Phố tre

Bước chậm rãi qua khu phố cổ, nếu không phải người Hà Nội, bộ hành hẳn sẽ thấy ngạc nhiên khi đi qua phố Hàng Vải, dù tên gọi là Hàng Vải nhưng thay vì vải vóc, các cửa hàng lại trưng bày những sản phẩm làm từ tre.

Ấn tượng đầu tiên với những chiếc thang tre, cọc tre hiện diện ngay đầu phố Hàng Vải sẽ mở ra câu chuyện khám phá thú vị trong hành trình của Bộ hành qua phố hôm nay.

Xưa kia, người dân Kẻ Chợ gọi phố Hàng Vải là phố Hàng Vải thâm - nơi bán những loại vải nhuộm nâu cho người lao động. Tuy nhiên từ những thập niên 90, các hộ gia đình trên phố chuyển sang kinh doanh mặt hàng tre nên khách đến mua hàng hay nhắc đến cái tên “phố tre” nhiều hơn.

Dẫu vậy, hiện trên phố Tre cũng chỉ còn lại vài hộ gia đình bám trụ với nghề. Những khi vắng khách họ ngồi trước cửa, vừa cặm cụi đẽo gọt, chẻ tre, vừa tâm sự chuyện trò về kỷ niệm xưa. Bà Thu được ông bà truyền nghề lại đã mấy chục năm bồi hồi chia sẻ:

"Bà bán lâu rồi, bán từ mấy chục năm nay rồi. Ông bà bán, xong ông bà mất thì đến chúng tôi. Mọi năm cứ đến mùng 2 tháng 9, mùng 1 tháng 5 là họ mua cờ rất nhiều nhưng bây giờ cờ họ cũng cất lại".

Những bó tre dựng trước cửa nhà dọc phố Hàng Vải chỉ dài hơn 200m, tạo nên nét đặc trưng khó lẫn cho phố

Dưới ánh nắng chiều nhẹ nhàng rọi xuống, “phố tre” mang vẻ yên bình đến lạ. Không phải bởi những màu sắc sặc sỡ hay biển hiệu rực rỡ, mà níu chân người ngang qua bởi những gam màu trầm ấm mà tre, nứa mang lại. Hai bên phố, những chiếc thang, cái sào phơi quần áo, đồ trang trí nội thất hay cái điếu cày được bày biện ngay ngắn, hắt nhẹ màu nắng óng ánh lên từng món đồ.

Tre nứa được bày bán phần lớn đều được mua và vận chuyển từ Cao Bằng, Lạng Sơn về Hà Nội. Nếu có dịp đi qua ngã tư Hàng Vải giao với Hàng Gà, bộ hành sẽ bắt gặp hình ảnh bà cụ mái tóc bạc phơ luôn ngồi ở cửa, cứ có khách là nhiệt tình đon đả chào mời.

Khách tìm đến với các mặt hàng trên “phố tre” cũng đều là khách hàng lâu năm, đặc biệt như với mặt hàng là điếu cày thì khách kỹ tính đến mấy cũng đều tìm tới địa chỉ tin cậy trên con phố này:

"Ở đây nổi tiếng điếu cày ngon, đẹp, có truyền thống lâu đời về làm điếu này rồi".

Dễ dàng bắt gặp những thang treo cao vút được dựng ngay ngắn ở góc phố, tạo nên nét độc đáo riêng

Con phố không quá dài, nhưng đủ để ai đi qua cũng cảm nhận được cái hồn rất riêng của nó. Có chút xưa cũ, có chút mộc mạc giản dị, có chút yên bình trầm tư. Với những người đã sống trên phố lâu năm, việc bán mặt hàng chất liệu truyền thống như tre, nứa vừa là niềm tự hào nhưng cũng vừa là sự luyến tiếc, bởi thời thế đổi thay, muốn nối nghề cũng khó khăn hơn:

"Ở đây bây giờ chỉ còn cái phố này ở Hà Nội, ai mua thang tre thì cứ lên đây thôi. Còn bán chỉ gọi là túc tắc, đủ sống thôi chứ không như ngày xưa. Trước phố nhiều người bán bây giờ con cháu người ta đời sau thấy không ăn thua nên bây giờ chỉ còn lại những người lứa tuổi từ trước thôi. Cũng có một vài người theo nghề như ở bên kia kìa".

Hiện trên phố chỉ còn vài hộ gia đình bán các mặt hàng về tre, trong đó có cửa hàng lâu đời nhà bà Thu
Chủ cửa hàng luôn nhiệt tình hỗ trợ các vị khách ghé mua

Sự thế chỗ của những cửa hàng tre nứa thay cho những cửa hàng bán vải khi trước không làm phố mất đi vẻ xưa cũ. Dường như nó chỉ khoác lên mình một chiếc áo mới, song vẫn giữ được nét mộc mạc, giản dị của ngày xưa.

Những bậc thang tre ngày ngày xuất hiện quen thuộc ở góc ngã tư phố, là dấu hiệu nhận diện phố cổ Hàng Vải mà bất cứ khách bộ hành nào cũng có thể quan sát thấy từ xa. Rồi lớp lớp cọc nứa, thang tre hiện ra và trải dài thêm trong tầm mắt, như dẫn lối cho bộ hành tìm đến một không gian của làng quê thân thuộc.

Quán cà phê nhỏ nằm gọn trên phố Hàng Vải, có các vật dụng và đồ trang trí đều được làm bằng tre

Hiện cũng có nhiều bạn trẻ yêu thích tìm hiểu và sáng tạo các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ từ tre nứa thường tới đây tìm hiểu thông tin và học hỏi. Được trò chuyện, được kể về phố tre, kể về cách làm cái thang, cái điếu cày như một niềm vui mà những người bán hàng tóc đã bạc màu trên phố tre dành cho người khách bộ hành trẻ tuổi…

Và ở đó cũng là niềm mong mỏi có thêm một sự tiếp nối dẻo dai và bền bỉ cho phố tre.