Tin trong nước và thế giới
# Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (DN) (sửa đổi), trong đó nêu rõ 7 hành vi bị cấm trong lĩnh vực này.
Còn Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, trong đó có đề xuất về đấu giá ngược và mua sắm trực tuyến (e-shopping).
# Theo UBND TP.Hà Nội, trong số 712 dự án nhà ở, khu đô thị gặp khó khăn, vướng mắc từ đầu năm, Hà Nội đã chỉ đạo, giải quyết được 419 dự án và đang tiếp tục giải quyết cho các dự án còn lại.
Còn tại TPHCM, theo Sở Xây dựng thành phố, hiện rất khó để người dân mua được căn hộ chung cư với giá dưới 25 triệu đồng/m2, bởi chỉ riêng chi phí xây dựng công trình đã 11 triệu đồng/m2, chưa kể chi phí khác.
# Một diễn biến đáng chú ý là nhìn vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của nhiều ngân hàng, phần lớn các ngân hàng nhỏ đều đạt lợi nhuận khá thấp, thậm chí có ngân hàng giảm lợi nhuận hơn 60%, thậm chí gần 90% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của Luật sư Trương Thanh Đức, công ty luật ANVI, Luật sư Giám đốc Công ty Luật ANVI; Trọng tài viên kiêm thành viên Hội đồng Khoa học Pháp lý Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), sở dĩ lợi nhuận của nhiều ngân hàng giảm mạnh là do khó khăn chung của nền kinh tế, dẫn đến hấp thụ dòng vốn thấp, biên lãi ròng thu hẹp và nợ xấu tăng, buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro: "Chủ yếu tôi cho rằng nợ xấu tăng là do nguyên nhân khách quan, tình hình kinh tế thế giới rất khó khăn trong thời gian vừa qua, do những lý do về dịch bệnh, chiến tranh và trong nước còn những khó khăn của các doanh nghiệp do trái phiếu, bất động sản, thị trường trầm lắng, khẳ năng sản xuấ kinh doanh, trả nợ của các doanh nghiệp gặp vấn đề thì các ngân hàng sẽ chịu rủi ro cuối cùng".
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nợ xấu khả năng tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm. Nguyên nhân là vì hiện nay ngân hàng vẫn đang giãn nợ cho doanh nghiệp, còn rất nhiều khoản nợ chưa cho chuyển nhóm nợ. Khi các nhóm nợ này chuyển về đúng trạng thái, tỷ lệ nợ xấu trên hệ thống sẽ tăng cao.
# Tháng Khuyến mại Hà Nội 2023 sẽ diễn ra từ 27/10-30/11 tới, tại các trung tâm thương mại, cửa hàng, điểm bán trên khắp địa bàn Thủ đô. Dự kiến, sẽ có nhiều sản phẩm được giảm giá tối đa lên tới 100%.
Và mới đây, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm với bức tranh tài chính ảm đạm, thể hiện rõ hơn sự lao đao trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nợ vay suy giảm, nợ xấu gia tăng.
# Với thị trường giao dịch hàng hóa, thêm một ngày thị trường hàng hoá nguyên liệu thế giới đóng cửa với diễn biến giá phân hoá. Lực bán áp đảo, đặc biệt là trên thị trường kim loại, kéo chỉ số MXV-Index quay đầu giảm 0,3% xuống 2.295 điểm.
Lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tiếp tục tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế đã khiến hầu hết các mặt hàng kim loại chịu sức ép trong ngày hôm qua. Cả 2 mặt hàng kim loại quý là bạc và bạch kim đều ghi nhận mức giảm hơn 1%, đưa giá về mức thấp nhất trong hơn hai tuần. Cụ thể, giá bạc giảm 1,55% xuống 23,50 USD/ounce, giá bạch kim giảm xuống 915,3 USD/ounce sau khi giảm 1,95%.
Trong khi đó, dầu WTI đóng cửa ở mức 87,55 USD/thùng, tăng gần 1%, ghi nhận phiên tăng giá thứ 9 liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng giá theo ngày dài nhất kể từ năm 2010. Giá dầu Brent tăng phiên thứ 7 liên tiếp với mức tăng 0,62% lên 90,60 USD/thùng.
# Nhu cầu tiêu dùng và hoạt động sản xuất suy yếu kết hợp với cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến các nước láng giềng có quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Dữ liệu cũng cho thấy hoạt động sản xuất của Nhật Bản giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Trong khi đó, Đài Loan chứng kiến sản lượng nhà máy giảm và nhu cầu nước ngoài yếu hơn.
# Moody’s- công ty xếp hạng rủi ro tín dụng hàng đầu thế giới, dự báo nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm lại do lạm phát vẫn cao hơn dự kiến - nhưng có thể vẫn còn một số “khả năng phục hồi”. Báo cáo đưa ra trong bối cảnh dữ liệu kinh tế quý 2 cho thấy đà tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn đang chậm lại.
Chuyên gia kinh tế Marie Diron tại Moody's đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến nền kinh tế toàn cầu giảm tốc, bao gồm lãi suất vẫn ở mức cao, tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và những căng thẳng trong hệ thống tài chính: "Chúng tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại và điều đó sẽ tác động đến các thị trường mới nổi tại châu Á thông qua các điều kiện thương mại, cũng như khả năng tiếp cận nguồn tài chính khu vực. Vẫn có những rủi ro rằng lạm phát có thể trở nên nghiêm trọng hơn ... so với dự kiến hiện tại và điều đó sẽ dẫn đến rủi ro cao hơn cho tốc độ tăng trưởng lâu hơn và chậm hơn".
Theo chuyên gia này mặc dù các ngân hàng trung ương đã cố gắng lèo lái nền kinh tế toàn cầu và “tạo ra xu hướng giảm phát” bằng cách tăng lãi suất, nhưng rủi ro lạm phát vẫn là một điểm vướng mắc.
Thông tin chứng khoán
# Với thị trường chứng khoán Mỹ, đà tăng của giá dầu thời gian gần đây cũng làm dấy lên lo ngại về lạm phát và FED có thể duy trì lãi suất cao lâu hơn dự kiến. Đón nhận tin hiệu này, Nasdaq -1,06%, S&P 500 -0,7% và DJIA -0,57%.
# Còn ở trong nước, trên biểu đồ, VNIndex gần như tiếp cận vùng đỉnh cũ tại 1.246,22 đi kèm dòng tiền tích cực.
# Theo SSI Reseach, các chỉ báo kỹ thuật tỏ ra tích cực ủng hộ việc vượt đỉnh. Như vậy, với nhịp tăng trưởng đi kèm thanh khoản hiện nay, chỉ số VNIndex sẽ tiến đến vùng 1.252 - 1.256.