Những chiếc giỏ xe

Nếu như trên phố chính, xe đạp chủ yếu phục vụ người đi thể dục, đi chơi, đi làm ở quãng đường ngắn, hoặc chở hoa quả rong…thì trên những đường phố nhỏ hơn, nó là bạn đồng hành đến trường của con trẻ. Nhưng điều thú vị không nằm ở chiếc xe, mà ở những chiếc giỏ xe – những chiếc giỏ lộn ngược.

Trường Tiểu học Hữu Hòa trước giờ vào lớp

Gần nửa tiếng nữa mới đến giờ vào lớp của Trường Tiểu học Hữu Hòa, bên con đường liên thôn bờ hữu sông Nhuệ. Nhưng ở cổng trường, xe đạp đã tấp nập từ hai phía. Em thì đeo ba lô sau lưng, em thì để ba lô ở gác-ba-ga, nơi có gắn một chiếc giỏ được “chế” làm thùng xe:

Chào con! Cô thấy con có cái giỏ xe xinh xinh phía sau. Ai lắp cho con?

- Bố con lắp ạ. Bố bảo để cặp cho đỡ nặng

Đằng trước cũng có giỏ, con thử để cặp vào đó bao giờ không?

- Có ạ, nhưng nặng tay lái!

- Hôm nay chỉ có mỗi tiết Hoạt động trải nghiệm thôi, không nặng. Tính hôm nay khoảng 12-13 quyển ạ

- Cặp nặng, để ra đằng trước con khó đi lắm

Con phải đem bao nhiêu quyển?

- Hình như 30 hoặc 24 ạ.

- Cháu thấy bạn nào đi xe đạp hình như cũng đều để giỏ ở phía sau!

Có xe có giỏ, có xe không giỏ, nhưng cặp sách được để phía sau
Những chiếc giỏ xe không còn là nơi để cặp như ngày xưa, vì cặp bây giờ...quá nặng

Hình ảnh những em bé đến trường bằng xe đạp mà giỏ xe được lật ngược ra sau, trông khá ngộ nghĩnh, có thể gây tò mò cho bộ hành. Nhưng với bà con sống gần cổng trường, đó là một sáng kiến rất đáng giá của phụ huynh :

"Để giỏ ra đằng sau cho đỡ nặng, trẻ con nó dễ đi hơn, phụ huynh người ta lắp thế cho xe cân hơn".

"Ngày xưa vài ba quyển sách thôi, giờ nó mới nhiều thế chứ!"

Với chiếc giỏ xe được “độ” ra phía sau để chở cặp, các em bé tự tin hơn trên con đường làng êm đềm lúc sớm mai. Cũng vì có nhiều trẻ đi xe đạp, rìa đường phía đối diện cổng trường được kẻ vạch vôi trắng để đánh dấu vị trí các em dừng xe, quan sát trước khi rẽ sang. Ô tô xe máy qua đây đều chậm lại.

Phụ huynh phải "độ" giỏ ra sau làm chỗ để cặp, giúp các con đi lại an toàn
Giỏ trước để nguyên cho đẹp, gắn thêm một giỏ phía sau làm "thùng xe"

Nhìn những chiếc giỏ xe được lật ngược ra phía sau, bộ hành bâng khuâng nhiều cảm xúc. Đã có bao tuyên bố giảm tải, đã có hẳn một công cuộc đổi mới toàn bộ chương trình sách giáo khoa, mà cặp sách con trẻ cứ ngày một nặng thêm, hơn cả ba lô của bố mẹ đi làm.

Nếu các vị bộ trưởng, hiệu trưởng dành thời gian đủ lâu ở cổng trường để nhìn cái cách trẻ em chở cặp, vác cặp, kéo cặp nặng nhọc thế nào, biết đâu, sẽ có một cuộc cách mạng về cân nặng của cặp sách.

Xe không có giỏ sẽ được "chế" bằng các hộp, rổ đựng đồ
ới các xe không "độ, chế", cặp sách các em vẫn đeo sau lưng, giỏ chỉ để đồ nhẹ, lặt vặt

Sự thay đổi sức nặng cặp sách có thể vượt xa hình dung của nhà sản xuất xe đạp trẻ em. Song, nếu nhà sản xuất cũng là phụ huynh, thử để con mình ở lứa tuổi tiểu học tự mang cặp và đạp xe một đoạn thôi, có thể sẽ thiết kế ra những chiếc xe phù hợp với trẻ đi học hơn là chỉ đạp đi chơi lòng vòng.

Các nhà thiết kế thành phố đáng sống chẳng phải đã nói, thành phố an toàn là nơi trẻ con có thể tự đi bộ hoặc đạp xe đến trường an toàn mà không cần đưa đón?

Các em lớn hơn thường không thích lắp 'thùng' mà chấp nhận đeo nặng sau lưng
Những chiếc cặp thời nay

Không đơn giản là một sự hoán đổi vị trí. Những chiếc giỏ được lộn ngược ra sau nói lên nhiều điều. Nó cho thấy sự dụng tâm quan sát đối tượng mà mình phục vụ quan trọng thế nào, nếu bạn thực sự muốn tạo ra thay đổi tích cực.

Nhưng sức khỏe của con, an toàn của con, không ai lo bằng bố mẹ. Bởi thế, chẳng đợi đến một cuộc cách mạng cặp sách hay xuất hiện một nhà sản xuất xe đạp có tâm, các bố mẹ đã luôn linh hoạt tìm ra cách cho con mình. Yêu thương luôn tìm ra cách!