Pha-ke

Từ “pha-ke” bỗng dưng trở nên siêu hot vào thời điểm năm 2020 khi là từ khoá cho một phần thi có phần vui nhộn trong khuôn khổ cuộc thi Rap Việt mùa 1. Theo đó thì các bạn trẻ cho rằng: Không có tiền, ít tiền thì mình cứ xài hàng pha ke thôi, easy!

 

"Trông xa thì tưởng hàng fake, lại gần thì hoá ra hẳn là hàng pha ke cơ ạ".

"Úi giời, người nó có gì gin đâu, toàn pha ke, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài".

"Đến văn mẫu tỏ tình còn pha ke nữa thì tôi cũng đến chịu anh đấy!"

Hàng “phếch” hay hàng pha – ke chắc không còn là điều gì xa lạ với bạn, đúng không? Fake, đọc là feik (phâyk) là một từ tiếng Anh có nghĩa là làm giả, làm nhái. Hàng pha ke được hiểu là hàng giả, hàng nhái. Nhưng với ngôn ngữ của giới trẻ, từ pha-ke đã được dùng với vô vàn các biến thể với các ý nghĩa thú vị khác nhau.

Ảnh nh họa. Nguồn: Nam Thi Vietnamese Language Center

Từ “pha-ke” bỗng dưng trở nên siêu hot vào thời điểm năm 2020 khi là từ khoá cho một phần thi có phần vui nhộn trong khuôn khổ cuộc thi Rap Việt mùa 1. Theo đó thì các bạn trẻ cho rằng: Không có tiền, ít tiền thì mình cứ xài hàng pha ke thôi, easy!

Luôn luôn có 2 luồng ý kiến xung đột dữ dội về việc sử dụng hàng giả, hàng nhái. Một bên thì quyết liệt phản đối vì hàng giả, hàng nhái rõ ràng là hàng phạm pháp. Việc dùng hàng giả, hàng nhái cũng là tiếp tay cho tội phạm, là tự hạ thấp nhân phẩm con người. Tuy nhiên, phần đông hơn, hung hãn hơn, vô tư hơn, thì cho rằng dùng hàng pha ke là hợp túi tiền, là hợp thị hiếu, là hợp văn hoá, chả có gì sai. Hàng pha ke giờ bán đầy đường, thậm chí bán công khai trong cả các trung tâm mua sắm lớn. Nhiều người mua hàng pha ke chỉ vì trông vừa mắt, vừa túi tiền, chứ thậm chí còn chả biết đấy là hàng giả, hàng nhái.

Nhưng thôi, xử lý hàng hoá giả, nhái, pha ke là việc của lực lượng chức năng, quản lý thị trường. Trong khuôn khổ của từ điển thị dân, chúng ta sẽ tiếp tục bàn đến sự lan rộng của thuật ngữ này sang cả những loại hàng hoá phi vật chất, trở thành câu nói đầu môi của giới trẻ khi nói về bất kỳ điều gì không thật, không còn nguyên bản.

Điển hình như nhan sắc pha ke, mô tả các bộ phận cơ thể đã được thẩm mỹ, sửa chữa: Mũi pha ke, môi pha ke, ngực pha ke, mông pha ke,… Ngày càng không khó để nghe câu: Trời, người nó pha ke hết, pha ke từ trong ra ngoài, làm gì có cái gì còn nguyên đâu!

Đến cảm xúc hay tình cảm cũng pha ke nốt. Kiểu như, “nó học phim Hàn phim Trung sướt mướt pha ke thế thôi chứ có gì là tình cảm thật đâu!”. Giờ thì mấy từ thuần Việt như làm giả, làm dỏm, làm nhái hầu như chỉ còn xuất hiện trên báo chí vốn đòi hỏi sự nghiêm ngắn, còn từ pha ke đã thế chỗ trong ngôn ngữ giao tiếp hoặc trên mạng xã hội vốn dĩ nghịch ngợm và bình dân hơn. Đến đây thì chắc là bạn nhận thấy mật độ sử dụng của từ pha ke trong cuộc sống quả thật là rất dày đặc, đúng không?