Đó là hương vị đậm đà, là những cuộc gặp gỡ chân thành giữa những người bạn cà phê và cả những khoảnh khắc yên bình giữa cuộc sống bộn bề.
Cà phê vợt hay còn gọi cà phê kho hoặc cà phê bít tất được người Hoa mang vào Việt Nam từ thế kỷ XX. Thời điểm đó, cà phê phin chủ yếu phục vụ cho tầng lớp trung lưu, trong khi cà phê vợt trở thành thức uống thân thuộc của bà con lao động.
Bởi lẽ, nó mang lại cho họ những phút giây thư giãn trước khi quay lại với cuộc sống mưu sinh vất vả.
Theo các bậc cao niên, sở dĩ có tên cà phê vợt là do người ta hay dùng một chiếc vợt vải lớn mang công dụng như tấm lọc của các dụng cụ pha chế hiện đại để lọc cà phê. Cách pha này đòi hỏi sự công phu tỉ mỉ hơn so với cà phê phin. Trước tiên, người ta sẽ ngâm cà phê với nước nóng, sau đó lọc nhiều lần qua vợt. Ưu điểm của phương pháp này là nhanh hơn, số lượng nhiều hơn, không mất nhiều thời gian chờ đợi như pha phin. Quy trình pha chế của cà phê vợt đòi hỏi sự kiên nhẫn, cầu kỳ. Nếu để lửa lớn quá cà phê sẽ bị chua, còn nhỏ, cà phê sẽ bị nguội, uống vô không còn mùi vị.
Hương vị cà phê vợt có phần khác với cà phê pha phin, khi uống sẽ cảm nhận không bị đắng nhẫn, hậu vị để lại trong cổ họng rất dễ chịu. Đặc biệt khi thưởng thức cùng sữa, vị đăng đắng đậm đà và mùi thơm thoảng của từng giọt cà phê vẫn để lại dư vị đáng nhớ.
Ở ền Tây, cà phê vợt bắt đầu xuất hiện từ khoảng năm 1950 và trở thành một trong những nét ẩm thực đặc trưng trong văn hóa của người dân Nam Bộ. Tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang, những quán cà phê còn giữ cách pha chế bằng vợt không nhiều. trong số ấy phải kể đến quán “Cà phê vợt Hai Ngầu” nằm bên dốc cầu Ông Mạnh, cạnh rạch Long Xuyên. Quán chỉ vỏn vẹn vài bàn ghế gỗ cũ nhưng là điểm đến quen thuộc của bà con yêu cà phê hơn nửa thế kỷ qua.
Bà Hồ Thị Hạnh chủ quán, cho hay bà tiếp nối nghề từ gia đình chồng. Bí quyết để quán trụ vững mấy chục năm qua ngoài cách pha chế truyền thống thì còn vì liều lượng nước, cà phê mà gia đình lưu truyền nhiều đời. Cà phê được xay nhuyễn, rồi lọc qua vợt vải, ủ trong siêu thuốc bắc để cà phê ra hết vị. Phần nước đầu sau khi lọc tiếp tục được đun liu riu trên bếp để giữ ấm. Để ly cà phê giữ được độ nóng và thơm lâu hơn, chủ quán luôn kỹ lưỡng trong từng khâu pha chế.
Bà Hồ Thị Hạnh chia sẻ: "Từ đó tới giờ luôn, bán phải rửa cái ly. Mỗi cái trụng ly, mỗi cái trụng ly vậy đó. Cái ly sữa mà con không rửa ly đó, cái ly sữa nó nguội nó không có ngon, chỉ có sữa đá là mình không có rửa ly. Rửa cái vợt cho nó nóng, cà phê nó không nóng cái nó nguội. Cái vợt con không rửa nước nóng cái nó hôi vải. Nó không có thơm mùi cà phê luôn. Bán 4 giờ khuya tới 7 giờ tối đóng cửa"
Theo lời bà Hạnh, mấy chục năm qua, khách đến quán có người thích cà phê đen nóng thêm đường hoặc cà phê đá, có khách ưa cà phê sữa nóng đậm chất ền Tây. Còn với khách không có điều kiện đến quán thường xuyên, họ chọn mua cà phê pha sẵn, đem về uống dần. Quán quê nên giá bình dân, nhân viên trong quán đều là con, cháu của bà Hạnh, họ sẽ là thế hệ thứ ba, thứ tư gìn giữ quán truyền thống gia đình.
Còn tại thành phố Cần Thơ, Quán cà phê Tư Điếc là một trong những điểm đến quen thuộc đối với bà con nơi đây. Quán nhỏ, nằm ở góc đường Ngô Đức Kế và Phan Đình Phùng, quận Ninh Kiều vỏn vẹn vài chục mét vuông nhưng luôn chật ních người. 4 giờ sáng, quán nhỏ đã nổi lửa. Mùi khói, mùi hương cà phê tỏa ra làm nhiều người dù yêu thích cà phê hay không cũng phải muốn thử một lần.
Chia sẻ về lý do quán sở hữu cái tên có một không hai, bà Dương Kim Thu, chủ quán bộc bạch: "Hồi xưa má bán dưới chợ, rồi năm 1979 má về đây HTX, tới giờ luôn. Xưa do má bán đắt quá, cái người lại trước, lại sau kêu cái bả không nghe rồi bả nín thinh rồi người ta kêu bả bà Tư Điếc, thành danh đó, chứ má không phải tên Tư Điếc. Má là Đào Thị Tư. Của má để lại thì chị gìn giữ thôi, chứ không có đổi được. Do cái cách pha chế, pha vợt cho nên nó ra được hết chất. Chị bán trung bình cỡ hơn 1.000 ly, cà phê của chị châm vừa bán hết là châm tiếp nên rất đậm đà. Thơm lắm"
Khách ghé quán thuộc nhiều tầng lớp, có anh chị văn phòng, có những bạn trẻ tìm hình ảnh hoài cổ và có cả những bạn cà phê lâu năm, cứ sáng sáng là hẹn nhau cùng nhâm nhi cà phê cùng vài câu chuyện phố phường.
Chị Dương Kim Thu cho biết: "4 giờ rưỡi sáng – 4 giờ rưỡi chiều. 4 giờ rưỡi sáng là chị có cà phê đến 4 giờ rưỡi chiều chị đóng cửa. Khách của chị là khách hồi xưa giờ cũng như người ta truyền với nhau vậy đó. Người già đi hết thì trẻ nó tấn lên. Tới hoài hoài nối tiếp vậy đó"
Ly cà phê thơm ngon, cùng nét xưa giữa lòng phố thị luôn tạo cho người thưởng thức một cảm giác bình an, xua đi những muộn phiền trong cuộc sống. Anh Trần Minh Duy, một thực khách của quán chia sẻ: "Cái tên quán nghe rất là lạ, nghe là ấn tượng liền. Ở đây pha cà phê bằng vợt theo kiểu truyền thống, em thấy rất ấn tượng. Khi uống rất là ngon"
Những hoài niệm về thời kỳ vàng son của cà phê vợt vẫn luôn in sâu trong tâm trí nhiều người. Cho dù là những năm tháng xa xưa của thế kỷ trước hay trong nhịp sống hối hả của thời hiện đại, việc bắt đầu một ngày mới bằng ly cà phê vợt luôn mang lại sự hứng khởi và thư giãn đặc biệt.
Cà phê vợt không chỉ thỏa mãn vị giác của những người yêu thích cà phê, mà còn trở thành biểu tượng của tình cảm ấm áp, những kỷ niệm khó phai và những khoảnh khắc yên bình giữa dòng đời tất bật.