Những gì mất đi...

Hà Nội đổi thay từng ngày, những công trình mới được xây dựng đáp ứng nhu cầu cuộc sống của cộng đồng, nhưng cùng với đó, là sự biến mất vĩnh viễn của những công trình cũ. Có những thứ mang giá trị lịch sử, văn hoá và tinh thần… cũng đã bị thay thế, mang đến sự nuối tiếc cho những người hoài cổ.

Đã bao giờ đi trên phố, bạn chợt nhận ra những thay đổi, có những thứ nhỏ thôi, nhưng cũng có những điều mang đến sự nuối tiếc bởi nó đã từng gắn bó gần như suốt cuộc đời của một con người…

Như một cái cổng làng cổ trên con phố nào đó bị đập bỏ để phục vụ cho việc mở đường; Một công trình kiến trúc văn hoá được sửa sang, sơn phết lại mang diện mạo mới tinh như vừa được xây dựng; Một con đường nhỏ đã gắn bó với cả cuộc đời của bạn, giờ đây đã được mở rộng gấp nhiều lần do dân số đô thị mỗi ngày một đông hơn…

Người Hà Nội đã hơn một lần luyến tiếc những công trình mang tính biểu tượng, gắn bó, gần gũi với từng người dân qua hàng chục, hàng trăm năm bị sửa sang thành mới, mất đi hết tất cả những nét mềm mại của nghệ thuật kiến trúc cũ, và trở thành những khối bê tông xám xịt, khô cứng.

Đó là Tháp Rùa nổi tiếng giữa Hồ Hoàn Kiếm, đó là cửa Ô Quan Chương, đó là Chùa Một Cột,… và thậm chí là rất nhiều, rất nhiều ngôi biệt thự cổ trên phố đã bị sửa sang thành những căn nhà mới, theo nhu cầu và óc thẩm mỹ của chủ nhân sở hữu.

Một bức phù điêu trên bức tường bên hông chợ Mơ đã bị đập bỏ phục vụ cho việc mở đường và xây chợ mới

Nhưng dù sao, những di sản ấy, vẫn còn tồn tại, vẫn còn hình hài, để mỗi lần người ta đi qua lại có cớ mà chép ệng buông một câu cảm thán trong sự luyến tiếc, nhớ nhung. Nhưng có những công trình đã không được may mắn giữ lại vì nhu cầu phát triển của xã hội hiện nay.

Tôi vẫn nhớ mãi cái cổng làng bằng gạch nung trên phố Minh Khai, có lẽ tuổi đời của nó cũng đến cả trăm năm, đã bị đập bỏ để phục vụ việc mở đường và xây đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy. Hay rất nhiều cổng làng cổ trên phố Thuỵ Khuê giờ đã không còn nữa…

Khi khu độ thị mới đầu tiên ở Hà Nội được xây dựng trên bán đảo Linh Đàm, không biết bao nhiêu công trình cũ của làng Linh Đàm, làng Định Công… đã bị xoá bỏ nhường chỗ cho những nhà cao tầng mọc lên.

Chắc người Hà Nội, ai cũng biết sự tích học trò thuỷ thần. Linh Đàm, chính là nơi trú ngụ của thần Lân Đàm - học trò của người thầy muôn đời Chu Văn An và cũng là nơi chôn xác của hàng vạn quân giặc nhà Thanh khi chạy trốn khỏi sự truy đuổi của quân lính của vua Quang Trung.

Nhưng giờ thì gần như không còn vết tích gì để nhớ về nơi ấy. Chỉ còn là sự luyến tiếc và nỗi bực dọc tắc đường mỗi sáng và chiều muộn khi cư dân ở đây đi làm và trở về nhà…

Hay chỉ đơn giản là những hàng cây cổ thụ đã bao nhiêu năm làm nhiệm vụ che nắng, che mưa, phủ xanh các con đường trên phố, đã bị chặt bỏ để mở rộng đường phố. Và mãi đến cả chục năm sau những con đường mới ấy, ở Thủ đô, người ta vẫn phải mướt mải mồ hôi đứng chờ đèn đỏ vì chẳng còn một bóng cây nào mà che mát trên đầu.

Vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, tôi vẫn nhớ Hà Nội có rất nhiều tranh tường cổ động, với những hình ảnh gần gũi và gợi nhớ lịch sử hào hùng của dân tộc trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, trong thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước.

Những chú bộ đội, anh công nhân, bà con nông dân… được khắc hoạ sinh động và mang tính biểu tượng trên các bức tường những công trình công cộng. Nhưng rồi dần biến mất vì những công trình đó bị thay thế…

Tôi cứ ước, giá có ai đó lưu giữ lại, để làm thành một bảo tàng hiện vật cho lớp trẻ sau này được xem lại thì tốt biết bao…

Nếu ai ở quanh khu vực Hồ Tây, chắc hẳn vẫn nhớ rằng, chỉ cách đây ba mươi, bốn mươi năm thôi, diện tích mặt hồ là rất lớn, đứng ở bên này bờ nhìn sang bờ bên kia gần như không thấy rõ.

Bây giờ thì lá phổi lớn nhất của Thủ đô ấy đã bị thu hẹp đi rất nhiều bởi những con đường, những ngôi nhà được xây dựng mỗi ngày, mỗi năm do nhu cầu và sự tham lam của con người.

Chưa kể đến việc mặt nước hồ trong xanh ngày nào giờ đã trở nên đen kịt, bốc mùi nồng nặc vì người ta xả thải thẳng xuống hồ mỗi ngày.

Bức phù điêu ghi nhớ chiến công của quân và dân Thủ đô đã bắn rơi máy bay Mỹ năm 1967 trên phố Nguyễn Thái Học

Mới hôm qua thôi, tôi nhìn đâu đó thấy một bức ảnh cỏ mọc um tùm của nền nhà triển lãm Giảng Võ. Một công trình thời đổi mới, gắn bó với hầu như tất cả người dân Thủ đô qua mấy chục năm sau ngày giải phóng cách đây không lâu đã được chuyển cho một đơn vị nào đó sử dụng. Người ta đập bỏ công trình triển lãm Giảng Võ với dự định xây một công trình mới ở đây.

Nhưng rồi, không hiểu vì sao qua rất nhiều năm, chỉ còn lại trơ khấc nền đất cho cỏ mọc um tùm. Để lại bao nhiêu sự luyến nhớ của người Hà Nội, khi ngày xưa, người Hà Nội chỉ chờ đến những ngày cuối năm này để đi chơi Triển lãm Giảng Võ. Để ngắm nhìn những thành quả lao động sáng tạo trên khắp các lĩnh vực, để được mua một vài món đồ về cho ngày Tết…

Sự phát triển là tất yếu, vì nhu cầu của xã hội mỗi ngày một cao và thay đổi. Nhưng có lẽ nó sẽ luôn kèm theo nỗi luyến tiếc như thế…