé đều mong ước, đó là chiếc thuyền được làm từ sắt tây có thể chạy trên mặt nước.

Món đồ chơi gắn bó với những đứa trẻ ở phố những năm 80, 90 thế kỷ trước mỗi dịp trung thu. Tất nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có thể sở hữu món đồ chơi thần kỳ ấy, bởi chúng cũng khá đắt đỏ.

Để tàu chạy, người chơi phải đổ đầy nước vào hai đầu ống dẫn ở đáy tàu, sau đó đốt bình dầu, đặt dưới nồi hơi và đưa tàu xuống nước, chỉ vài giây là tàu bắt đầu chạy. Đó thực sự là một món đồ chơi mê hồn đối với lũ trẻ thời bao cấp, khi mà tất cả đều thiếu thốn, chứ không riêng gì đồ chơi.

Bây giờ, đi trên phố Hàng Thiếc, phải chú ý lắm, người ta mới thấy một cửa hàng bày bán vài chiếc thuyền sắt tây làm thủ công ấy. Tất nhiên, có thể hiểu được, bởi bây giờ có quá nhiều đồ chơi bằng nhựa, đẹp, bắt mắt và hấp dẫn với trẻ con.

Còn món đồ kia, vẫn được bày bán, có lẽ là sự lãng mạn của người thợ cũ, để phục vụ nhu cầu tìm lại món đồ chơi ký ức thời bao cấp của những người giờ đã lớn tuổi.

Nhưng dù sao, món đồ chơi còn sót lại ấy, cùng với những sản phẩm thủ công ở Hàng Thiếc vẫn là một trong những điều thú vị ở 36 phố phường Hà Nội…