Những kỳ vọng vào giải pháp hỗ trợ cho khách hàng vay tiêu dùng (Phần 1)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.

Sự phát triển của tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua đã được ghi nhận. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Số liệu thống kê thực tế cho thấy, hiện dư nợ của các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 2%) trong tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng, chưa kể sự bùng phát của các App cho vay với thủ tục nhanh gọn lôi kéo người dân có nhu cầu vay nhanh.

Ông Nguyễn Tú Anh, phó vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết vai quan trọng của tín dụng tiêu dùng trong việc giúp đỡ bà con nông dân ở vùng nông thôn: "Tín dụng tiêu dùng hỗ trợ cho một cộng đồng người không tiếp cận được tín dụng chính thức. Tín dụng tiêu dùng không chỉ cung cấp tiêu sản mà cung cấp một dạng tài sản lưỡng dụng, ví dụ như người ta vay để mua một xe máy để dùng thì xe máy đó là để tiêu dùng nhưng cũng là công cụ để bà con vùng nông thôn vùng sâu vùng xa đưa hàng hóa ra chợ sản sinh thêm tài sản, tín dụng tiêu dùng đang hỗ trợ như vậy cho nền kinh tế này".

Ảnh nh họa

Thực tế, hiện mới chỉ có 16 công ty tài chính hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng, còn lại là hàng trăm nghìn các cửa hàng cầm đồ, các ứng dụng, các cá nhân tự đặt tên là "công ty tài chính" và cũng thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm là công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính đã giúp đáp ứng các nhu cầu vốn của nhiều người dân. Luật sư Trương Thanh Đức, công ty luật ANVI nói về thực trạng các các tổ chức không được cấp phép vẫn cho vay, huy động vốn trái pháp luật:

"Tất cả những đơn vị không được NHNN cấp phép không được sử dụng những tên như ngân hàng hay công ty tài chính gây hiểu lầm cho khách hàng, tuy nhiên vẫn có rất nhiều công ty, app trôi nổi không được phép ngang nhiên cho vay hay huy động tiền rất phổ biến".

Thực tế, thời gian qua, lĩnh vực cho vay tiêu dùng đã phát sinh nhiều tiêu cực, như cho vay lãi suất “cắt cổ”; đòi nợ kiểu “khủng bố”, phản cảm; các hội nhóm rủ nhau “bùng nợ”. Luật sư Trương Thị Hoà, Đoàn LS TPHCM nêu 1 ví dụ:

"Ví dụ tôi nói cách tính bao nhiêu phần trăm đó, nhưng trên cơ sở vốn vay ban đầu. Sau đó người ta giả bớt rồi mà vẫn tính theo ban đầu hoài thì cộng lại sẽ rất nhiều. Cho nên nhiều trường hợp nói là mười mấy, hai mươi phần trăm, nhưng thật ra nó 60-70%".

Gần đây, nhiều địa phương đang trong đợt cao điểm kiểm tra hoạt động các công ty tài chính, công ty thu hồi nợ trái luật…

Trung tá Đỗ Minh Phương – Phó Trưởng phòng Trọng án, Cục CSHS, Bộ Công an – phân tích thủ đoạn đòi nợ: "Lợi dụng sự yếu thế của người đi vay bằng các hợp đồng để o ép người vay hoặc sử dụng mạng xã hội ứng dụng gọi điện nhắn tin đe doa người vay, người thân của người vay hoặc bôi nhọ người đi vay để gây sức ép".

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia đặt vấn đề các công ty tài chính, công ty cho vay tiêu dùng đã thực hiện đúng luật chưa? Khi người vay cung cấp hồ sơ đúng luật, công ty đã thẩm định – cho vay hay không là quyền của công ty tài chính. Khi đã cho vay thì không đòi được là trách nhiệm của họ. Trường hợp người vay sử dụng giấy tờ giả, gian dối để vay là vi phạm pháp luật.

Cho vay và thu hồi nợ đúng luật - điều vốn hiển nhiên nhưng đang là vấn đề nóng và cần có những giải pháp hiệu quả hơn. Ông Hoàng Văn Thành – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổ chức tài chính Vi mô CEP nêu quan điểm:

"Tthực chất khả năng thu hồi nợ không thì nó phụ thuộc chính vào dòng thu nhập của khách hàng. Thì phải khảo sát đánh giá từng khách hàng. Phải làm sao thiết kế dòng tiền khi khách hàng vướng nợ thì nó phù hợp với nguồn thu nhập và tích luỹ với họ".

Tín dụng tiêu dùng chiếm tỉ trọng rất lớn trong GDP Việt Nam, khoảng 7% và chiếm khoảng 20% tổng dư nợ tín dụng. Tín dụng tiêu dùng trở thành thị trường mà các NH thương mại và công ty tài chính hướng đến.

Nhưng với những tiêu cực phát sinh thời gian qua, đâu sẽ là giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh và hỗ trợ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng? Chiều mai CĐTT sẽ gửi tới quý vị phân tích của các chuyên gia.