Những đứa trẻ trên lưng

Cùng với sự phát triển ngày càng phong phú của các mặt hàng dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ ở phố thị, người ta chuyển sang dùng địu hoặc xe nôi, xe đẩy để mang trẻ con theo mình một cách tiện lợi dễ dàng.

Có khi nào đi bộ qua phố, bạn tình cờ bắt gặp đứa trẻ được cõng trên lưng? Hình ảnh hiếm hoi ấy, hẳn sẽ để lại nhiều cảm xúc.

Thành phố nhiều xe cộ, tràn cả trên hè, lại bụi bặm, ồn ào, cho nên người lớn hạn chế đưa trẻ nhỏ ra đường, trừ khi đi tiêm chủng, đi thăm khám bệnh, hay đưa đến nhà trẻ.

Nếu phải ra đường, trong trường hợp không có ô tô, hoặc đi xe máy mà không có người bế kèm, các em sẽ được địu, được ngồi trên những chiếc ghế thiết kế riêng cho từng loại mô tô, xe máy.

Còn ở các đoạn đường gần, trẻ thường được địu, đẩy xe nôi, hoặc bế trên tay. Ngay cả bế cũng hạn chế.

"Ở ngoài này, đi đâu người ta cho trẻ con vào xe đẩy đi, không phải bế".

"Cõng mà mình yếu có khi còn ngã. Cho vào cái xe đẩy thì yên tâm, vừa giữ được cháu vừa không lo bị ngã. Trẻ mấy tháng mà người ta muốn đem, người ta mua cái đeo đằng trước, ấp vào vào với mẹ. Không cõng, không bế cắp nách".

Xe nôi tiện lợi, nhiều em bé được cho ngồi xe đến tận 2-3 tuổi, để vừa thoải mái, vừa đỡ phải bế, Bé sẽ được bế nếu không chịu ngồi xe nôi, nhưng cũng rất họa hoằn

Phụ kiện giúp người lớn tiết kiệm sức và rảnh tay. Và đa phần người lớn tin rằng, trẻ con cũng thích như vậy, đỡ gò bó, đỡ nóng bức, lại rèn tính tự lập tốt hơn. Nhưng không hẳn là thế.

- Trẻ 3-4 tuổi thì phải cõng

Bà thấy trẻ con thích cõng hơn hay đẩy xe hơn?

- Cõng vẫn thích hơn chứ. Trên lưng bố thích hơn. Trên lưng mình êm hơn ngồi xe. Với lại, trên lưng cao hơn, chúng nó thích hơn.

Những đứa trẻ từng được cõng trên lưng, hay những người ông, người bà từng cõng cháu, dù rất mệt, nhưng đều thấy rằng, trẻ thích được cõng hơn.

Ở trên lưng người lớn, chúng được phóng tầm mắt cao hơn và xa hơn. Thế giới rộng mở hơn so với ngồi trong chiếc xe nôi tầm cao chỉ cách mặt đất chừng nửa mét.

Trên lưng ông bà, bố mẹ, chúng được nhìn về đằng trước, thuận theo chiều đi, chứ không phải “đi lùi” như khi được địu áp mặt vào bố mẹ. Ngay cả loại địu quay về phía trước, cảm giác của đứa bé cũng rất khác khi phía trước mênh mông, mà người thân lại ở đằng lưng, không nhìn thấy được.

Ở trên lưng, chúng dường như rất yên tâm, lại phấn khích hơn, khi được công kênh như một vị vua. Nhưng lại vui vì giống như đang chơi trò nhong nhong cưỡi ngựa

Được cõng trên lưng, dù tấm lưng gầy, vẫn là hơi ấm của mẹ, là mùi nồng cay phả ra từ ếng trầu bà nhai, là cả hơi thở phập phồng mà chúng cảm nhận được, khi áp má vào lưng ngủ gà ngủ gật.

Xe đạp “cõng” bà, bà cõng con. Hình ảnh hiếm hoi còn sót lại ở thành phố.

Bộ hành qua phố, nếu tình cờ gặp một đứa trẻ được cõng trên lưng, có thể trong bạn chợt ùa về cả một trời ký ức. Những cảm giác thân thương của tuổi lên 3 lên 4 được ông bà, bố mẹ cõng đi chơi, vẫn còn nguyên đó.

Nó nhắc chúng ta về một thời thơ ấu, rất ít tiện nghi. Khi những đứa bé chưa đi nhà trẻ sớm như bây giờ. Khi các gia đình nhiều thế hệ vẫn còn phổ biến, và trẻ con vẫn có nhiều thời gian bên ông bà.

Mỗi thời, con trẻ được yêu thương theo một cách khác nhau. Cuộc sống hiện đại, giải phóng ta bớt đi công việc nặng nhọc. Để tấm lưng ông bà đỡ còng, để cánh tay cha mẹ đỡ mỏi, để các bố mẹ trẻ có thời gian cho bản thân mình nhiều hơn, ngay cả khi đang nuôi con nhỏ.

Nhưng, hình như cũng có một sự thật rằng, những gì nhọc nhằn thường đọng lại sâu hơn. Những thương yêu đôi khi không cất thành lời, mà chỉ có thể nói bằng một tấm lưng, một cái vỗ về, một mùi mồ hôi nồng nồng, ngai ngái…