Over hợp

Thời gian vừa qua, cụm từ “over hợp” được giới trẻ sử rất nhiều trên mạng xã hội. Không khó để bắt gặp những dòng trạng thái kèm theo cụm từ này: she over hợp, he over hợp, đôi này over hợp… Vậy “over hợp” là gì và cụm từ này có nguồn gốc từ đâu?

Từ điển thị dân đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân – Phó viện trưởng Viện nhân học Văn hoá để giải nghĩa trend “over hợp”.

 

PV: Anh có thể chia sẻ nguồn gốc của cụm từ “over hợp” và tại sao thời gian gần đây giới trẻ lại sử dụng cụm từ này nhiều như vậy?

Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân: Cụm từ Over hợp xuất phát từ chương trình gần đây là Rap việt. Nó mang lại hiệu ứng khá đại chúng bởi nó xuất phát từ một rapper kỳ cựu – người khởi nguồn rap Việt trở về từ Mỹ, là rapper Thái VG.

Thực chất câu chuyện nó trở thành cụm từ bắt trend xuất phát là hiện tượng ngôn ngữ. Trong quá khứ Tiếng Việt chúng ta có rất nhiều từ mượn, đặc biệt là thuật ngữ chuyên ngành hay từ Hán Việt bởi hệ thống từ vựng của chúng ta chưa phát triển và thiếu từ ngữ đồng đẳng.

Nhưng trong sử dụng giao tiếp có hiện tượng gọi là chuyển mã, hay gọi là lai tạo pha trộn ngôn ngữ.

Cụm từ "Over hợp" xuất phát từ rapper Thái VG

Cách sử dụng ngôn ngữ pha trộn hiện nay có hai xu hướng. Xu hướng thứ nhất dễ thấy nhất là các bạn trẻ nhờ thông thạo ngoại ngữ nên họ bắt đầu đưa ngoại ngữ vào cuộc sống nhiều hơn.

Tuy nhiên nếu chèn tiếng anh thái quá vào giao tiếp hàng ngày thì mỗi câu tiếng việt chèn lẫn vài từ tiếng anh rất dễ trở thành thứ ngôn ngữ nửa nạc nửa mỡ, sính ngữ thể hiện bản thân thì đôi khi dễ gây phản cảm cho người đối diện.

Trường hợp của Thái VG vào trường hợp thứ 2 ở đây, tức là những người không sử dụng tiếng việt làm ngôn ngữ chính thức nên họ buộc phải vay mượn ngôn ngữ mà họ cảm thấy thông thạo.

Như tìm hiểu rapper Thái VG sống lâu năm ở Mỹ, vốn tiếng việt của anh tương đối hạn chế. Đôi khi do không nhớ được từ tiếng việt mình muốn dùng trong ngữ cảnh nên anh đành phải sử dụng từ tiếng anh đồng nghĩa. Tuy nhiên điều này không gây sự khó chịu mà mang lại một phản ứng dễ thương bởi đây là sự cố gắng.

Rõ ràng rapper đã càng cố gắng sử dụng nhiều từ tiếng việt càng tốt. Tất nhiên để khoả lấp chỗ trống trong ngôn ngữ của mình thì anh ý phải dùng từ đồng đẳng bằng tiếng anh nhưng đột nhiên mang đến hiệu ứng vui tai và hài hước.

Nếu coi đây là một cách dùng từ trong ngữ cảnh vui vẻ không nghiêm túc thì có lẽ nó sẽ mang hiệu quả giải trí, như một trò chơi ngôn ngữ của Gen Z. Có thể các bạn trẻ sẽ dùng sáng tác thêm các lối nói của anh ấy như over hợp không, hay tôi thấy chưa over hợp lắm… tôi thấy đây là một hiện tượng ngôn ngữ thú vị.

PV: Phải công nhận các bạn trẻ có sức sáng tạo trong cách sắp xếp ngôn từ của mình, vậy theo anh nên chú ý gì khi sử dụng các cụm từ hot trend này?

Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân: Tôi nghĩ là vấn đề chúng ta sử dụng nó trong ngữ cảnh nào. Ví dụ như ngữ cảnh không chính thức như mạng xã hội thì chúng ta có thể đưa những cụm từ đấy mang tính chất khơi gợi người ta quan tâm hơn và tò mò nội dung. Nhưng trong văn cảnh chính thức thì mang tính chất hạn chế thôi không phải lúc nào cũng sử dụng được, để tránh tình trạng nửa nạc nửa mỡ và đôi khi làm méo mó sự trong sáng của tiếng việt.

PV: Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân!

Không thể phủ nhận một điều, sức nóng của cụm từ “over hợp” thời gian qua trên mạng xã hội qua hashtag, tiêu đề bài viết, các tiểu phẩm hài,…

Nhưng cũng chỉ nên "bắt trend" trong một số trường hợp và hoàn cảnh nhất định chứ không nên lạm dụng nó quá nhiều.

8Thăm dò ý kiến: Vậy các bạn đã hiểu cụm từ “over hợp” là gì và có nguồn gốc từ đâu chưa? Các bạn nghĩ sao về xu hướng này?