Nơi âm dương không cách trở

Phố Giáp Nhị (Q. Hoàng Mai) có nhiều ngõ ngách chằng chịt đặc trưng đúng chất Hà Nội phố. Nhưng có điều kỳ lạ khi khám phá ngang dọc con phố này sẽ thấy một khu phố mà người dân đang chia sẻ không gian sống với những ngôi mộ.

Thậm chí cổng vào của nhà dân còn hẹp hơn chiều ngang “nhà” của người đã khuất. 

Phố Giáp Nhị có nhiều ngõ ngách mà nếu không cẩn thận bộ hành sẽ dễ lạc đường. Đi sâu vào bên trong ngõ 88 sẽ thấy một nghĩa trang nhỏ với hàng chục ngôi mộ nằm dưới một gốc đa cổ thụ giữa khu dân cư đông đúc. Những ngôi mộ không chỉ nằm trong khuôn viên nghĩa trang mà còn nằm rải rác trong nhiều ngõ ngách… ở nhiều vị trí rất lạ.  

Có những ngôi mộ năm ngay mặt tiền của cửa hàng buôn bán. Có khi nhà người sống và “nhà” người đã khuất nằm xen kẽ hoặc đối diện nhau trong con hẻm nhỏ. Dù vậy, mọi sinh hoạt của người dân đều diễn ra bình thường. Các cụ già ngồi chơi cờ, cánh trung niên ngồi uống bia, trà đá, em nhỏ thì kê bàn ghế, vui đùa bên cạnh những ngôi mộ.

Ở ngõ 88 phố Giáp Nhị có những ngôi mộ năm ngay mặt tiền của cửa hàng buôn bán

Người dân sống lâu năm trong làng kể rằng, khu phố này có tên là xóm Cổ ngựa được đặt theo hình dáng đất đai ngày trước. Chỉ mới cách đây khoảng hai chục năm, nơi này vẫn là nơi đồng ruộng. Theo thời gian, người nơi khác chuyển về xây dựng nhà cửa, đất trống không còn, thay thế vào là khu dân cư xây kề với các ngôi mộ:

"Nhiều lắm, dưới lòng nhà ngày xưa nhiều lắm. Bạn cô mua cái nhà phía sau này đào lên bao nhiêu mộ".

"Lúc đầu xem trọ không để ý. Em ở rồi thì thấy cũng bình thường. Người ta vẫn dọn sạch sẽ, dâng hương hoa lễ".

"Nó có từ trước thời của chú. Khu mộ ở đấy là khu mộ cổ tầm tuổi chú không biết nguồn gốc. Có người thờ cúng chắc chắn có người làng. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Người ta ở đấy thờ cúng đều đặn thì lại được phù hộ".

Chỉ khoảng 20 chục năm khu đất trống ở Thịnh Liệt không còn, thay thế vào là khu dân cư xây kề với các ngôi mộ

Phố Giáp Nhị không phải nơi “độc nhất vô nhị” ở Hà Nội có một khu phố kỳ lạ. Ở Cống Vị, Thụy Khuê, đường Bưởi, Cửa Bắc… nhiều người ngang phố cũng đã bắt gặp khung cảnh âm dương liền kề như vậy.

Những gia đình có mộ không muốn di dời, có thể vì họ tôn trọng lựa chọn của người đã khuất, biết rằng khi khuất nẻo dương gian, vẫn còn lưu luyến với mảnh đất mình gắn bó máu thịt, chẳng muốn xa rời.

Còn với người dương thế, sống cạnh những ngôi mộ, trước những sự linh thiêng làm chứng, cũng là cách họ phải sửa mình mỗi ngày. Và có thể, họ cũng mang một tâm thế bình thản hơn, khi thấy gần như không có khoảng cách nào giữa hai thế giới.

Những ngôi mộ không chỉ nằm trong khuôn viên nghĩa trang mà còn nằm rải rác trong nhiều ngõ ngách… ở nhiều vị trí rất lạ.

Chuyện tưởng chừng lạ nhưng lại hóa quen khi rất nhiều người Hà Nội được sinh ra trong ngõ, sống chật vật xoay xở trong không gian hẹp của ngõ, tới khi rời cõi dương thế xương cốt cũng hóa vào một mảnh đất bé bé nằm lại trong ngõ.

Trong cái diện tích vốn khiêm tốn ấy, không có ngăn cách giữa nhà người sống và “nhà” người đã khuất, nơi âm dương chẳng mấy cách biệt. Và ngõ phố chứng kiến cả đời người.

Bộ hành qua phố gặp những chuyện li kỳ luôn là thứ “đặc sản” khó quên của Hà Nội.