Phạm Ngọc Đá: Đâu ai đánh thuế ước mơ

Lâu nay, lê ki ma thường được trồng nhiều ở miền Tây và chủ yếu dùng để ăn tươi. Tuy nhiên, loại trái này khó vận chuyển đi xa do thời gian bảo quản ngắn.

Gần đây, nhiều người đã phát hiện tiềm năng của lê ki ma và tập trung vào việc chế biến sâu loại cây này nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân.

Một trong số đó là anh Phạm Ngọc Đá, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ODA, thành phố Cần Thơ.

 

Lê ki ma được HTX của anh Phạm Ngọc Đá chế biến thành nhiều sản phẩm

Chào anh Đá, cơ duyên từ đâu mình có ý tưởng chế biến các sản phẩm từ trái lê ki ma?

Khởi nguồn của việc làm lê ki ma này, ban đầu là một người bạn ở bên Mỹ, lúc đó bạn mình nói là thèm trái lê ki ma, mình nói lê ki ma nó chín ngày hôm sau không ăn rồi coi như là nó hư rồi. Vậy thì làm sao gửi qua được?.

Nó nói một câu thôi bây giờ bạn sấy rồi bạn gửi qua cho tôi. Như vậy, mình bắt đầu mới sấy rồi lúc đó nó mới dẫn đến cái sự cố, sấy xong mà nó cứng, nó chát, ăn không đượ. Từ khó khăn đó, mình mới mày mò, mình mới tìm để có câu trả lời về trái lê ki ma. Chứ còn mà sấy ra nó như chuối thì chắc là mình sẽ không làm.

Vậy anh đã khắc phục nhược điểm của lê ki ma sấy khô như thế nào?

Trái lê ki ma sấy xong thì nó bị chát trở lại, cái độ đường nó cao và nó sẽ cứng dẻo chứ không phải cứng giòn. Muốn xử lý nó là phải xử lý được cái chát. Sau đó phải có một cái máy để mà đánh ra được thì ở đây mình sử dụng máy đó là công nghệ sấy thăng hoa rồi sau đó mới đánh lại thành bột được. Hiện tại, lê ki ma mình có sản phẩm sấy khô và sản phẩm bột lê ki ma. 

Khi mà sản phẩm thành công và có mặt trên thị trường thì đón nhận của người tiêu dùng như thế nào anh?

Sản phẩm mình thì nghiên cứu khoảng 2 năm. Về tín hiệu thị trường rất là tốt. Nó mang tính hoài cổ cho một số người tiêu dùng. Khẩu vị của nó thì nhiều người rất là thích. Một số đối tác quan tâm đến sản phẩm lê ki ma này.

Vùng nguyên liệu của mình như thế nào, thưa anh Đá?

Vùng nguyên liệu thì hiện tại mình trồng khoảng 600ha. Cái trái này anh không cần bón phân, không cần xịt thuốc. Vậy thì người nông dân không có làm làm chi, họ làm theo mình. Mình mua cái giá ổn định nữa thì người nông dân thu nhập một cái mức ổn định nữa. Và đặc biệt nhất trái lê ki ma có trái quanh năm, thu nhập của người nông dân sẽ ổn định hơn. 

Cảm ơn anh với những chia sẻ vừa rồi.

Anh Phạm Ngọc Đá, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ODA, thành phố Cần Thơ

Ứng dụng công nghệ nâng cao giá trị cây lê ki ma

Lê ki ma được trồng nhiều ở các tỉnh ền Tây Nam Bộ như Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang... Gần đây, lê ki ma dần được chú ý nhờ giá trị dinh dưỡng và tiềm năng phát triển các sản phẩm chế biến sâu. Tuy nhiên, để từ trái lê ki ma tươi cho ra thành phẩm thì phải trải qua nhiều khó khăn. Và mất đến hơn 2 năm từ lúc ấp ủ ý tưởng, anh Phạm Ngọc Đá và các thành viên HTX mới cho ra sản phẩm thành công.

"Quả lê ki ma này thì mình đã nghiên cứu hơn 2 năm rồi. Vì mình thấy là một loại trái cây rất là tuyệt vời, rất là giàu dinh dưỡng nhưng mà hiện tại mình đi một số thị trường ở Sài Gòn, có nhiều cô chú nói là “cái trái này là mười mấy năm qua tôi chưa được ăn nè”. Họ rất là quan tâm sản phẩm lê ki ma này", anh Đá cho biết.

Từ những mẻ đầu thử nghiệm thất bại, anh Đá và các cộng sự của mình quyết không bỏ cuộc mà mày mò để khắc phục. Và rồi, nỗ lực đã được đền đáp khi sản phẩm thành hình. Cầm sản phẩm trên tay, anh Đá phấn khởi chia sẻ với khách hàng gần xa. HTX còn tích cực tham gia và giới thiệu sản phẩm của mình đến những khách hàng tại các hội chợ. Từ sự tò mò, e dè, một số bà con đã dùng thử và bất ngờ với sản phẩm lạ mà quen.

Theo anh Đá, sản phẩm từ lê ki ma của HTX đã giúp nhiều người trước đây ngại ăn lê ki ma tươi hoặc vì điều kiện không thưởng thức được thì nay có thể dễ dàng tiếp cận: "Vấn đề người ta không sử dụng trái lê ki ma. Một là cách sử dụng của nó. Khi mà mình ăn 1-2 trái thì nó rất là ngán rồi. Điều thứ hai nữa là nhiều khi mình mời anh ăn trái lê ki ma rất là ngại đúng không? Rất là dơ. Chính vì vậy, bây giờ lê ki ma của mình nó được sấy rồi thì nó sẽ rất là tiện hơn. Để vào chai nước suối, lắc đều là uống thôi".

Thành công của anh Phạm Ngọc Đá và sản phẩm từ lê ki ma không chỉ là câu chuyện về sự kiên trì mà gợi nên cảm hứng sáng tạo cho nhiều người khác khi khai thác thế mạnh từ tài nguyên bản địa. Những sản phẩm chế biến sâu từ lê ki ma góp phần nâng cao giá trị kinh tế, mở ra cơ hội mới cho bà con nông dân, đồng thời giới thiệu khách hàng gần xa sản phẩm của quê nhà.

Trong tương lai, các thành viên HTX của anh Ngọc Đá hy vọng rằng, sản phẩm sẽ ngày càng vươn xa, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng và khẳng định vị thế trên thị trường.