Nhịp sống nơi cửa ô

Trong 5 cửa ô nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa, chỉ còn lại duy nhất ô Quan Chưởng với tuổi đời gần 300 năm còn tồn tại như chứng tích lịch sử.

Bộ hành nếu dừng chân tại nơi này có thể thấy rõ nhịp sống đầy sắc màu của Hà Nội phố, khi vạn vật đổi thay từng giờ, chỉ có Ô Quan Chưởng vẫn vẹn nguyên như trong ký ức nhiều người, “một cửa ô được xếp thành từ những viên gạch nâu thô mộc phủ đầy rêu xanh in hằn trong ánh hoàng hôn sẫm màu” như trong tranh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Từ 6h sáng đến tối muộn, ông Tạ Văn Nhân người gác cửa ô đã mấy chục năm nay đều đặn làm công việc suốt 365 ngày trong năm là quét dọn, cắt tỉa cây mọc hoang giữ gìn vệ sinh di tích ô Quan Chưởng. Giữa phố xe cộ ngược xuôi, bóng dáng ông Nhân len lỏi qua cổng tam quan, rồi lên vọng lâu tầng 2, vừa dọn dẹp, vừa cảm nhận nhịp sống chậm rãi hơn của chính mình qua từng ngày:

"Công việc của chú đơn giản là quét dọn, vệ sinh sạch sẽ, cây cối gọn gàng, nhắc nhở không bán hàng rong vì là di tích lịch sử. 22’ Người ta quay phim chụp ảnh, đám cưới ở đây rất vui. Lên ảnh cực đẹp nhất là buổi tối khi lên đèn. Lối này ngày xưa ra ngoài đê. Năm 71 nước sông Hồng mấp mé ở đê đứng trên bờ khua chân xuống nước. Thời kỳ ấy chú cũng đi chống lụt".

Ô Quan Chưởng vẫn vẹn nguyên như trong ký ức nhiều người -'một cửa ô được xếp thành từ những viên gạch nâu thô mộc phủ đầy rêu xanh'

Cửa ô nối đường Trần Nhật Duật, vốn là bờ đê sông Hồng với các phố cổ của quận Hoàn Kiếm người, xe không ngớt. Qua cửa là người dân phố cổ, là những người bán hàng rong, gánh thuê, vác mướn. Đó có thể là các đoàn du khách nước ngoài đi xích lô lọng vàng, “tây ba lô” đi bộ tham quan, là những cặp đôi nơi xa đến chụp ảnh cưới…  

Ở nơi cửa ô trang nghiêm, cổ kính đổ bóng trong nắng hè, thấp thoáng tà áo dài thướt tha với gánh hàng rong đang chậm rãi ngang qua. Đời sống đủ cung bậc ấy trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho biết bao người nghệ sĩ. Và chính những người gắn bó với cửa ô lịch sử này cũng có thể thấy rõ ràng sự đổi thay của cuộc sống theo dòng thời gian:

"Cuộc sống giờ nhộn nhịp, vội vã hơn ngày xưa. Xưa tìm một cuốc xe hơi khó giờ thì ra đường là có cái gì cũng sẵn".

"Có những phố ngày xưa chỉ là ngõ giờ là phố. Ví dụ phố Thanh Hà chứ dân ở đây vẫn quen gọi là ngõ Thanh Hà. Biến từ những người ở cửa sau trở thành người mặt phố".

Cửa ngõ bước vào vùng lõi của đất Hà Thành với 'phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ'

Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn lại của kinh thành xưa, nhắc nhớ về thời kỳ chiến đấu kiên cường trong chiến tranh. Ngày nay, mỗi lần qua cửa ô, người ta thấy xao xuyến không chỉ bởi đây là dấu tích lịch sử mà còn là một danh thắng, một cửa ngõ bước vào vùng lõi của đất Hà Thành với “phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ”.

Qua năm tháng, cửa ô này vẫn vẹn nguyên như trong ký ức của bao cô bé, cậu bé nay đã toan về già. Nếu có điều gì khác đi, thì đó là di tích sạch đẹp hơn khi được người dân nâng niu, gìn giữ. Thành phố ngày nay đã nhiều thêm nhà cao tầng, khu đô thị mới nhưng vẫn có những con phố, những dấu tích cổ kính, rêu phong.

Với người phải rời xa quê hương, ngày trở lại họ sẽ tìm đến những dấu tích như Ô Quan Chưởng để gặp lại một Hà Nội giống trong quá khứ.

Qua cửa là người dân phố cổ, là những người bán hàng rong, gánh thuê, vác mướn

Đi bộ qua cửa ô gần 300 tuổi còn cảm nhận được sức sống mới của Hà Nội từ niềm vui trong bước nhảy chân sáo của các em nhỏ, từ hy vọng buôn may bán đắt của gánh hàng rong ở phía Quảng An hay bên sông Hồng vào phố, từ hạnh phúc của đám cưới nhất định qua cửa ô để mong điềm lành.

Ô Quan Chưởng ngày nay còn kết nối khu phố cổ lên cầu vượt “Hầm thủy cung” sang khu Phúc Tân phía ngoài đê. Tour đi bộ khám phá các di sản văn hóa, nghệ thuật đô thị này, chắc chắn không thể thiếu cửa ô lịch sử, mà ở đó vừa được nghe chuyện quá khứ, vừa thấy được nhịp sống ngày thường và ôm ấp kỳ vọng về tương lai.