Phố trong tranh và tranh trong phố

Phố trong tranh, và tranh trong phố - Tôi chợt nhận ra sự tồn tại rất thú vị này trong một lần tình cờ dạo bước trên con phố Nguyễn Thái Học – một trong những con phố bán nhiều tranh chép nhất của Hà Nội.

Phố phường của Hà Nội đẹp như thế nào trong tranh, và những bức tranh phố phường của Hà Nội mang lại vẻ đẹp gì cho phố? 

Tranh trong phố, là một điểm nhấn đầy màu sắc cho phố, thu hút mọi ánh nhìn của bộ hành, đặc biệt là khách du lịch.  Tranh chép được bày bán nhiều trên phố Nguyễn Thái Học với các mức giá phổ biến và rẻ hơn nhiều so với tranh sáng tác, được trưng bày nhiều tại các phòng trưng bày khu vực phố cổ hay các phố quanh Bờ Hồ, nơi có nhiều khách du lịch tới tham quan, vui chơi hơn.

Dạo bước và ngắm tranh trong phố, dù không cần phải là người am hiểu hay có kiến thức về hội họa, bạn vẫn dễ dàng bị hút mắt và say sưa khám phá thế giới sắc màu đầy cuốn hút này.

Còn tìm đến với phố trong tranh thì lại khác. Có hẳn một dòng tranh vẽ phố Hà Nội, mà nhắc đến là phần lớn mọi người thường nghĩ ngay đến “Phố Phái” – là những bức tranh về phố cổ Hà nội của họa sỹ Bùi Xuân Phái.

Những con đường nhỏ, quanh co, với góc phố nhuốm màu thời gian, cùng mái nhà lô xô hay bóng hình những con người bé nhỏ trên những gam màu trầm đặc trưng …tạo nên một ấn tượng khó phai về vẻ đẹp của phố cổ Hà Nội trong ký ức nhiều người. 

Ảnh: Vũ Loan

Phố trong tranh rất khác với phố của đời sống hiện tại. Dường như đó là một hành trình tìm về ký ức của Hà Nội.  Dù hiện tại, nếu chịu khó đi kiếm tìm và nhặt nhạnh, ta vẫn bắt gặp những nét đẹp của phố cổ còn sót lại ít nhiều trên phố. Ngay cả với những họa sỹ hiện đại theo đuổi dòng tranh phố này thì hành trình tìm kiếm tư liệu sáng tác cũng ngày một khó khăn hơn. Họa sĩ Lê Vương Tài chia sẻ:

"Một người họa sĩ sáng tác cần phải có thực tế, khi những ngôi nhà cổ đó không còn nữa thì càng ngày vốn sống của mình giống như chiếc bánh, bây giờ mình chỉ có thể cảm nhận và ăn chiếc bánh đó qua hương vị, thì nó cũng có giới hạn thôi, hoặc thay đổi góc cạnh thôi nên sự nhàm chán và lặp lại là không thể tránh khỏi..." 

Dòng tranh về phố chắc chắn sẽ phát triển chậm hơn vì người nghệ sĩ không thể sáng tác nhanh bằng sự phát triển của công nghệ như hiện nay. Những hương vị phố cổ cũng dễ bị lẫn khuất trong muôn vàn những hương vị khác của cuộc sống hiện đại, khiến những người thực sự thôi thúc muốn tìm đến phải như người đãi cát tìm vàng trên phố.

Phố cổ, phố cũ, là ký ức, là hoài niệm. Còn với hình ảnh phố hiện đại, trong tranh hiện đại chúng ta sẽ tìm thấy một màu sắc khác. Họa sĩ Lê Vương Tài cho biết thêm:

"Phố phường hiện đại thì các họa sĩ thường thể hiện theo kiểu trừu tượng như những nét gạch, hình thẳng hay hình khối lập phương theo mô tuýp hiện đại được đưa vào như dòng tranh trang trí thôi chứ không phải là dòng tranh nghệ thuật.

Vì nghệ thuật sẽ phải là giữa mơ và thực, nhưng đây họ đưa tới 1 ranh giới trừu tượng, ai hiểu thế nào thì hiểu. VÌ các cao ốc mà vẽ nên sẽ có cảm giác đơn điệu và thiếu đi màu xanh, nhiều cao ốc đặt cạnh nhau sẽ có một nhịp điệu đơn giản và khó nhìn thấy vẻ đẹp của con người.

Phố cổ đẹp vì nó có nhịp sống của con người, có những sinh hoạt đời thường, gần gũi, thân thuộc, người trong phố cổ có sự giao tiếp, trò chuyện với nhau..."

Tranh trong phố mang lại cảm giác thích thú, say sưa ngắm nhìn cho người thưởng lãm, còn phố trong tranh là những hình ảnh, màu sắc mang trong đó thật nhiều cảm xúc của người họa sỹ.

Đó đều là những con phố mang theo hơi thở cuộc sống, chứa đựng tình yêu tha thiết với Hà Nội của mỗi người nghệ sỹ và của cả người thưởng thức, khi nó được hiện ra thật gần, thật rõ trong mỗi bước chân bộ hành.