Những người muôn năm cũ…

Hà Nội cũ kỹ từ con đường, góc phố, từng nóc nhà, gần như chẳng bao giờ thay đổi - ấy là sự quen thuộc, quen thuộc đến mức đóng đinh trong sự mặc nhiên rằng, chỉ cần đi đến góc phố ấy, con đường ấy, dưới mái nhà ấy, ở đầu ngõ nhỏ ấy là sẽ luôn bắt gặp được những con người đó…

Hà Nội phố cổ nhỏ xíu, đi bộ chắc cũng chỉ non ngày là hết. Tất nhiên đó là nói về việc đi bộ các phố chính, giống như hành trình của những khách du lịch từ xa đến. Còn nếu muốn tìm hiểu mọi ngóc ngách phố phường thì chắc chả định lượng được thời gian là bao nhiêu.

Sống lâu ở phố cổ, đi đâu cũng bắt gặp những gương mặt thân quen. Dù không quen biết, cũng chẳng mấy khi có dịp trò chuyện. Nhưng luôn cho người ta có cảm giác quen thuộc.

Ta sẽ luôn biết họ sẽ ở đó, đúng vị trí đã từng bắt gặp, ở ngày hôm trước, ở tuần trước, tháng trước, thậm chí là hàng chục năm trôi qua, vẫn thế. Quen thuộc đến kỳ lạ. Giống như họ là một phần cấu thành và không thể thiếu được trong hình dung về phố cổ mỗi khi nghĩ đến.

Dù chẳng quen biết, cũng gần như không có một cuộc tiếp xúc nào, nhưng khiến Hà Nội gần gũi hơn với người gắn bó với mảnh đất này.

Thế rồi bỗng dưng một ngày, đi qua phố, không thấy bóng hình của “người quen” đâu nữa. Cảm giác hụt hẫng giống như một ngày thấy cái tháp Rùa giữa Hồ Gươm bị người ta đắp xi măng vuông thành sắc cạnh, hay cửa Ô Quan Chưởng rêu phong gạch đỏ gần gũi trở nên xa lạ khi bị khoác lên lớp vỏ vôi vữa vô hồn.

Hoặc một ngôi biệt thự cũ trên phố bị người chủ mới nào đó sơn xanh đỏ, đánh bóng lại mặt tiền bằng những tấm cửa kính trong suốt cho một hàng cà phê mới mở…

Tôi nhớ ông Khánh, có vẻ hơi bất ổn về đầu óc ở phố Hàng Bạc, nhưng rất thân thiện với người đi đường. Lúc nào ăn mặc cũng rất lịch sự, áo sơ bỏ trong quần sạch sẽ, hàng ngày rong chơi khắp phố, gặp ai cũng chìa tay ra bắt thật chặt và hỏi han như đã quen từ lâu. Rồi một hôm không thấy ông trên phố, vài ngày sau thấy người nhà đăng tin nhờ mọi người tìm kiếm…

Và đã gần một năm nay tôi không gặp lại ông. Có lẽ một ngày, ông đã quyết định đi chơi ở một nơi nào đó xa hơn địa bàn phố cổ. Hy vọng rồi có ngày ông quay lại con phố này.

Người đi trên phố Bà Triệu, qua ngã tư Hai Bà Trưng, lúc nào cũng nhìn thấy một ông cụ, tên Thành, với bộ đồ bơm vá xe đạp ngồi ở đó, từ sáng tới chiều, từ đông sang thu… Chưa bao giờ thấy ông có khách.

Có lẽ, người ta cũng hơi e ngại vì dáng vẻ nhếch nhác của ông… Nhưng ngày nào cũng đúng giờ là ông vác đồ nghề ra đó ngồi. Hàng xóm bảo nhà ông ngay đầu phố, chẳng phải thiếu thốn gì nhưng ông cứ thích ra đó ngồi. Có người hơi ác mồm bảo, ông bị hâm…

Ở một góc phố Báo Khánh, mùa đông cũng như mùa hè, luôn có cụ bà bán chuối ngồi ở đấy. Ai đi qua cụ cũng mời, mà chẳng mấy khi bán được hàng. Cũng không ai nỡ đuổi cụ đi chỗ khác, vì rõ ràng nơi ấy không được ngồi bán hàng rong.

Thỉnh thoảng, tôi hay chụp ảnh cụ…

Rồi hai năm dịch bệnh covid hoành hành, tôi ít đi qua phố ấy. Đến khi cuộc sống trở lại bình thường, nhiều tháng nay đã không thấy bóng cụ đâu. Tiếc là tôi chưa từng mua hàng cho cụ, dù chỉ một lần. Mặc dù đôi ba lần có ngồi chơi, nói chuyện phiếm với cụ. Cách đây hơn chục năm, có một bà cụ sống nhờ trong căn hầm bé xíu dưới chân Ô Quan Chưởng.

Bà cụ không biết quê quán ở đâu, và đã lưu lạc lên Hà Nội từ bao giờ. Cũng không ai biết tại sao bà lại sống ở cái hầm đó. Nhưng dân hàng phố cũng quen với việc ấy. Và chẳng ai thắc mắc. Thế rồi có một phóng viên nào đó phát hiện ra bà và viết một bài báo khá ly kỳ về cuộc sống của bà cụ. Ấy thế là hôm sau chính quyền địa phương đến phong toả căn hầm, đuổi bà cụ đi khỏi nơi trú ngụ đó…

Đến giờ, mỗi lần đi qua nơi ấy, tôi vẫn luôn tự hỏi, không biết bây giờ bà cụ đang sống ở đâu?

Hà Nội có hàng triệu người sinh sống, mỗi người một số phận, một công việc khác nhau. Một bà cụ bán rau ngồi nhờ bên góc hàng cà phê, một người đánh giày dưới mái hiên một nhà hàng sang trọng, một anh thợ ảnh bờ hồ, một người đạp xích lô góc phố, một cụ ông bán nước chè trong ngõ nhỏ…

Tất cả họ đều không có gì đặc biệt, khác lạ, nhưng chính họ lại làm nên hình ảnh một Hà Nội thân thuộc và đầy gắn bó.