Những cổng làng trong phố

Sẽ không khó để bắt gặp một chiếc cổng làng cổ khiến bạn phải dừng chân để chạm tay lên từng vết đắp nổi, hay mong muốn bước vào khám phá không gian của làng xưa.

Những chiếc cổng làng tồn tại qua hàng trăm năm trong lòng phố như dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, là điểm nhấn cho thấy thành phố với kiến trúc đa dạng và tầng sâu văn hóa.

 

Phố Thụy Khuê (Hà Nội) nơi được mệnh danh là "phố cổng làng" với cổng Giếng, cổng làng An Thọ, Đông Xã, Hồ Khẩu... Chỉ đi ngang một đoạn phố đã thấy bấy nhiêu cổng làng tồn tại qua hàng trăm năm, chứng kiến bao đổi thay của cuộc sống.

Mỗi một cổng làng đều mang nét đặc trưng riêng biệt như để nhận diện làng này với làng khác, có làng khoa bảng, làng chữ nghĩa, cũng có làng nghề. Và cũng mỗi cổng làng lại mang những câu chuyện, "sự tích" riêng mà người dân làng đều không khó để thuật lại.   

Cổng làng Đông Xã

Trên cổng làng Yên Thái là bức đại tự được treo 4 chữ vàng “Mỹ Tục Khả Phong” mang ý nghĩa là làng có phong tục tốt đẹp. Bên cạnh là bảng tưởng nhớ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm nơi đây vào năm 1946.

Qua thời gian, màu sơn của bức đại tự đã phai nhòa càng làm tăng giá trị cho "chứng nhân lịch sử". Chiếc cổng với mái ngói rêu phong, với gạch lát đỏ, bậc tam cấp, với câu đối đúc kết tinh hoa... khiến người ta nhớ về một Yên Thái với nhịp chày giã dó làng giấy đã đi vào ca dao như thế.  

Âm thanh phố xá nhộn nhịp như dừng lại phía sau cổng làng. Bước qua cổng là bước vào làng, dù không còn nguyên vẹn những nếp nhà xưa nhưng văn hóa làng vẫn bám rễ sâu ở đó. Ngay cổng làng Đông Xã có một quán nhỏ liêu xiêu, nơi gặp gỡ mỗi chiều của những người bạn già, những bậc cao niên:

"Đợt tới này người ta tôn cao nền lên người ta làm thành bậc bậc như ở cổng Giếng. Nó làm choãi này lên điểm nghỉ xong mới xuống đường làng. Cổng làng đây thì chùa đây, đình kia".

"Vẫn trước sau như một, làng nhà cô lúc nào cũng tình cảm, ra ngõ cái là hoan hỷ chào nhau. Sống sáu mấy năm giời, gái làng đây. Đây là đầu làng trong kia là xóm trên, xóm dưới. Làng này ngày xưa các cụ làm giấy".

Những chiếc cổng làng trong phố đã làm giàu thêm khung cảnh đô thị, giúp người dân gắn bó hơn với không gian mình sinh sống, tạo dấu ấn làng xã ngay trong buổi hiện đại. Vẫn là phố ấy nhưng lại thấp thoáng bóng làng khi đã nhiều năm trôi qua như thế, trên những bậc tam cấp ở cổng vẫn thấy các bà bày đủ thứ bán buôn cho một buổi chợ.

Bước qua những vòm cổng rêu phong là cảm giác bước qua ranh giới phân chia rõ ràng của bên trong và bên ngoài, bước vào những vùng văn hóa làng vẫn còn bí ẩn đang chờ được khám phá. Mỗi chiếc cổng làng còn lại sẽ vẫn ở đây, dõi theo đổi thay từng ngày của cuộc sống.

Và nó cũng như dấu tích nhắc nhớ về làng trong phố, phố trong làng, nhắc nhớ mỗi thị dân về sự gắn kết bền chặt của cộng đồng. Người đã đi xa khi trở về nhờ "Những cổng làng trong phố" cũng vẫn còn chút gì để nhớ...