Những ngôi nhà mắc kẹt

Ở Hà Nội có những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, và hình dáng kỳ lạ đến mức không thể gọi là nhà. Dù chật chội và bất tiện, nhưng vẫn là nơi người ta ở từ đời này qua đời khác mà chẳng mấy người muốn rời đi…

Có dạo, các phương tiện truyền thông phản ánh tình trạng những khu phố mới mở do công tác giải phóng mặt bằng không triệt để, hậu quả để lại là những mảnh đất chỉ còn vài chục centimet chiều sâu.

Và những người chủ sở hữu ngôi nhà “mặt tiền” ấy vẫn dựng lên những ngôi nhà siêu mỏng trên những con phố đó; khiến bộ mặt kiến trúc Thủ đô nhìn vào rất kỳ lạ…

Nhưng nếu có đi trong phố cổ mới thấy, những ngôi nhà kẹt giữa các ngôi nhà với chiều rộng chỉ chưa đầy 1 mét, những ngôi nhà mặt phố nhưng lại không có lối ra, không có cửa vì phải đi vòng ra đằng sau, rồi lách qua con ngõ hẹp mới ra được ngoài phố, là rất phổ biến.

Ngôi nhà "không lối thoát" và chiều rộng chưa đầy 1m

Hà Nội bây giờ có nhiều nhà cao tầng, chung cư mọc lên như nấm hạn sau mưa. Những khu đất vốn trước kia bỏ hoang, đồng ruộng chẳng ai buồn cày cấy, hay đất của các nhà máy xí nghiệp phải đóng cửa lâu ngày vì không làm ăn được, phá sản… đều được “hoá giá” cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Đương nhiên đây là xu thế phát triển của thời đại. Nhất là khi dân số Thủ đô mỗi ngày một tăng, người ở nơi khác cũng đổ về mua nhà ở thành phố để sinh sống và tiện làm việc.

Chỉ cách đây chừng 20-30 năm thôi, chẳng ai nghĩ tới chuyện Hà Nội, nhất là những quận nội thành lại có nhiều chung cư và nhà cao tầng đến thế…

Có cảm giác như vùng lõi của Thủ đô, tức là khu vực phố cổ cứ bị bóp bẹp dần, bẹp dần. Mặc dù đất đai thì vẫn thế thôi. Nhưng khi vây quanh nó là những nhà cao tầng, những chung cư mới thì có cảm giác như vậy.

Đất chật, người đông, những nhà trong phố cổ cũng phải xẻ đôi, xẻ ba mảnh đất ra để bán, để chia cho các thành viên trong gia đình… Rồi những mảnh đất “lưu không” – tức là những không gian nhỏ hẹp giữa hai ngôi nhà sát nhau, sẽ không thể bỏ phí. Vậy là người ta sẽ tiến hành xây nhà để ở.

Và vì là đất lưu không, lửng lơ bên trên, phía dưới người ta đã làm cửa hàng cửa hiệu hết cả. Thế là chỉ có thể xây phía trên. Có những không gian rộng chưa đầy 1 mét nhưng người ta có thể dựng đến 4-5 tầng lầu.

Có lần tôi vào một ngôi nhà như thế. Mỗi tầng là 1 phòng, và mỗi phòng chỉ chứa đủ một cái giường bé xíu, anh nào đậm người nằm là chạm vai sang tường hai bên. Tức là ban ngày người ta đi làm, tối về chỉ có nằm “bó giò” trên cái giường ấy mà ngủ.

Nhìn mà cứ có cảm giác như đang nghe chuyện kể về các chiến sĩ cách mạng khi xưa bị nhốt trong hầm của nhà tù Hoả Lò vậy. Không tin, bạn cứ đi lên phố cổ mà xem…

Nhưng dù sao, những ngôi nhà ấy, người ta còn đứng, ngồi, nằm duỗi chân thoải mái. Còn những ngôi nhà cũ, trong ngõ sâu thậm chí phải bò vào giường mà ngủ mà không thể đứng thẳng, trừ khi là những đứa trẻ con hay người cao dưới một mét… Không gian tối om và chẳng bao giờ có ánh sáng mặt trời.

Thế nên, cũng dễ hiểu khi mà quanh Hồ Gươm từ sáng tới chiều lúc nào cũng đông người, chủ yếu là các cụ ông, cụ bà phố cổ… ngoài việc ra đây sớm mai tập thể dục, thì chủ yếu họ vẫn muốn thoát khỏi cái không gian chật chội trong nhà, kiếm cái ghế đá mà ngồi hít thở khí trời, hay đi dạo cho giãn gân, giãn cốt.

Có lẽ, không chỉ là những ngôi nhà, mà những người phố cổ cũng đang mắc kẹt trong chính những không gian ấy!

May mà người Hà Nội còn có Hồ Gươm!