Những vương quốc lác bên dòng Cổ Chiên

Cây lác bắt đầu bằng “thân phận” là một loài cỏ dại nhưng có nghị lực sống rất phi thường. Song hành với đời sống cư dân Nam Bộ, từ xa xưa, cây lác dẻo dai được dùng đan chiếu.

Ngày nay, lác phá thế độc canh cây lúa rồi vươn ra xuất khẩu và đang chuyển mình làm du lịch. Miền Tây đang bước vào mùa thu hoạch lác hè, mấy cánh đồng lác bạc ngàn lượn mình như thảm lụa hứa hẹn mang về một vụ mùa no ấm cho nông dân. 

Nông dân ở Đức Mỹ ( Càng Long, Trà Vinh) phấn khởi thu hoạch mùa lác hè

Sông Cổ Chiên mênh mông như dải lụa, uốn lượn qua những bãi cồn xứ Vĩnh Long – Trà Vinh – Bến Tre rồi hòa vào biển cả. Nép mình bên dòng trường giang rộng lớn này có hai cánh đồng lác bạt ngàn: Vũng Liêm (Vĩnh Long) và Càng Long (Trà Vinh). Đây là hai “vương quốc” lác có diện tích rộng hàng ngàn hecta, lác xanh rì ngã mình theo gió, sự sống được bao bọc bằng những câu chuyện của riêng một mình cây lác.

Trong hành trình khai phá vùng đất phương Nam, cộng đồng dân cư tá túc tại đây đã phát hiện cây lác mọc hoang ở đầm lầy. Người dân vừa khẩn hoang trồng lúa, vừa truyền tay nhau cách đan chiếu lác để làm ra sản phẩm phục vụ chính nhu cầu của cộng đồng.

Nghề đan chiếu lác sau đó được hình thành rộng rãi nhưng chất lượng lác hoang không đáp ứng được yêu cầu nên người dân chuyển sang trồng lác để chủ động nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, nơi nào đất xấu thì mới đến lượt cây lác chen chân vào.

Xuất thân là cây hoang dại, lác ngày nay được chọn làm cây trồng chủ lực, làm nguyên liệu chính cung ứng cho các làng nghề dệt chiếu ở Đồng Tháp, TP Hà Nội và các tỉnh phía Bắc

Cây lác xuất hiện ở Vĩnh Long từ thời Pháp thuộc và chỉ trồng được duy nhất tại huyện Vũng Liêm, còn tại Trà Vinh thì lác mới được trồng cách nay khoảng 20 năm tại huyện Càng Long. Đặc điểm chung của hai vùng đất này là thừa mặn dư phèn, vào mùa lũ thì thường xuyên ngập úng, mùa hạn thì mặn xâm thực sâu, bình thường thì đất đọng phèn nhiều.

Nông dân trồng lúa quanh năm thất bác, cây lác thế chân lại bén rễ tốt, dễ sinh tồn, nước mặn ở độ 3‰ là trúng mùa lý tưởng. Từ đó, cây lác bắt đầu phá thế độc canh cây lúa.

"Lác mới cấy thì năng suất trúng lắm tới 1,5 tấn/công, còn “lác đẻ” thì khoảng 1,2 tấn/công"

"Lác mà loại nhất là trên 18.000 đồng/kg, chưa bao giờ thấy giá nó cao như vậy"

"Mùa Đông Xuân mà mình trồng lác được 2m là bỏ túi tiền lời 20 triệu/công. Còn vụ Hè Thu thì bỏ túi 10 triệu/công"

Cây lác trồng ở Vũng Liêm và Càng Long là loại lác voi, thân mập, cọng dai, cao 2m, thuộc họ lác cói. Điểm nổi bật của loài này là dễ trồng, chỉ trồng một lần, bón phân đúng định kỳ, sau đó thu hoạch từ 7-10 năm. Trung bình một năm thu hoạch 3 vụ với năng suất từ 1,2 -1,5 tấn lác tươi/công. Một công đất lác trúng mùa sẽ thu được đến 1.000kg lác khô.

Ông Lê Thanh Tâm – Giám đốc HTX Chiếu Lác Thành Đông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Diện tích trồng lúa ở địa phương trước đây luôn thất mùa vì lúa bị bệnh nhiều. Từ thực tế đó mà địa phương đã triển khai những hộ dân đầu tiên thí điểm trồng cây lác, thành công rồi nhân rộng ra. Nhờ trồng lác mà nhiều hộ nghèo đã vươn lên khá giả, ở xã Trung Thành Đông chúng tôi nhà tường đã chiếm trên 80% rồi”.

Thủy chung với lác, nông dân đã khá giả và xây được nhà tường

Thời kỳ hoàng kim của cây lác bắt đầu từ năm 2006, lúc nghề dệt thảm lác xuất khẩu phát triển rầm rộ mà nguồn nguyên liệu từ cây lác trên thị trường lại thiếu hụt. khi đó, lác trồng ra tiêu thụ dễ dàng, giá thành ổn định nên cả Vũng Liêm và Càng Long đều chứng kiến cuộc chuyển đổi quy mô lớn từ cây lúa sang cây lác. Lúc này, huyện Vũng Liêm đã sở hữu 1.200 hecta trải dài từ xã Thanh Bình đến Trung Thành Tây và Trung Thành Đông, còn huyện Càng Long sở hữu 1.700 hecta phân bố nhiều nhất về xã Đức Mỹ.

Với sản lượng dồi dào, cây lác tiếp tục tạo ra sinh kế mới khi người dân hình thành nghề đan dệt và thủ công mỹ nghệ. Huyện Vũng Liêm có 4 làng nghề trồng lác và xe lõi lác ở các ấp: Phước Bình (xã Quới Thiện), Bình Thủy (xã Thanh Bình), Đại Hòa và Đại Nghĩa (xã Trung Thành Đông), cho sản lượng trên 12.000 tấn/năm. Riêng xã Đức Mỹ - huyện Càng Long được công nhận là làng nghề dệt thảm, chiếu xuất khẩu và trở thành thành viên Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Những năm qua, làng nghề dệt thảm, chiếu xuất khẩu Đức Mỹ luôn đứng đầu các làng nghề khác trong tỉnh Trà Vinh về làm ăn hiệu quả. Bình quân mỗi lao động tận dụng thời gian nhàn rỗi để se lác, đan thảm, dệt chiếu, mỗi ngày có thu nhập từ  130.000 đến 150.000 đồng.

Chị Bùi Thị Đẹp – nông dân trồng lác tại xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Trồng lác và phơi lác cũng vất vả, nắng thì đỡ còn mưa thì chạy mưa cực lắm. Nhưng mà nghề này dễ kiếm tiền mà cũng khỏe hơn trồng lúa. Trồng lác chỉ phát rồi nó tiếp tục mọc lên mấy năm liền, còn trồng lúa thì 1 năm phải dọn đất sạ mấy lần”.

Bền bỉ hơn 20 năm và nắm giữ thời kỳ đỉnh cao khoảng 10 năm, cây lác trồng ven sông Cổ Chiên là nguyên liệu cung ứng cho các làng nghề phía Bắc, chủ yếu là TP. Hà Nội và làng chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Riêng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đan từ lác đã xuất khẩu đến các nước Đông Nam Á. Lác có riêng hẳn thị trường xúc tiến xuất khẩu, ký hợp tác vùng nguyên liệu và được địa phương ưu tiên xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.

"Vương quốc" Vũng Liêm và Càng Long là trạm dừng chân đồng quê yên ả, cũng là nơi ghi nhận hành trình vươn lên của cây lác một cách ngoạn mục trong vòng 20 năm qua

Từ năm 2020 đến nay, một số nơi tại 2 “vương quốc” lác Vũng Liêm và Càng Long đã được đầu tư hệ thống đê bao ngăn mặn- trữ ngọt khép kín nên tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Diện tích trồng lác có thu hẹp lại, tuy nhiên giá trị kinh tế của cây lác vẫn không “thoái trào”, vẫn ổn định qua từng năm. Trong báo cáo của UBND xã Đức Mỹ (huyện Càng Long) năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp thu về của toàn xã là 400 tỷ đồng thì lác đã chiếm 300 tỷ đồng.

Vì lợi ích và tiềm năng của cây lác mang lại, Vĩnh Long và Trà Vinh đều xác định lác là cây trồng chủ lực. Các địa phương đều ban hành các chính sách hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chế biến nguyên liệu. Hỗ trợ tín dụng, máy móc thiết bị xe lõi, dệt chiếu thảm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho người trồng, xe lõi lác.

Trước sức ép của kinh tế vườn đang phát triển mạnh mẽ nhưng các địa phương vẫn quy hoạch và giữ vững vùng trồng lác. Riêng huyện Vũng Liêm ấn định duy trì vùng trồng lác ổn định từ nay đến năm 2025 là từ 350 -500 hecta, đồng thời tiến hành xây dựng tuyến công nghiệp ven sông Cổ Chiên để phát triển cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ, như: gốm, dệt chiếu, thảm, đan đát từ nguyên liệu lác.

Ngoài giá trị kinh tế, hình ảnh đồng lác xanh mướt đã trở thành bức tranh nghệ thuật nơi đồng quê thu hút nghệ sĩ và du khách thập phương đến tận vùng này để chụp ảnh. Từ đây, lác tập chuyển mình làm du lịch, việc phát triển du lịch từ cánh đồng lác là cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương.

Từ loài cỏ dại bén rễ với mảnh đất quê nghèo, cây lác đã đem lại cuộc sống ấm no cho người dân Vũng Liêm và Càng Long, trở thành chất keo gắn kết tình làng nghĩa xóm. Dẫu có bao thách thức của mặn – ngọt đan xen thì lác vẫn sống bền bỉ, dẻo dai vươn mình ra quốc tế. Mỗi khi có dịp xuôi dòng Cổ Chiên, ai đó nên ghé qua “vương quốc” lác một lần vì đây là trạm dừng chân đồng quê yên ả, cũng là nơi ghi nhận hành trình vươn lên của cây lác một cách ngoạn mục trong vòng 20 năm qua.