Nữ kỹ sư 9x và hành trình bỏ phố về quê lập nghiệp

Làn sóng thanh niên “bỏ phố về quê” làm nông nghiệp đã dần hình thành và lan rộng trong vài năm trở lại đây. Nguyễn Phượng Hằng, nữ kỹ sư sinh năm 1992, ngụ xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã từ bỏ công việc ở phòng thí nghiệm nuôi cấy mô để trở về quê nhà khởi nghiệp.

  

Kỹ sư Nguyễn Phượng Hằng đã từ bỏ công việc với mức lương đáng mơ ước ở phòng thí nghiệm nuôi cấy mô để trở về quê nhà khởi nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

PV: Chào chị Hằng, từ khi ở Đồng Nai về quê mở phòng thí nghiệm đến nay được mấy năm rồi chị?

Mình về khoảng cuối năm 2019, đến 2020 mình mở phòng thí nghiệm.

PV: Bước đầu vì sao chị lại chọn cây chuối để nghiên cứu ?

Khi mình về đây mình có đơn hàng rồi mình hoàn chỉnh nó thêm, nói chung cũng một phần nhờ khách hàng, khách hàng đặt cây gì thì mình làm cây đó.

Chuối nhân giống dễ hơn loại cây khác, tỷ lệ thành công hơn 80% sau 6 tháng nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Bà con ở quê hay mua những cây chuối con về trồng, loại đó sinh trưởng chừng 5 tháng đã trổ buồng. Tuy nhiên, chất lượng cây chuối giống không đạt nếu ươm để canh tác chuối xuất khẩu năng suất sẽ không bằng chuối được cấy mô.

Từ chỗ đó, tôi quyết định tạo thị trường cho riêng mình, sản xuất cây giống cấy mô cung cấp lại cho những nông trại trồng chuối xuất khẩu và cho cả bà con nông dân ở địa phương nếu có nhu cầu tìm, chọn con giống chất lượng. Rồi mình cũng nghiên cứu thêm mấy loại cây hoa ở quê mình nữa.

PV: Trong quá trình nghiên cứu, chị thấy có loại cây giống nào có đặc điểm khó hơn so với các loại cây thông thường?

Mỗi loại thì nó sẽ có cái khó riêng, ví dụ như hồi đi học mình nghiên cứu về cây sâm Ngọc Linh thì việc tạo ra cây rồi ươm ra vườn sẽ khó, vì nhiệt độ của vườn cao quá thì cây sẽ chết. Quy trình nuôi cấy mô đòi hỏi có tay nghề, kỹ thuật cao, môi trường cấy phải sạch kết hợp với các yếu tố về hàm lượng dinh dưỡng, độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, tiệt trùng… Cây bố mẹ mang về sẽ khử trùng lấy mẫu, tạo chồi giống, tạo rễ cho cây con.

PV: Chị đánh giá tiềm năng của công việc này trong tương lai như thế nào ?

Theo mình thì hiện nay, việc nhân giống cấy mô đã có ở một số tỉnh thành chủ yếu trên hoa lan, cây kiểng. Nói chung đây cũng là xu hướng cây giống mới. Bây giờ là thời đại công nghệ 4.0 nên phải ứng dụng công nghệ, mình thấy tiềm năng của nó rất lớn.

Còn ở ĐBSCL, có ít phòng nhân giống cấy mô, vì nhân giống ở ngoài vườn bằng phương pháp chiết, ghép thì làm cây thoái hóa, giảm năng suất hơn. Cho nên nhân giống trong phòng thí nghiệm để mình tái tạo lại các hệ gen tốt của nó.

PV: Xin cảm ơn chị rất nhiều!

Lớn lên ở vùng nông thôn, từ bé Phượng Hằng đã có cơ hội làm quen với nhiều loại cây giống. Tình yêu nông nghiệp cứ vậy ngấm vào cô gái trẻ. Năm 18 tuổi, chị thi đỗ vào ngành Công nghệ sinh học của trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp được tuyển vào vị trí nhân viên ở một phòng thí nghiệm tại Đồng Nai. Là người có năng lực, một năm sau, Phượng Hằng lên chức quản lý.

Thế nhưng, đúng vào thời điểm ấy, chị đưa ra quyết định: Khăn gói về quê “khởi nghiệp”. Hành trình khởi nghiệp lúc bấy giờ đầy ắp gian nan. Bắt tay xây dựng cơ sở cây giống cấy mô, vốn liếng mà cô gái trẻ có được chỉ là 5 năm kinh nghiệm cùng với số tiền vay mượn từ gia đình, bạn bè và một tình yêu lớn lao dành cho nông nghiệp quê nhà.

Khi phòng thí nghiệm “Công nghệ sinh học HF” được xây xong, cũng là lúc Hằng bắt tay vào việc. Ban đầu chị chọn cây chuối để nghiên cứu vì đây là loại cây rất quen thuộc với người dân Nam bộ. Theo thống kê, vùng này có diện tích trồng chuối từ 3.000 đến 8.000ha.

Thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với trái chuối tươi và các sản phẩm chế biến từ chuối ngày càng mở rộng. Nếu được đầu tư bài bản, đúng quy trình, cây chuối có thể mang về doanh thủ hàng tỷ đô la Mỹ cho nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên, chuối trồng theo phương pháp truyền thống tách giống từ cây mẹ dễ nhiễm bệnh vàng lá và thối củ. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất.

Chị Phượng Hằng cho hay, kỹ thuật cấy mô tế bào là phương pháp phổ biến tại nhiều Quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam có các phòng thí nghiệm cũng thực hiện theo cách này. Đây là cách duy trì, nuôi cấy các cơ quan thực vật trong điều kiện vô trùng, giàu hàm lượng dinh dưỡng, tái tạo lại các hệ gen tốt của cây giống, mang lại giá trị kinh tế cao so với các phương pháp giâm, chiết, ghép cành thông thường dễ làm cây thoái hóa, giảm năng suất.

“Đơn thương độc mã” trên con đường khởi nghiệp, nhưng chưa lúc nào cô gái trẻ mất đi nguồn năng lượng. Trái ngược với thân hình mảnh mai, nhỏ nhắn, giọng nói ấm áp thì Phượng Hằng là người có tinh thần rất máu lửa, đầy quyết tâm chinh phục mọi khó khăn, thử thách. Không ngại đường sá xa xôi, chị đến nhiều nơi tìm cây giống đạt chất lượng để lấy nguồn mô sạch.

Đối với cây chuối, chị đào củ rồi đem về Đồng Tháp khử trùng bằng dung dịch rồi mới đưa vào phòng thí nghiệm nhân giống. Bao công sức từ những ngày đầu xây dựng, đến nay đã cho trái ngọt. Sản phẩm của cây giống cấy mô HF (do chị Hằng sáng lập) được đông đảo khách hàng khu vực ền Đông Nam bộ biết đến, tìm mua.

Từ một phòng thí nghiệm có diện tích 20m2, nay trước sân nhà còn được phủ một màu xanh tươi mát, đầy ắp cây giống. Không chỉ có chuối, còn có các loại cây kiểng khác đan xen. Từ khi con gái về vườn lập nghiệp, ba mẹ cũng đỡ đần, phụ giúp, và xem cây giống là niềm vui tuổi xế chiều. Dẫu có lúc công việc cũng thăng trầm, nhưng nữ kỹ sư 9x luôn tìm ra hướng đi mới và cách giải quyết vấn đề. Điển hình là khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành, cả nước thực hiện giãn cách xã hội trong nhiều tháng, cơ sở cây giống không bán được hàng, chị lại quay sang nghiên cứu các giống cây mang hiệu quả kinh tế cao.

Chị Nguyễn Phượng Hằng chia sẻ: "Mình cũng may mắn là gặp gỡ được những bạn đam mê ngành nghề này ở ĐH Cần Thơ qua, trả lương thì cũng không cao lắm, coi như chị em hỗ trợ nhau. Ai đã học qua đã biết rồi thì mình hỗ trợ hướng dẫn thêm. Còn ai chưa học qua ngành này thì mình hướng dẫn để thực hiện parem trong phòng mô của mình, giống như là hướng theo nhân công tay nghề".

Mỗi năm phòng thí nghiệm của cơ sở Cây giống cấy mô HF cung ứng ra thị trường khoảng 100.000 cây nuôi cấy mô các loại, lợi nhuận thu về gần 200 triệu đồng. Để đáp ứng được số lượng đơn đặt hàng từ khắp các tỉnh, thành, cơ sở cây giống cấy mô HF bắt đầu đào tạo nguồn lao động.

Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu nguồn nhân lực ở Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL vẫn diễn ra thường xuyên, phổ biến. Nhờ những cơ sở có quy mô như “Cây giống cấy mô HF” đã góp phần đào tạo nghề, hỗ trợ nguồn lao động, nhất là các bạn sinh viên trẻ mới ra trường có định hướng tốt trong công việc và nguồn thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống.

Cây giống cấy mô HF sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm các loại cây giống như: hoa kiểng (sản phẩm đặc trưng nổi tiếng của Đồng Tháp), gừng, khoai môn... Đây là các loại cây phục vụ cho nhu cầu sản xuất rất lớn ở địa phương. Đồng thời, ứng dụng phương pháp cấy mô vào các loại cây trên nhằm tái tạo lại nguồn giống khỏe mạnh, sạch bệnh, giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất cây trồng.

Hy vọng những dự định của nữ kỹ sư trẻ sẽ được hiện thực hóa một cách nhanh chóng để Đồng Tháp nói riêng, Nam bộ nói chung có được nguồn giống chất lượng, uy tín, đảm bảo hiệu quả lâu dài, bền vững, góp phần đưa nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam lên một vị thế mới.