Phố ngọt

Phố Hàng Đường gợi lên vị ngọt ngay từ cái tên cũng bởi ta vẫn có thể tìm thấy một thức quà đặc sản ngọt ngào, đặc trưng của người Hà nội trên con phố này. Đó là món mứt, ô mai truyền thống phố Hàng Đường.

Như một lẽ rất tự nhiên, vị ngọt đã làm nên tên phố một thời, và có thể tới tận bây giờ, tên con phố ấy vẫn mang theo vị ngọt trong cảm nhận và ký ức của rất nhiều người.

"Mùi thơm, mùi nước hoa bưởi, mùi cam thảo, những cái đó quyện vào nhau nó ngon tuyệt vời luôn, rất thích, ai vào nhà cô cũng bảo sao vào nhà bác thơm thế, nhà bác sướng thế, ừ nhà bác làm nghề mà thì nó phải thơm chứ..."

Bà Bích ngọc - Cháu gái gia đình cụ Ngọc Anh làm mứt kẹo truyền thống nổi tiếng trên phố Hàng Đường rất hạnh phúc khi kể về hương ngọt đặc biệt trong không gian ngôi nhà nhỏ trên ngõ phố Huế của bà đang ở hiện nay.

Bà Bích Ngọc đang nấu ô mai (Ảnh: Phúc Tài)

Có lẽ vị ngọt sẽ chạm tới khứu giác của chúng ta bắt đầu từ hương thơm. Không gian ấy được đong đầy trong hương ngọt của những mẻ mứt đang nấu và được sấy thơm lừng trên bếp, bởi bà Ngọc vẫn duy trì cách làm ô mai, mứt truyền thống từ hơn trăm năm qua của gia đình.

Mỗi mẻ mứt được nấu xong một lượt, lại để nghỉ một ngày cho ngấu đường, rồi lại tiếp tục nấu thêm 2 lượt nữa, nên mùi thơm của mật, đường, hoa quả luôn phảng phất, để mỗi khi nhắc tới, bà Ngọc lại vừa kể, vừa nhớ về hương ngọt đặc biệt trên con phố Hàng Đường, nơi gia đình từng sinh sống một thời như thế.

"Kể cả sau này xí nghiệp bánh mứt kẹo Hà Nội nấu mứt, mấy cái lò, thơm lắm, thơm lừng, bí biếc đầy vỉa hè, nhất là rằm tháng 8 sắp tới này người ta phải làm mứt bí là đầy ra. Thấy ngọt ngào, mà người ta sống nó tình cảm lắm, như kiểu một làng, thân tình lắm".

Một mẻ ô mai quất hồng bì đang nấu (Ảnh: Phúc Tài)

Tên phố Hàng Đường có nguồn gốc từ các mặt hàng kẹo bánh và các sản phẩm làm từ đường, mật như các loại bánh kẹo, ô mai, mứt ... Những tháng tấp nập và thơm hương ngọt ngào nhất ở phố Hàng Đường là trước Tết và rằm Trung thu.

Trong ký ức của bà Ngọc, mỗi bước chân chạy nhảy quanh phố khi còn thơ bé luôn quyện trong làn khói mỏng, thơm ngọt dịu từ những chảo mứt của các nhà bắc bếp ra nấu ngay vỉa hè. Dọc phố cứ thơm lừng hương ngọt như thế cho tới khi vào tận trong nhà.

Lớn hơn một chút, công việc làm mứt trở thành công việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình sau giờ làm việc ở cơ quan, dù vất vả, có những lúc ngủ thiếp đi bên nong sấy hoa quả, nhưng sự ngọt ngào trong thức quà nhỏ bé của người Hà Nội này như mang lại cho bà Ngọc một tình yêu rất mạnh mẽ.

Có lẽ vì thế mà ở cái tuổi đã gần 70, bà vẫn cần mẫn làm từng mẻ mứt theo cách làm truyền thống, phải mất 4 ngày thay vì chỉ mất 4 tiếng so với cách làm công nghiệp như hiện nay: Vì thế, phố Hàng Đường nay không còn bóng dáng những gói mứt thơm ngọt, những bếp nấu mứt bồng bềnh khói thơm cuốn chân bất cứ ai qua phố nữa.

Ô mai đang trong lò sấy sau khi đã được nấu đủ 3 lượt đường (Ảnh: Phúc Tài)

Dù vẫn còn một vài cửa hàng bán mứt, ô mai truyền thống, nhưng hương thơm, vị ngọt đã đã được đóng gói gọn gàng trong những chiếc hộp long lanh, sạch sẽ, trong những cửa hàng cửa kính tinh tươm. Hương ngọt vốn còn ít ỏi, lại thêm phần được cất kỹ, rồi cũng lẫn khuất trong muôn vàn hương sắc phố thị hiện đại khiến người qua phố sẽ phải để tâm tìm thật kỹ.

Cũng như bà Ngọc, gói ghém những ký ức về phố ngọt cho riêng mình, bà mang về căn nhà nhỏ của gia đình ở phố Huế, ngày ngày nấu những mẻ mứt, làm vừa đủ theo sức khỏe còn cho phép và tận hưởng niềm vui trong không gian ngọt ngào như ở phố xưa:

"Bây giờ thì nó hết rồi, chả còn, có thể họ làm ở đâu ở đâu, các khu công nghiệp, phố Hàng Đường chỉ còn vài nhà bán thôi chứ mấy nhà đó cũng chả còn gốc ở đấy, để mà nấu bán thì gần như không còn. Người gốc còn ít lắm, kể cả nhà cô giờ còn bà dì ruột, bà bác ở trên đó, chị họ của cô cũng làm, nhưng chỉ làm nhỏ lẻ, thích thì làm thôi, như kiểu cô hứng lên thì làm, không thì thôi, để mà làm kinh tế không ăn thua, làm lấy vui thôi..."

Ô mai đang trong lò sấy sau khi đã được nấu đủ 3 lượt đường (Ảnh: Phúc Tài)

Phố Ngọt bởi có vị ngọt từ thức quà đặc biệt của người Hà Nội như món mứt, ô mai truyền thống nổi tiếng

Phố Ngọt còn bởi vị ngọt đến từ tình yêu của những con người dành cho nghề truyền thống đầy ý nghĩa này.

Phố Ngọt còn bởi cái tình của những con người trên phố dành cho nhau…

Cuộc sống hiện đại, tuy không còn nhiều vị ngọt của thức quà truyền thống xưa nữa, nhưng chúng ta vẫn có thể tìm thấy sự hiện diện của “ngọt ngào” trong ký ức, câu chuyên của nhiều người trên phố Hàng Đường và về phố Hàng Đường hôm nay…