“Nữ hoàng” hò Đồng Tháp Kim Nhụy

Hò Đồng Tháp là một trong những điệu hò nổi tiếng ở Nam Bộ từ hơn 100 năm trước. Xuất phát từ thơ lục bát, song thất lục bát và ca dao, tục ngữ…điệu hò đã đồng hành cùng các đoàn văn công biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ trong vùng kháng chiến của tỉnh Long Châu Sa (Đồng Tháp ngày nay).

Nhắc đến thể loại hò Đồng Tháp thì phải nhớ đến cố Nghệ nhân Kim Nhụy – người đã vẽ “chân dung” câu hò này. Chính Nghệ nhân Kim Nhụy là người đã đưa hò Đồng Tháp đến với người dân toàn quốc và thế giới. Nghệ nhân Kim Nhụy chất giọng mượt mà, ngọt ngào đã biến tấu câu hò Đồng Tháp trở nên tinh khôi, mùi mẫn.

Giáo sư Trần Văn Khê trong một cuộc hội ngộ với Nghệ nhân Kim Nhụy

Ai về Đồng Tháp quê tôi

Chiều nghe cúm núm trao lời yêu thương

Cánh cò giăng lẫn trong sương

Gió đồng quyện lấy mùi hương đồng bằng

Ai đến Tháp Mười, nghe câu ngân nga từ bóng hình của mấy thiếu nữ mặc áo bà ba, đầu đội nó lá…có lẽ sẽ chẳng thể nào quên, dù chỉ một lần. Làn điệu ấy chính là câu hò Đồng Tháp được “phục dựng” lại sau nhiều năm bị lãng quên và được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia cách đây vài năm.

Hò Đồng Tháp là một loại hò trên đồng nước, âm điệu tỏ rõ tâm tư, tình cảm của con người, nhất là vào các mùa trăng nước mênh mông thơ mộng. Đây là một âm điệu đặc biệt được hò ở tốc độ chậm, buông lơi, nhịp điệu lúc nhặt, lúc khoan, lúc trầm, lúc bổng, có lúc thì thật thấp, có lúc thì thật cao. Hơn 100 năm tồn tại, hò Đồng Tháp được giới mộ điệu khẳng định là chỉ ngọt mềm và mùi mẫn thông qua chất giọng của Nghệ nhân Kim Nhụy – người hò Đồng Tháp hay nhất thể kỷ XX.

Cô giáo Dương Thị Múc – giảng dạy tại trường THCS Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trước kia mình có nghe về nghệ sĩ Kim Nhụy, hầu như những âm điệu ca từ của Nghệ nhân Kim Nhụy thể hiện rất chất phác, đạm đà, gần gũi với người nông dân. Nói chung bản thân mình rất ngưỡng mộ nghệ sĩ Kim Nhụy và mình quyết tâm đi học làn điệu hò này để truyền bá rổng rãi điệu hò này”.

Theo lời Nghệ nhân Nguyễn Thị Song Anh, mẹ của bà là Nghệ nhân Kim Nhụy sinh ra và lớn lên ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, 2 tuổi đã mồ côi cha mẹ, 5 tuổi đã phải theo anh chị ra đồng mót lúa, mò cua, cấy mướn. Quen với đồng sâu, nước lũ từ nhỏ nên những câu hò, điệu hát của người dân trong vùng đã ngấm vào máu thịt cô bé nghèo Kim Nhụy từ lúc nào không biết. Khoảng 8 tuổi, Kim Nhụy đã thuộc rất nhiều bản đàn ca tài tử, tuồng cải lương và rất nhiều điệu hát, câu hò của Đồng Tháp. Bà có một trí nhớ rất tốt, cưỡi trâu ngang nhà hàng xóm, nghe ai hát ru con câu hò, điệu lý, bà đều dừng lại nghe và thuộc nằm lòng.

Nghệ nhân Kim Nhụy được người mộ điệu nhận xét là "nữ hoàng" hò đồng tháp thế kỷ 20

Tuổi thơ cực khổ của Kim Nhụy cũng là vườn ươm cho bà những mạch nguồn đầu tiên của làn điệu dân ca, hò Đồng Tháp mà sau này tuôn chảy thành suối nguồn nghệ thuật: “Điệu hò Đồng Tháp là điệu rất dài, một câu mà chia làm nhiều khúc nên phù hợp với tập quán sông nước. Đây là câu hò mà từ đầu đến cuối không bao giờ có chữ hò… ơ mà chỉ có âm hơ… òa… ứ… hự mà thôi. Điệu thức của điệu hò này một là rất cao, hai là rất thấp, quãng rất rộng nên nam nữ không bao giờ hò hòa chung với nhau. Nếu Nam hò thì người đó hòa, nếu Nữ hò thì cũng chính người đó hòa. Đây chính là điều mẹ tôi dạy tôi và những người Nghệ nhân trong lĩnh vực nghệ thuật cũng khẳng định như vậy. Đây chính là kinh nghiệm mà mẹ dạy tôi và nay tôi dạy lại cho các bạn trẻ cách hò Đồng Tháp”.

Theo lời của bà Song Anh, “hậu duệ” của Nghệ nhân Kim Nhụy thì Kim Nhụy tham gia kháng chiến, tham gia ca hát trong Đoàn dân công Long Châu Sa, một địa danh thời kháng chiến chống thực dân Pháp gồm ba tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang) và Sa Đéc (Đồng Tháp). Năm 1954, Kim Nhụy tập kết ra ền Bắc, sau đó tham gia Đoàn Văn công Nam Bộ. Hồi ấy trước khi biểu diễn các vở cải lương thì phần mở màn bao giờ cũng có tiết mục hò Đồng Tháp.

Năm 1958, bà Kim Nhụy đã đưa câu hò Đồng Tháp lên sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam trong chương trình “Dân ca và nhạc cổ truyền” khiến cho hàng triệu trái tim lay động, bồi hồi. Ngày đó, từ thủ đô Paris của nước Pháp xa xôi, Giáo sư Trần Văn Khê tình cờ nghe câu hò Đồng Tháp mang đậm âm hưởng Nam Bộ ngọt ngào, sâu lắng, ông đã bồn chồn, quay quắt nỗi nhớ cố hương. Năm 1966, điện ảnh cách mạng Việt Nam cho trình làng bộ phim truyện “Nổi Gió”. Ẩn trong phim là điệu hát ru rất kỳ lạ, tràn đầy cảm xúc, trữ tình của Nghệ nhân Kim Nhụy.

Cũng chính Nghệ nhân Kim Nhụy đã đưa hò Đồng Tháp lên diễn đàn nghệ thuật truyền thống của dân tộc

Khi còn tại thế, Giáo sư Trần Văn Khê khẳng định, trước khi đi Pháp, ông biết hò Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ… chứ chưa biết hò Đồng Tháp. Đến khi nghe Kim Nhụy hát trong đĩa nhạc, ông thấy hò Đồng Tháp vô cùng uyển chuyển, ngọt ngào. Nói về luyến láy thì hò Nam Bộ chưa có chỗ nào uyển chuyển bằng hò Đồng Tháp.

Bà Nguyễn Thị Song Anh, con gái Nghệ nhân Kim Nhụy cho biết: “Hồi má tôi tập kết ra Bắc thì Nhà xuất bản Văn hóa Nghệ thuật Miền Bắc có thu dĩa chứa nội dung má tôi hò Đồng Tháp. Những ca từ được má tôi hò năm 1957 được thu vào dĩa gửi sang Pháp cho bác Trần Văn Khê nghe. Khi bác nghe thì nhận định rằng điệu hò này quá hay rồi học theo. Sau đó bác Trần Văn Khê mới mang điệu hò này quảng bá đến trên 60 quốc gia và giới thiệu cả tên tuổi nghệ sĩ Kim Nhụy, người mà bác chưa từng biết mặt. Cho đến khi bác Trần Văn Khê về nước thực hiện Dự án bảo tồn hát ru Nam Bộ thì lúc đó má và tôi vinh dự tham gia. Cũng từ đó, hò Đồng Tháp được chính thức mang ra phân tích về âm điệu, kỹ thuật và cả nghệ thuật hò”.

Sau ngày ền Nam hoàn toàn giải phóng, đã có nhiều người tìm kiếm, hỏi thăm nhưng hình như không một ai tìm được Nghệ nhân Kim Nhụy - người hò Đồng Tháp hay nhất thế kỷ ở nơi đâu? Thời gian lâu mới biết, Nghệ nhân Kim Nhụy đã rời bỏ con đường nghệ thuật và lặng lẽ lui về sống trong con hẻm nhỏ ở phường Tân Quy, quận 7, TP. Hồ Chí Minh. Kế thừa năng khiếu nghệ thuật của Nghệ nhân Kim Nhụy, hiện nay có Nghệ nhân Song Anh là con gái của bà.

Nghệ nhân Song Anh đang phối hơp cùng Sở VHTT&DL tỉnh Đồng Tháp mở lớp dạy hò Đồng Tháp cho các đơn vị trong tỉnh: “Ban đầu mình về dạy cũng lo lắng rằng không biết các bạn có tiếp nhậ dễ dàng không, rất may bản thân gốc các bạn là con em tài tử nam bộ thì các bạn hát rất giỏi và chịu khó. Tôi thấy rất vui thì đã thực hiện được nguyện vọng của má tôi là mang câu hò Đồng Tháp bản gốc truyền dạy lại cho thế hệ tiếp nối”.

Hiện nay, hầu hết tất cả các chương trình nghệ thuật biểu diễn tại tỉnh Đồng Tháp đều được mở đầu bằng tiết mục hò Đồng Tháp

Năm 2018, hò Đồng Tháp được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Ở Đồng Tháp, hiện có hơn 300 người có thể hò và viết lời mới cho Hò Đồng Tháp, mang lại sức sống mới cho điệu hò Đồng Tháp xưa.

"Những ca từ hò Đồng Tháp mang lại cảm giác mềm mại, mình thích lắm. Ngày hôm nay mình được học điệu hò này và mình sẽ trau dồi để truyền lại cho con cháu"

"Em nghe trên mạng về giọng hò cô Kim Nhụy, em ngưỡng mộ lắm vì hay. Hôm nay em được cô Song Anh dạy, em quyết tâm trau dồi để còn quảng bá điệu hò này cho các huyện bạn và tỉnh bạn nữa"

"Qua khóa học hò tôi thấy rất khó, nhưng mà quyết tâm học cho được. Hò Đồng Tháp hay ở chỗ có hò đối đáp, du dương. Khác biệt của câu hò này là có điểm hòa, nếu mình hò lệch một chữ sẽ qua điệu khác. Mình cũng thấy tự hào là người con Thanh Bình, cùng đồng hương với cô Kim Nhụy và cùng cô lan tỏa điệu hò này"

Từ điệu hò dùng cho đi cấy, đi cày, Nghệ nhân Kim Nhụy đã đưa thể loại hò Đồng Tháp bước lên diễn đàn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Hò Đồng Tháp đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, góp phần làm cho phong trào văn nghệ quần chúng trong tỉnh phát triển mạnh mẽ và đều khắp, phục vụ có hiệu quả nhu cầu hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa - văn nghệ của nhân dân.

Hò Đồng Tháp vẫn khẳng định giá trị là loại hình di sản văn hóa phi vật thể có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ nói chung, Đồng Tháp nói riêng.