Phố hàng giả

Khi mà khắp nơi đang sôi sục với phong trào vận động tẩy chay hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, thì ngay tại trung tâm Thủ đô, có một con phố vẫn thoải mái bày bán đồ nhái thương hiệu, với hàng chục cửa hàng và tồn tại nhiều chục năm nay…

Phố Hàng Dầu, có lẽ là một địa chỉ rất gắn bó với những đứa trẻ thành thị vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi mà gần như còn rất ít hãng thời trang quốc tế xuất hiện trên thị trường. Mỗi lần có nhu cầu mua giày dép, mà chủ yếu là dép nhựa, dép tổ ong, dép cao su là chúng tôi thường đạp xe lên đây để mua.

Những năm 80-90, một đôi dép tổ ong hay dép nhựa quai hậu Tiền Phong vẫn còn là món đồ xa xỉ đối với đám thanh niên mới lớn. Chỉ những gia đình có điều kiện mới có giày da để đi, mà chỉ đi vào những dịp đặc biệt. Khi thị trường mở cửa hơn, thanh niên Hà Nội đã bắt đầu biết đến giày thể thao.

Đó là lúc phố Hàng Dầu, với sự nhanh nhạy của những người bán hàng, đã nhập về những đôi giày thể thao đủ chủng loại, bắt mắt và thu hút khách hàng.

Tồn tại qua nhiều chục năm, nên gần như con phố này đã trở thành một phố hàng, tức là phố chuyên bán một loại mặt hàng, giống như định nghĩa của 36 phố hàng ngày xưa. Người Hà Nội, gần như mặc nhiên, và ai cũng biết, ở phố Hàng Dầu bây giờ là phố… bán giày dép, chứ không bán dầu.

Thế rồi cùng với thời gian, con phố này dần phát triển, từ đầu phố đến cuối phố, gần như nhà nào cũng mở hàng bán giày dép. Phố này, có tất cả các loại giày dép thương hiệu nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay.

Nhưng rất tiếc, hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả mặt hàng ở đây đều là đồ không chính hãng. Hay nói một cách khác là hàng nhái thương hiệu.

Tất nhiên, bây giờ thì thị trường thời trang với những cửa hàng đồ hiệu chính hãng mọc lên như nấm thì không mấy thanh niên Thủ đô còn mò ra phố này mua giày dép nữa.

Nhưng con phố này vẫn thế, vẫn rất nhộn nhịp người bán kẻ mua. Những đôi giày dép được bày bán ở đây có giá chỉ bằng 1/5, 1/10 giày chính hãng, logo, tên tuổi thì cũng chẳng cần phải làm sai để “lách luật”. Giống hệt như thật. Và ai cũng biết, đó là hàng nhái. Tất nhiên bây giờ cũng có những mặt hàng sản xuất trong nước được bày bán ở đây, nhưng số này không đáng kể.

Khách hàng là những người không quan tâm đến vấn đề chính hãng cho lắm, chỉ cần giông giống giày hiệu và quan trọng là giá rẻ, ấy vậy là họ mua. Có lẽ điều này lý giải vì sao các cửa hàng ở đây vẫn sống được.

Nhưng có một điều khó lý giải hơn, đó là tại sao những mặt hàng bày bán ở đây một cách công khai như vậy nhưng không bị quản lý thị trường “sờ” đến?

Ở Hà Nội, có phố Hàng Mã, những tưởng là nơi chuyên bán đồ mã phục vụ cho nhu cầu cúng bái, thì nay lại là con phố chuyên kinh doanh các mặt hàng phục vụ cho mùa lễ hội, từ trung thu, lễ tết truyền thống, đến những lễ hội du nhập từ nước ngoài, văn hoá phương Tây như Noel, Halloween…

Cũng chẳng biết từ bao giờ phố này lại thành nơi vui chơi của giới trẻ mỗi dịp lễ hội như vậy?

Thế mới thấy, nhu cầu xã hội ngày một phát triển thì những người ở phố hàng cũng phải theo thời mà sống.