Nỗi sợ "chạm mặt" cảnh sát giao thông

Số vụ việc tài xế bất tuân hiệu lệnh dừng xe của CSGT đang gia tăng thời gian gần đây. Điều này bộc lộ hạn chế về ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của một số lái xe, bên cạnh đó còn là vấn đề kỹ năng ứng xử, và đặc biệt là trạng thái tâm lý khi ngồi sau vô lăng.

Một bộ phận người dân gặp trạng thái tâm lý hốt hoảng, muốn bỏ chạy khi bị cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra.

Phóng viên VOV Giao thông sẽ có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Văn Đạt, một tài xế lâu năm, hoạt động trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Chào anh, anh có hay đọc tin tức gần đây, và có biết đến một số vụ việc chống người thi hành công vụ, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông?

Nói chung là mình cũng chẳng có kinh nghiệm gì cả đâu. Nhưng khi cảnh sát giao thông thấy mình có lỗi, họ vẫy mình đỗ lại thì trách nhiệm của người lái xe là phải tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát giao thông thôi. Chứ chẳng có gì cả.

Vâng, anh có thể có kinh nghiệm rồi, đầy đủ giấy tờ bằng lái, giấy đăng ký xe. Nhưng vẫn có những người chúng ta tạm gọi là “có tật giật mình”, tức là trông thấy cảnh sát giao thông là đã sợ rồi, một cái nỗi sợ có thể gặp sai phạm và bị phạt dẫn đến cuống. Anh thấy tâm lý này có phổ biến không?

Nói chung, cái hoảng ở các tài mới có thể là ở mức 70-80%. Có lỗi mà trông thấy cảnh sát giao thông là sợ, rồi hay cuống. Cũng như mình đi xe máy, khi có lỗi nào đó thấy cảnh sát là sợ.

Xuống thì sẽ phức tạp, nhưng mình nên bình tĩnh. Đằng nào cũng lỗi rồi, công an họ dừng xe thì mình dừng bình thường. Còn lỗi như thế nào, mình trình bày rồi giải quyết thôi. Kể cả chạy đi chăng nữa thì cũng không thoát được.

Vâng, đã có các chốt chặn và cả camera giám sát nữa, sao mà chạy được. Anh lái xe được lâu chưa?

Mình cũng được 5-7 năm thôi.

Theo anh Trần Văn Đạt, mối quan hệ giữa người tham gia giao thông và cảnh sát giao thông là bình đẳng. Người dân tôn trọng lực lượng công vụ nhưng có thể khiếu nại nếu tự tin mình không sai phạm.

Vậy trong thời gian ấy anh từng bị cảnh sát dừng xe kiểm tra chưa?

Có chứ, cái đấy thì tham gia giao thông là không thể tránh được. Mình đều chấp hành hết. Nhiều khi cũng vô tình, chẳng biết lỗi gì. Nhưng công an giải thích thấy đúng tính chất, đúng vi phạm thì công nhận thôi.

Theo anh, trước tình trạng ngày càng nhiều sự việc không chấp hành hiệu lệnh, thậm chí cảnh sát đứng chắn xe, họ vẫn đâm vào. Vậy anh có kinh nghiệm nào trong việc ứng xử giữa người đi đường với lực lượng thực thi công vụ?

Kể cả mình không có lỗi, ví dụ mình trông rõ ràng đấy đúng là chốt của cảnh sát giao thông thật, họ dừng thì mình vẫn dừng. Mình hỏi người ta xem chúng tôi vi phạm lỗi gì, cho tôi biết. Nếu đúng thì mình giải quyết, không đúng thì thôi. Tôi không có lỗi, tôi không nhận. Trách nhiệm của người dân thì không cần gì phải ái ngại việc đấy. Mình không có lỗi cứ để cho lực lượng chức năng kiểm tra thôi.

Anh có tự tin về khả năng nắm luật của mình?

Về luật cũng gọi là sơ qua chút thôi. Không phải nắm toàn bộ.

Vâng, theo anh, việc nắm vững luật và chấp hành nghiêm luật giao thông đường bộ có phải một trong những giải pháp để khắc chế nỗi sợ cứ gặp cảnh sát giao thông là bỏ chạy ở một số người?

Theo tôi, cảnh sát giao thông cũng là 1 con người. Người dân chúng tôi cũng là 1 con người thôi. Nếu lái mới nhìn cảnh sát giao thông sợ, hốt hoảng, cuống thì mình cũng phải xem lại hành động của mình. Mình có vi phạm gì không. Đừng có chạy, vì làm sao mà chạy được. Không nên thế.

Cứ đàng hoàng, có lỗi vi phạm thì nhận, còn không có lỗi thì thôi.

Vâng, cảm ơn anh!

"Tim đập chân run” khi thấy bóng dáng cảnh sát giao thông là một trạng thái tâm lý có thật ở một số tài xế. Nếu không làm chủ được cảm xúc và hành vi trong những tình huống như vậy, sẽ dẫn đến thốc ga bỏ chạy, có thể gây hậu quả khôn lường về tài sản và tính mạng.

Để hạn chế trạng thái tâm lý này, cách tốt nhất là các bác tài cần trau dồi kỹ năng lái xe, khả năng quan sát kỹ các biển báo hiệu, vạch kẻ đường, thông thuộc đường sá, chấp hành nghiêm luật giao thông đường bộ. Ngoài ra, văn hóa lái xe, sự nhường nhịn, lịch thiệp trong giao tiếp, tôn trọng lực lượng thực thi công vụ cũng góp phần quan trọng để đẩy lùi định kiến (nếu có) trong mỗi người.