Phan Khắc Huy và hành trình lan tỏa lịch sử, tinh hoa Việt

Ham đọc sách, mê đi thực nghiệm, khiêm cung và mong muốn lan tỏa kiến thức, giá trị truyền thống - đó là những phẩm chất dễ nhận thấy ở chàng trai Phan Khắc Huy (sinh năm 1987, quê ở Tiền Giang).

Bước ngoặt cuộc đời của Phan Khắc Huy có lẽ là vào thời điểm năm 2011 khi anh quyết định từ bỏ ngành Y sau hơn 5 năm theo học tại ĐH Y Dược TP. HCM. Anh cho biết mình không thích hợp với nghề y nên đã quay trở lại sở thích cá nhân là thích đi, đọc sách, thích kể về lịch sử, văn hóa và ký ức đô thị.

Chấp nhận lại mọi thứ từ đầu: học, đọc, tìm hiểu nhiều nguồn tài liệu, tranh thủ từng cơ hội để gặp gỡ các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ…

Từ năm 2012, anh Huy khởi động các dự án giáo dục phi lợi nhuận cho lĩnh vực mình yêu thích, trong đó khai thác sâu về nghệ thuật cổ truyền của Nam Bộ.

Bắt đầu từ Thư Quán Cội Việt do anh sáng lập đến dự án Đối thoại văn hóa cộng đồng và hiện nay là Vang vọng trống chầu, Phan Khắc Huy luôn ệt mài tiếp thu và lan tỏa những kiến thức về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật Nam Bộ.

PV: Xin chào anh Phan Khắc Huy, được biết năm 2012, anh đã thực hiện dự án Thư quán Cội Việt là nơi đọc sách ễn phí về lịch sử, văn hóa và được cộng đồng phản hồi khá tốt vào thời điểm đó. Anh có thể nói rõ hơn về giai đoạn này không, thưa anh?

Giai đoạn đầu tiên, mình và các bạn cùng sở thích thực hiện là dự án Thư Quán Cội Việt. Đây là nơi đọc sách ễn phí để các bạn đến đọc và trao đổi với khoảng hơn ngàn đầu sách mình nhận được tài trợ của mạnh thường quân.

Đồng thời, mình tổ chức “Lớp học 1 tô” (học phí chỉ bằng tô hủ tiếu 20 ngàn) trong khoảng 2012-2015. Lớp học này trao đổi về văn hóa gắn liền đời sống hằng ngày của ông bà ta ngày xưa, các bạn trẻ rất thích tìm hiểu. Từ những lớp học đó, mình và đội ngũ thực hiện tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm để làm dự án khác. Năm 2016, tụi mình làm dự án Travelearn “Đi để học” thì tới nay dự án đó vẫn còn.

PV: Còn những dự án tiếp theo sau đó thế nào, thưa anh Huy?

Trong năm 2016-2017 cũng có một dự án rất là lớn là Dự án đối thoại văn hóa cộng đồng là những chuỗi talkshow bên mình làm việc với các nhà nghiên cứu để mang những kết quả của các nhà nghiên cứu đã thực hiện đến gần công chúng.

Đến năm 2018, thông qua sự khích lệ của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, dự án này chuyển sang dự án dài hơi hơn có tên là Thư viện Diễn xướng Nam bộ, tập trung vào việc sưu tầm, ghi chép, lưu trữ các loại hình diễn xướng cổ truyền của ền Nam. Kết quả của dự án này là làm thành bộ sách dẫn nhập để các bạn trẻ bước đầu tiếp cận các loại hình diễn xướng của ền nam là bộ sách Lục tỉnh cầm ca.

Sau khi dự án kết thúc vào năm 2020, mình nhận được lời đặt hàng của Saigon Innovation Hub SIHUB (là đơn vị hỗ trợ đổi mới sáng tạo của Sở Khoa học-Công nghệ TP. HCM) muốn có show biểu diễn giới thiệu diễn xướng Nam bộ cho khách quốc tế. Những show đó diễn ra khá tốt nhưng không may gặp dịch Covid-19.

Sau năm 2021 cho tới nay, thị trường quốc tế vẫn chưa thực sự hồi phục được như trước 2019 nên mình tạm gác lại show này. Tuy nhiên doanh nghiệp mình thành lập ra để tổ chức show là Vang vọng trống chầu thì nó vẫn hoạt động tới bây giờ.

Hiện giờ, mình tập trung vào 2 mảng chính là các khóa học ngắn về lịch sử văn hóa địa phương và tổ chức các chuyến đi Echoing trip là những chuyến đi bộ điền dã để học lịch sử văn hóa trong một không gian nào đó…

PV: 10 năm là quãng thời gian không hề ngắn cho một quá trình tự học, tìm tòi, đòi hỏi sự kiên trì và nuôi ngọn lửa đam mê với lĩnh vực mình theo đuổi. Xin anh cho biết động lực nào khiến anh vững vàng trên con đường này ?

Mình duy trì được quá trình mười mấy năm trong lĩnh vực này là do mình rất thích học, thích đi và trao đổi những điều mình học với người khác, thì đó là động lực chính để mình theo đuổi. Tức là khi mình càng làm dự án, có thêm tri thức, kinh nghiệm thì càng muốn chia sẻ những kiến thức đó cho nhiều người biết hơn.

Vì kiến thức về lịch sử, văn hóa, di sản nếu nó không được nhắc đi nhắc lại hoặc không được thông tin, truyền thông trong thời đại mới thì nó rất dễ mất đi hoặc bị chìm khuất trong biển thông tin như internet. Đó là động lực chính để mình làm.

PV: Những giá trị mà anh Huy đã và đang hướng tới cho mảng giáo dục văn hóa – lịch sử  là gì thưa anh ?

Thứ nhất, mọi người thường nghĩ lịch sử - văn hóa là những gì hàn lâm, bị đóng khung trong sách vở, nghiên cứu. Nhưng đối với chương trình mình tạo ra thì lịch sử - văn hóa luôn hiện diện xung quanh chúng ta.

Chỉ cần để ý, khám phá một chút thì chúng ta sẽ có thêm kiến thức, tri thức người xưa để lại, nó đã trở thành một phần trong đời sống chúng ta.

Thứ hai, lịch sử - văn hóa không chỉ là kiến thức học thuộc lòng mà nó còn là chất dẫn để chúng ta có thể thưởng thức khía cạnh khác về đời sống tinh thần.

Ví dụ, chúng ta biết các loại hình diễn xướng nam bộ chẳng hạn thì sẽ biết về đờn ca tài tử, cải lương… Khi chúng ta hiểu thì sẽ có chìa khóa để bước chân vào lĩnh vực đó thì nó giúp cho đời sống tinh thần phong phú và cân bằng hơn trong đời sống hiện đại.

PV: Xin cảm ơn anh rất nhiều!

Phan Khắc Huy (áo xanh) trong một chuyến đi điền dã thuộc chương trình "Đi để học"

Suốt nhiều năm thực hiện các dự án phi lợi nhuận, làm cầu nối giữa các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân và khán giả không chỉ giúp anh Phan Khắc Huy tích lũy thêm nhiều kiến thức mà còn hiểu được thị hiếu thưởng thức nghệ thuật và nhu cầu tìm hiểu lịch sử văn hóa của các bạn trẻ hiện nay.

Từ năm 2020, anh Huy triển khai dự án “Vang vọng trống chầu” (tiền thân là hoạt động “Đi để học” trong Thư quán Cội Việt) với nhiều thay đổi so với trước đây. Điểm thay đổi đầu tiên là ngày trước các chương trình phi lợi nhuận hoạt động từ nguồn tài trợ của các mạnh thường quân thì giờ đây, Huy chăm chút tỉ mỉ cho từng hoạt động trải nghiệm lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống và đưa ra một mức thu vừa phải để nuôi dự án, hỗ trợ các địa điểm kết nối và nguồn nhân lực duy trì dự án.

Là đồng sự sát cánh cùng anh Phan Khắc Huy trong việc thực hiện các chương trình trải nghiệm lịch sử-văn hóa, anh Nguyễn Tấn Khiêm - điều phối viên và thiết kế trải nghiệm tại công ty Vang vọng trống chầu cho biết: "Anh Huy cẩn trọng trong lời nói, hành động, trong tất cả những dự án mà anh triển khai. Khiêm nghĩ đó là tố chất cần thiết khi làm trên lĩnh vực đòi hỏi tham khảo nhiều tài liệu như lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, tình yêu của anh Huy đối với văn hóa lịch sử khá là tự nhiên, không bị áp lực quá nặng nề từ những trách nhiệm hay sứ mệnh lớn lao từ những câu chuyện mà anh đưa ra. Anh đơn thuần có những câu chuyện văn hóa lịch sử nào thú vị thì anh tìm hiểu và chia sẻ cho mọi người. Điều đó cũng tạo cảm hứng cho Khiêm là làm thế nào để mình cảm thấy thú vị. Chỉ khi mình cảm thấy thú vị thì mình truyền tải và mới chạm đến người nghe. Từ đó họ cũng cảm thấy thú vị và tìm hiểu thêm những vấn đề đó".

Lớp học về lịch sử-văn hóa do anh Phan Khắc Huy (áo xanh) hướng dẫn cũng được tổ chức thường xuyên.

Hoạt động được nhiều bạn trẻ tìm đến “Vang vọng trống chầu” nhiều nhất hiện nay là chương trình “Đi để học”. Đó là những chuyến đi bộ điền dã, học hỏi và khám phá văn hóa địa phương ở các địa điểm cụ thể tại TP. HCM, các tỉnh thành ĐBSCL và một số tỉnh đông nam bộ. Có thể kể tên một số chuyến Travelearn “Đi để học” như An Giang – Núi báu sông thiêng”, “Đồng Tháp - Sa Giang Bửu Địa”, “Tiền Giang - Tú khí sông Gò” , “Sài Gòn - Kể chuyện Chợ Lớn”…

Mỗi chương trình là một chuyên đề học tập được tổ chức trong một không gian thực địa nhất định, người hướng dẫn sẽ gợi mở các nội dung để người tham gia cùng nhau khám phá. Bên cạnh đó, các khóa học tập trung về lịch sử - văn hóa - nghệ thuật với các chủ đề về lịch sử văn hóa Nam kỳ như “Mỹ tho đại phố”, “Thất sơn linh ký”… cũng được tổ chức thường xuyên.

Chị Phan Thị Hoài Diễm đã từng tham gia nhiều chuyến của Vang vọng trống chầu - “Đi để học” cho biết: "Em đã đi một chuyến An Giang, một chuyến Đồng Tháp, một chuyến Mỹ Tho để tìm hiểu văn hóa, phong tục, tôn giáo địa phương.

Những đề tài này rất rộng, một người không thể tự xưng biết hết được nhưng mà anh Huy dẫn trong một tinh thần rất là cởi mở, học hỏi lẫn nhau và luôn mở ra cho người tham gia phương hướng tự đọc, tự xem lâu dài hơn, tạo ra giá trị bền vững và có tính tin tưởng hơn.

Tại vì không phải bạn nói là tui nghe và tin vậy. Mà “à bạn có thể đi kiểm chứng những dữ liệu này, nó có cơ sở để bạn xem nè”. Là một người thiên về học thuật thì em đánh giá cao những yếu tố này".

Hành trình nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu lịch sử - văn hóa Việt của anh Phan Khắc Huy vẫn đang tiếp tục ở các chương trình của Vang vọng trống chầu. Trong tương lai, trên con đường học hỏi và chia sẻ nguồn tri thức vô tận, có thể anh sẽ thực hiện thêm nhiều dự án khác cho các bạn trẻ, cộng đồng.

Và cho dù ở dự án, chương trình nào thì tình yêu lịch sử - văn hóa Việt của anh Phan Khắc Huy vẫn như ngọn hải đăng vững vàng giữa những vũ bão của sóng biển thời đại.