Những người sống ven sông

Hà Nội là nơi hội tụ của mọi nền văn hóa vùng miền trên cả nước, với những cư dân ở khắp các tỉnh, thành phố đổ về đây sinh sống, làm ăn lập nghiệp. Theo thời gian, chính họ là những người tạo nên một Hà Nội đa sắc như hiện nay…

Và trong số đó, có những cư dân rất đặc biệt, gần như không ai biết đến, nhưng họ lại có mặt ở khắp nơi…

 

Họ không phải dân ngụ cư, như cách nhiều người thường gọi những người từ nơi khác lưu lạc đến một vùng đất mới, chọn một mảnh đất xa cách hẳn với người bản địa, để làm nơi sinh sống lâu dài…

Ở một góc khuất ven sông Hồng, phía nội đô, nơi có một nhánh sông nhỏ bị tách ra khỏi dòng chảy chính bởi một doi đất phù sa nổi giữa sông bạt ngàn lau lách, khuất dưới những tán cây lớn trên bờ sông, có mấy chiếc thuyền lớn với mái tôn gỉ sét neo đậu.

Ảnh: Quang Hùng

10 giờ sáng, thỉnh thoảng lại có một người phụ nữ với vẻ mặt ngái ngủ đi ra từ trong thuyền, trên tay là ca nước, chiếc bàn chải và một cái khăn mặt cũ vắt hờ trên vai. Dáng người ngả nghiêng như chực ngã khỏi cây cầu bằng ván gỗ bắc từ mép thuyền ngả xuống bãi cát phù sa ẩm ướt phía dưới.

Khoảnh đất trống bên dưới, có chiếc vòi nước vứt chỏng chơ dưới đất, đuôi vòi kéo dài mãi lên trên bờ khuất sau mấy tán cây rậm rạp, nên cũng chẳng thể biết nguồn nước ấy chạy từ đâu về. Một người đàn ông đang ngồi tắm ì oạp chỗ vòi nước. Người phụ nữ, sau khi đánh răng rửa mặt lại uể oải leo lên thuyền. Tất cả đều diễn ra trong im lặng…

Trên thuyền, hàng chục người đang nằm ngủ li bì bên trong những chiếc “màn tuyn” cũ kỹ. Người phụ nữ, tên Son, bảo tôi: Tất cả đây vừa về, giờ mới là lúc đi ngủ, vì hầu hết mọi người ở đây đều ra khỏi “nhà” – cách chị gọi chiếc thuyền nơi họ tá túc – vào lúc chiều tối, và trở về nhà vào sáng hôm sau.

Ảnh: Quang Hùng

Hầu hết họ đều là người ngoại tỉnh, làm nghề buôn bán hoa quả, bốc vác thuê trên các chợ đầu mối khắp Hà Nội… Thuyền bên cạnh là cánh đàn ông ở, cũng làm đủ nghề, từ xe ôm, đạp xích lô, bốc vác, thợ nề, thợ mộc…

Họ chọn trọ trên thuyền, ở đây, vì tiện đi lại, tập kết hàng hóa, và quan trọng nhất là giá thuê rẻ, mỗi tối ngủ chỉ vài chục ngàn:

"Thì cũng gọi là cất vó thì có ăn, mỗi ngày kiếm dăm ba chục. Tôi làm ở đây cũng 18 năm rồi. Đi bán rong chủ yếu, lấy hàng xong đi vào phố bán rong, 10 ngày 1 chuyến, bán đủ các loại…"

"Nhà em chỉ có bố mẹ em đi chợ thôi. Người ta chở hàng về đây rồi bán cho mình, nhà em mua lại rồi lên phố bán, bán hàng rong…"

"Bọn chị đi thuyền, lên thuyền ngủ một giấc là về đến nhà. Đi xe máy thì mệt, mình lên thuyền nằm ngủ, lúc nào về thì về…"

Ảnh: Quang Hùng

Khác với những người sống “ngụ cư”, tất cả bạn đồng nghiệp của chị Son đều có nhà cửa đàng hoàng ở quê, như chị Son còn có 2 con đang đi học, đứa đầu học đại học tận trong thành phố Hồ Chí Minh.

Họ thường theo thuyền buôn ngược sông Hồng lên mãi tận Phú Thọ, Sơn La… “đánh hàng” hoa quả về Hà Nội bán. Mùa nào thức nấy, khi thì chuối, lúc lại bưởi, mít, na, lá dong… Bán hết hàng lại về nhà với chồng, với vợ con.

Gần đây, giao thông thuận tiện, có người đi đường bộ, nhưng đường thủy vẫn là lựa chọn ưu tiên bởi chở được nhiều hàng, đi lại thoải mái và chi phí cũng rẻ hơn.

Chính vì công việc chỉ đổ hàng cho các chợ đầu mối trên phố, hoặc đi làm thuê vào ban đêm nên gần như chẳng ai biết có người trong số họ đã sinh sống, làm việc ở Thủ đô đến vài chục năm. Có người đến mảnh đất này từ khi tóc còn xanh, nay đã có con, có cháu ở quê nhà.

Cũng có nhiều bạn thuyền của chị Son làm nghề bán hàng rong, họ thường chở hàng hoa quả trên xe đạp rong ruổi khắp phố. Hằng ngày, đi trên đường, chúng ta vẫn bắt gặp những người bán hàng rong ấy, nhưng có lẽ, cũng ít người thắc mắc, họ từ đâu đến, họ ở đâu, mà sao khắp nơi đều có bóng dáng của họ?

Ảnh: Quang Hùng

Còn với nhiều người trong số họ, dù không phải “người Hà Nội”, nhưng với họ mảnh đất này đã nuôi sống họ, chiếm một phần quan trọng trong hành trình cuộc đời, nên cũng trở nên gắn bó không khác gì quê hương thứ hai của mình…

Bằng sự hiện diện của mình trên phố, họ đã, đang góp phần vào dòng chảy tấp nập của Thủ đô; góp phần tô điểm thêm cho hình ảnh phố thị, và trở thành một phần của sinh hoạt, văn hóa, lối sống của người Hà Nội.

Không đúng sao? Khi mà những gánh hàng rong, những chiếc xe đạp nặng trĩu, những chiếc áo nâu sồng, nón lá, những xích lô góc phố đã đi cả vào thơ ca, vào câu hát, lời thơ, vào những nét cọ của các danh họa nổi tiếng - những người yêu Hà Nội đến mức, bằng tài năng của mình, đã khiến cho những hình ảnh ấy trở thành biểu tượng của Hà Nội?