Phố Gầm Cầu

Ở phố Gầm Cầu có cảm giác giống như ở một khu tập thể cũ, thỉnh thoảng ồn ào một chút rồi lại chìm vào im lặng...

Trái ngược hẳn với phố đường tàu Phùng Hưng – là con phố nằm trên cao, ôm lấy đường tàu chạy qua nội đô. Phố Gầm Cầu, đúng như tên gọi của nó, lại nằm bên dưới, chạy dọc theo những mái vòm đỡ lấy đoạn đường tàu kéo dài từ phố Trần Nhật Duật, mạn ga Long Biên cắt ngang phố Hàng Giấy, ra đến tận cuối phố Hàng Cót, đầu phố Hàng Lược.

Người ở Hà Nội, nếu không có việc, hoặc chẳng phải dân ở phố Gầm Cầu, chắc cũng chả bao giờ mò vào con phố này, chứ đừng nói là biết rõ. Nói là phố nhưng thực chất chỉ là một con ngõ khá cách biệt, đúng như tên gọi của nó; Là phố, nhưng gần như không phải dùng cho việc đi lại, giao thông.

Những người đi qua phố này, một là cư dân ở đây, hai là dân đánh hàng từ đây đem đi các nơi, hoặc từ nơi khác mang đến đổ mối.

Phố Gầm Cầu, đoạn ga Long Biên ra đến cổng vòm đầu phố Nguyễn Thiếp, luôn tấp nập từ sáng sớm tới chiều tối. Xe tải chở hàng nườm nượp ra vào, xếp hàng ngay ngắn như người ta chơi xếp hình. Những người bốc vác thuê đứng chờ việc không biết từ bao giờ, thấy xe đỗ xuống là nhốn nháo chạy ra khỏi chỗ trú.

Nhưng không vì thế mà hỗn loạn, bởi đã có sự phân chia công việc, khách quen. Xe dừng là biết, cứ thế ra mà bốc hàng mang vào các phố Nguyễn Thiếp, Gầm Cầu, hay chủ yếu là chợ Đồng Xuân cho chủ hàng…

Từ phố Nguyễn Thiếp, men theo các mái vòm đỡ đường tàu hoả phía trên xuôi về Hàng Giấy, Hàng Lược là đoạn chính của phố Gầm Cầu. Con phố này chủ yếu bán đồ thuỷ tinh, chai lọ, gốm sứ. Bán buôn. Không mấy khi có hàng bán lẻ, nên như đã nói, chẳng có mấy người lạ đi vào đây mua hàng, hay đi chơi.

Khá kỳ lạ khi toàn bộ phố Gầm Cầu là các cửa hàng buôn bán, nhưng khi đi vào đây không gian như bị đóng kín, và cũng không hề có sự ồn ào của một cái chợ.

Những cửa hàng buôn bán cũng không có cảnh chào mời khách, người ta cứ mở hàng cả ngày, chủ hàng nhàn nhã ngồi đọc báo, nghe đài, ngồi đánh cờ, uống trà với hàng xóm.

Thỉnh thoảng có xe đến lấy hàng thì đứng dậy, giao hàng. Chỉ ồn ào một chút, rồi tất cả lại chìm vào im lặng. Có cảm giác, giống như một khu tập thể cũ, hơn là một khu phố buôn bán.

Gần trưa, những người bán hàng ăn bắt đầu kéo xe ra khỏi nhà. Trên xe là bàn ghế, nồi niêu, bếp nấu nướng. Những hàng ăn ở phố Gầm Cầu cũng không nhiều. Đầu phố là một hàng bún chả, bên cạnh là hàng bún riêu, giữa phố lại có một hàng bún chả…

Cũng có lần tôi thử ăn ở một hàng trên phố, không ngon lắm, rất rẻ. Có lẽ, nó phù hợp với nhu cầu và túi tiền của những người lao động ở đây.

Phố Gầm Cầu, ngày xưa, từ thời Pháp, chủ yếu là nơi sinh sống của những người từ nơi khác đến, dần dần dựng nhà, dựng lều định cư rồi nên đông đúc. Cũng đã có thời điểm rất phức tạp về trật tự xã hội khiến thành phố phải cho bịt kín các mái vòm để ngăn ngừa tội phạm.

Gần đây, phố Gầm Cầu được nghiên cứu để trở thành con phố phục vụ du lịch, bộ hành. Nhiều người sống ở đây cũng tỏ ra háo hức với dự án này, bởi họ hy vọng sẽ có những bước thay đổi trong diện mạo con phố cũng như cuộc sống của người dân…