Nữ giám đốc mê làm kinh tế tuần hoàn khép kín

Với mong muốn đem đến người tiêu dùng những sản phẩm sạch, mang giá trị cao về sức khoẻ, bà Châu Thị Nương, ngụ xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã mày mò, thực hiện mô hình trồng nấm theo hướng tuần hoàn khép kín, mở ra hướng phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Sau khoảng thời gian, bà Nương thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Đảnh và nông trại “Nương Farm” đưa cây nấm sạch ngày một phát triển, lan rộng thị trường trên cả nước, tạo ra nhiều việc làm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ nâng cao kinh tế, ổn định đời sống.

Để hiểu rõ hơn về cách làm này, phóng viên chuyên mục đã có cuộc trò chuyện với bà Châu Thị Nương – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Đảnh.

 

Bà Châu Thị Nương – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Đảnh

Xin chào bà Châu Thị Nương, trồng nấm theo hướng tuần hoàn khép kín là như thế nào, thưa bà?

Trồng theo mô hình tuần hoàn khép kín tức là không làm ảnh hưởng đến môi trường, những gì của đất mình sẽ trả về cho đất. Tôi tận dụng từ những phế thải nông nghiệp gồm: rơm, rạ, cám bắp, cám gạo…. Sau đó tôi xay những phế thải này để làm giá thể để phôi nấm, cho ra các loại nấm công nghệ cao như là đông trùng hạ thảo, nấm linh chi tai to, nấm mối, nấm bào ngư, nấm rơm…

Và sau khi ăn những nấm này thì sẽ còn những phôi hư tôi lại cho trùn quế ăn, từ đó tạo được lượng phân hữu cơ sinh học rồi lượng phân này tôi lại tiếp tục bón lại cho cây lúa, cây rau màu khác.

Với mô hình trồng theo tuần hoàn khép kín tạo ra được những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng, tính dược liệu cao đem đến nguồn sức khoẻ cho mọi người, xây dựng một nền kinh tế bền vững, hạn chế được rác thải ô nhiễm môi trường.

Trong quá trình trồng nấm bà có sử dụng thuốc trừ sâu hay một loại chất hỗ trợ nào đó không?

Trong mô hình này tôi hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu hay hoá chất nào hết, cho nên sản phẩm của tôi hoàn toàn là hữu cơ sạch, rất an toàn.

Để thực hiện mô hình trồng nấm như thế này thì chi phí có cao không?

Chi phí chỉ tương đối, không tốn nhiều tại vì mình tận dụng những nguồn phế thải nông nghiệp nên sẽ không tốn cao.

Trồng nấm theo mô hình này có dễ không và mình đã gặp những khó khăn gì?

Trồng nấm này nói dễ thì cũng không dễ mà khó thì cũng không khó. Mình phải theo một quy trình như một mắt xích, từ đầu đến cuối mình phải chỉnh chu, còn nếu sơ hở là gãy đổ, hỏng hết cả một lô hàng đó.

Ví dụ như có một đợt phôi và đang lúc chạy tơ thì mình phải kỹ lưỡng về nhiệt độ, nếu nóng quá sẽ chết tơ hoặc hư nhiễm mốc, còn nếu độ ẩm cao quá cũng sẽ ảnh hưởng. Cho nên khi mốc rồi thì lô nấm đó sẽ không chạy tơ, sẽ không ra nấm nữa thì hư.

Khâu hái nấm cũng thế, nhân công phải hái đúng thời điểm thu hoạch, thời điểm nấm mang dược tính cao nhất và dinh dưỡng nhiều nhất thì mình hái. Nếu non quá thì sẽ mất năng suất, còn già quá thì không ngon và năng suất không cao. Đối với mô hình này tất cả mọi thứ người làm phải thật chỉnh chu.

Cảm ơn bà Châu Thị Nương về những chia sẻ vừa rồi.

Nấm được trồng theo mô hình tuần hoàn khép kín, không gây hại đến môi trường.

Trước đây, bà Châu Thị Nương có nhiều năm gắn bó với đồng ruộng và buôn bán vật tư nông nghiệp. Nhìn thấy những thực phẩm trên thị trường hiện nay bị tác động bởi phân bón và thuốc trừ sâu khiến sức khỏe của mọi người xung quanh ngày một bị ảnh hưởng, năm 2020, bà Nương đã quyết định tìm tòi, nghiên cứu trên sách báo, học hỏi từ các chuyên gia để thực hiện trồng nấm theo hướng tuần hoàn khép kín và thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Đảnh nhằm phát triển và đưa đến thị trường những thực phẩm sạch, thân thiện với môi trường.

“Mình cũng nhiều năm làm nông nghiệp, mình thấy thực phẩm bây giờ bị ảnh hưởng bởi phân, thuốc rất nhiều. Thế nên mình muốn làm ra được sản phẩm đưa đến người tiêu dùng mà không bị ảnh hưởng hóa chất, không bị thuốc trừ sâu. Từ đó, mình mới bắt đầu nghiên cứu về thực phẩm sạch để an toàn cho sức khỏe gia đình trước, sau đó dư nhiều thì mình bán ra ngoài thị trường, để người dân mình đỡ ăn trúng những thực phẩm nhiễm hóa chất.

Ngoài ra, hiện nay nhu cầu thị trường của người dân không chỉ dừng lại ở việc ăn ngon, ăn có giá trị dinh dưỡng mà còn mang tính chất trị bệnh và nấm là loại rau rất sạch có thể thay thế cho thịt, cá. Cho nên mình mới nghiên cứu trồng nấm theo mô hình này", bà Nương chia sẻ.

Trải qua 4 năm trồng nấm theo hướng tuần hoàn khép kín, đến nay sản phẩm “Nấm mối nàng Nương” đã có mặt trên khắp thị trường cả nước để phục vụ mọi người. Hiện trung bình mỗi tháng, 3ha nông trại nấm của bà Nương thu hoạch khoảng từ 5-6 tấn với đủ các loại như: Nấm mối, bào ngư, đông trùng hạ thảo, linh chi tai to và nhiều nhất là nấm mối đen.

Với lượng nấm thu hoạch ổn định và khẳng định được vị thế trên thị trường về thực phẩm sạch, dược phẩm mang giá trị cao về sức khỏe đã giúp kinh tế của gia đình bà Nương vững vàng và đặc biệt tạo thêm nhiều việc làm cho người dân tộc thiểu số Khmer ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, giúp họ ổn định và nâng cao đời sống.

“Sản phẩm mình làm ra sẽ đưa đi các chợ đầu mối, các siêu thị an toàn thực phẩm, các nhà hàng lớn và các tiệm thuốc tây…Nguồn hàng ổn định thì cũng đồng nghĩa sẽ giúp đời sống người dân ổn định, nâng cao giá trị của công nhân mình lên. Trong trang trại chị đa số là người khmer. Trước đây những người này có hoàn cảnh khó khăn lắm nhưng hiện tại họ có việc làm cùng với thu nhập ổn định, rồi họ có điều kiện để trang trải cho gia đình, đưa con nhỏ đi học. Cuộc sống của họ được nâng cao và tốt hơn nhiều so với trước đây", bà Nương nói.

Bà Nương cho biết, trong cuộc hành trình phát triển cùng cây nấm đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ địa phương, qua đó học hỏi được thêm kinh nghiệm để phát huy cao hiệu quả mô hình tuần hoàn khép kín. Trong năm 2023, bà Nương vinh dự đoạt giải “Top 10 doanh nghiệp xuất sắc nhất” cuộc thi Sáng kiến ESG Việt Nam. Cuộc thi góp phần vào thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Trong tương lai “Nấm mối nàng Nương” sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng các nền tảng mạng xã hội nhằm quảng bá, đưa sản phẩm vươn xa hơn không chỉ trong nước mà còn ngoài nước. Qua đó tạo thêm việc làm cho nhiều người, giúp họ ổn định đời sống hơn.

“Trong tương lai mình muốn mở rộng mô hình để người dân có thêm thu nhập. Bên cạnh đó là đa dạng sản phẩm để mang đến những món ăn ngon, nhanh nhất cho người tiêu dùng và mình sẽ mua thêm máy nhằm nâng cao chất lượng bảo quản để sản phẩm mình có thể đi xa không những trong nước mà còn ngoài nước", bà Nương chia sẻ.

Câu chuyện làm kinh tế vì đam mê nông sản sạch của bà Châu Thị Nương là nh chứng cho khát vọng vượt khó, làm giàu của bà con dân tộc Khmer vùng Tây Nam Bộ. Những hiệu quả bước đầu của Nương Farm đang tạo ra động lực và sức sống mới cho lớp thanh niên khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa, làm giàu trên chính quê hương của mình.