Nơi cầu bộ hành được ưa chuộng

Cầu vượt Tân Mai không hẳn là hình ảnh tiêu biểu về cầu bộ hành ở Hà Nội. Nhưng rõ ràng, bên cạnh những cây cầu vắng vẻ, bị người dân thờ ơ, vẫn có những cây cầu phát huy tác dụng và được người đi bộ ưa chuộng.

Cầu vượt bộ hành trên phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Tp.Hà Nội khá gần trường THCS Tân Mai, khu vực tập trung nhiều khu chung cư với mật độ dân số dày, cùng với đó là một công viên cây xanh Hồ Đền Lừ. Cây cầu bộ hành này trong mắt người sử dụng đạt hiệu quả ra sao?

 

Trên đường ra công viên Hồ Đền Lừ, cha con anh Trường (chung cư 25 Tân Mai) chấp nhận đi ngược quãng đường xa hơn để sang đường bằng cầu bộ hành.

PV: Chào anh Trần Xuân Trường, anh và cháu đang đi đâu đây, lộ trình có xa không?

Tôi di chuyển từ khu chung cư để sang bên này đường, sau đó chúng tôi sẽ đi bộ về hồ Đền Lừ. Bản chất ra nếu đi từ nhà xuống hồ Đền Lừ rất thuận tiện, nhưng hai bố con đi dài hơn một chút, nhưng nó an toàn.

PV: Tức là anh đi ngược lên trên này để sử dụng cầu bộ hành?

Đúng, mình ở 25 Tân Mai, mình đi ngược lên một chút, xa hơn một chút sau đó mình đi ngược lại hồ Đền Lừ.

PV: Hay quá, vừa an toàn lại giáo dục được cho cháu! Đi trên này cháu nhà cảm thấy thế nào?

Bé rất thích, đi trên này tầm nhìn rộng hơn. Tôi sống ở đây khá lâu rồi, nhưng đi dưới đường dắt theo trẻ con thì rất nguy hiểm, xe cộ đi lại tấp nập. Về cơ bản, có những cây cầu thế này, dân đi qua an toàn hơn rất nhiều.

PV: Sống ở đây, anh từng chứng kiến vụ va chạm nào liên quan tới người đi bộ băng qua đường? Như một bác đang đi cắt qua các xe dưới kia?

Mới gần đây thôi, cũng có những vụ va chạm xảy ra như thế này. May là không quá nghiêm trọng. Đây là những cảnh báo, chúng ta nên đi qua những cây cầu như thế này theo đúng quy định.

PV: Gần đây, chính quyền Hà Nội có văn bản thu hút sự chú ý của dư luận, dự kiến sẽ xử phạt người đi bộ băng qua đường không sử dụng cầu bộ hành tại nơi có cầu bộ hành. Anh nghĩ gì về văn bản này?

Tôi nghĩ cái đấy tốt thôi. Một số người họ chưa nhận thức được sự nguy hiểm khi đi phía dưới đường. Họ sẽ phải cân nhắc thôi khi có luật xử phạt như vậy để đi lên cầu.

PV: Cảm ơn anh Trường.

Với mẹ con chị Hiếu, cầu bộ hành vừa là nơi đi lại an toàn, vừa là nơi hóng mát, ngắm cảnh. Hà Nội vẫn có những cây cầu có thiết kế tiện lợi, được khai thác hợp lý.

Phóng viên cũng có cuộc trò chuyện cùng chị Đào Thị Hiếu, một người đi bộ nữa cũng sống trong khu vực Tân Mai. 

PV: Chị cho biết, chị có thói quen đi cầu bộ hành lâu chưa?

Từ khi có cầu là mình cũng hay đi là một. Thứ hai là nhà có một bạn nhỏ nữa đi cho hình thành thói quen. Mình thì đi từ nhà sang các cửa hàng quanh đây để mua hàng thôi. Trên đường đi qua cầu cho nó an toàn.

PV: Bên cạnh những người thường xuyên đi, cũng có những người tự băng qua đường. Sống và quan sát lâu ở đây, chị thấy có những nguyên nhân nào?

Thường đúng là vẫn theo thói quen, tiện thì nhiều hơn. Đi ở dưới nhanh hơn so với đi lên cầu một chút, nhưng đi trên cầu vẫn có độ an toàn cao hơn. Đa số vẫn đi qua đường, còn giờ cao điểm học sinh tan học thì đi cầu lại đông. Nói chung là tiện đâu đi đấy.

PV: Ở một số chỗ, có người cho rằng lý do không dùng cầu là vị trí cầu xa, tiếp cận khó, hàng quán cản trở chân cầu, đi lại khó khăn, mất vệ sinh. Chị cảm nhận cây cầu này thế nào, có vướng mắc gì không?

Không. Mình là cư dân sống ở đây thấy tiện chứ. Thứ nhất, hàng quán không có. Thứ hai là ngay cạnh cổng trường học rất tiện. Thường thường, nếu họ lắp đặt ở những nơi thuận tiện thế này thì ý thức người dân sẽ tốt hơn.

PV: Chị nghĩ thế nào nếu tới đây sẽ tiến hành xử phạt người đi bộ qua đường trái quy định?

Thực ra nếu có quy định thì mọi người sẽ chấp hành tốt hơn. Bao giờ cũng vậy, có chế tài sẽ tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn chị!

Cầu vượt Tân Mai không hẳn là hình ảnh tiêu biểu về cầu bộ hành ở Hà Nội. Nhưng rõ ràng, bên cạnh những cây cầu vắng vẻ, bị người dân thờ ơ, vẫn có những cây cầu phát huy tác dụng và được người đi bộ ưa chuộng.

Việc Hà Nội dự kiến xử phạt người đi bộ “phớt lờ” cầu bộ hành chỉ nên được xem là một giải pháp ở phần ngọn. Gốc vấn đề vẫn là làm thế nào, những cây cầu bộ hành hiện hữu và hình thành trong tương lai phải được chỉnh sửa, thiết kế, quản lý và khai thác một cách hiệu quả, hấp dẫn người dân Thủ đô bằng khả năng tiếp cận tiện lợi, mỹ quan sạch đẹp.