Nồi bánh chưng trên phố

Ở phố, hiếm có nhà nào đủ không gian rộng rãi để cuối năm bắc bếp đun nồi bánh chưng. Nhưng cũng không vì thế mà nhiều người bỏ qua việc này. Tết phải có bánh chưng - nó giống một nghi lễ phải có, cần có mới là tết, chứ không đơn thuần chỉ là một món ăn…

Ngày tết phải có bánh chưng, đó là món ăn vượt lên trên ý nghĩa thông thường của nó, bởi bánh chưng ngày tết còn mang tính nghi lễ, tục lệ lâu đời của người Việt. Tất nhiên, ở mỗi nơi hình thức và nguyên liệu có du di đôi phần khác nhau nhưng nói chung vẫn là một món ăn không thể thiếu trong mấy ngày tết.

Người Hà Nội, nhất là ở phố cổ, hầu như rất ít nhà có điều kiện để nấu bánh chưng ngày tết. Bởi không gian chật chội, nên người ta thường phải ra hàng mua bánh chưng về thắp hương. Nhưng cũng có nhà trên phố vẫn có thói quen gói bánh, đun bánh chưng. Thỉnh thoảng đi trên phố vào những ngày cận tết, từ sau ông Công, ông Táo lại thấy có nhà bắc bếp ra vỉa hè đun bánh.

Lúc này, công việc buôn bán cũng đã bớt phần bận rộn, nên người ta có thời gian gói bánh chưng. Thông thường là mấy nhà hàng xóm sẽ góp công, góp sức đun chung nồi bánh, vừa tiết kiệm không gian, lại vừa thể hiện tình nghĩa xóm giềng gắn bó.

Chỉ có quãng thời gian này, sau mấy trăm ngày bận rộn cả năm, những người hàng xóm mới dành được chút thời gian cho nhau. Để trò chuyện, để hỏi thăm, hay đơn giản là ngồi tán đủ thứ chuyện cùng ấm trà nóng, giữa những cơn gió bấc cuối năm ào ạt dọc phố, bên nồi bánh chưng.

Ngày xưa, việc chuẩn bị cho nồi bánh chưng tết không đơn giản như bây giờ, là chỉ cần định ngày gói, ngày luộc bánh là hôm trước ra chợ mua lá, mua lạt, gạo nếp, đậu, thịt… nửa giờ là xong hết. Thậm chí củi cũng có người bán chở đến tận nơi.

Ngày xưa, ngay từ trong năm, mỗi dịp nghỉ hè, không phải đến trường là lũ trẻ chúng tôi lại vác dao đi khắp xóm chặt cành cây, chủ yếu là xà cừ, vác về nhà phơi khô, dành cho cuối năm đun bánh chưng. Xà cừ cây to, tán rộng, việc chặt cành cây chẳng có ảnh hưởng gì mà còn giúp an toàn hơn khi mùa mưa bão kéo đến.

Gạo nếp gói bánh, đậu xanh cũng được gom dần từ trong năm. Bởi ngày xưa, thời còn tem phiếu, mua được vài cân gạo nếp ngon không phải là chuyện đơn giản.

Thế rồi cách tết quãng chừng một tháng là mua ống giang về chẻ lạt, buộc lại thành từng bó, gác lên mái gianh góc bếp. Vài hôm trước ngày gói, mẹ tôi sẽ ra chợ chọn mua lá dong, về rửa sạch dựng góc sân cho ráo nước…

Cả khu phố, không phải ai cũng biết gói bánh chưng. Thế là những người biết gói sẽ được các nhà “nhờ vả” từ sớm, rồi hẹn ngày, hẹn giờ. Cứ đúng đến ngày là qua từng nhà gói hộ, chẳng công sá gì, chỉ là gói hộ. Có những hôm nửa đêm cả nhà vẫn phải chờ bố đi gói hộ bánh cho hàng xóm về để gói bánh cho nhà mình.

Thế rồi, gần như đồng loạt cả khu cùng nổi lửa. Vui như Tết. Mùi thơm gạo nếp, quyện với mùi lá dong, đậu xanh, thịt lợn, mùi khói thơm lừng cả khu tập thể. Đêm đến, lũ trẻ không ngủ, ngồi chầu chực bên bếp than hồng nghe người lớn kể chuyện ma, vừa nghe vừa nướng khoai hoặc vài con cá rô phi lúc chiều lội ao bắt được. Tươm hơn thì được mấy ếng thịt thừa lúc gói bánh được mẹ tẩm muối, tiêu sẵn xiên vào que tre mang ra nướng dưới nồi bánh chưng.

Chưa đến nửa đêm, gần như đứa nào cũng đã lăn ra chiếu, ngay sát bếp lửa ngủ ngon lành, mồm ệng, tay chân vẫn đen nhẻm than tro lúc tối ăn đồ nướng.

Bây giờ dân thành thị, đất chật người đông, lại hầu hết ở chung cư nên chẳng mấy đứa trẻ biết được niềm vui khi gói bánh, hay thức đêm canh nồi bánh chưng. Không có nồi bánh chưng, Tết cũng đã nhạt đi rất nhiều.