PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG LÀ MỘT TRONG NHỮNG NGUỒN GÂY Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ
Kết quả quan trắc hàng năm cho thấy, hơn 30% số ngày quan trắc ở Hà Nội có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu. Hà Nội chủ yếu bị ô nhiễm bụi PM 2.5 và bụi PM10, N02, 03 có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ.
Nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm tại thành phố Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ô nhiễm bụi tập trung tại các khu vực có mật độ giao thông và mật độ dân cư cao. Mức độ ô nhiễm vào mùa đông cao hơn các mùa khác.
Theo bà Lưu Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội), kết quả quan trắc và phân tích mô hình tính toán đã chỉ ra, những nguồn phát thải chính của thành phố Hà Nội gồm: giao thông (tỷ lệ từ 58-74%, bao gồm cả bụi đường, công nghiệp (14-23%) và nguồn nông nghiệp chiếm từ 3,4-18,9%.
Với gần 7 triệu phương tiện xe mô tô, xe gắn máy và 1,1 triệu xe ô tô, khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương lân cận di chuyển hàng ngày, giao thông là nguồn gây ô nhiễm không khí chính của thành phố Hà Nội. Trong đó có nhiều phương tiện đã cũ, nát, quá hạn sử dụng vẫn lưu thông trên đường.
Ông Đậu Quang Huy, Đại diện Hiệp hội xe máy (VAMM) cho biết: “Phương tiện xe máy sau một thời gian dài không bảo trì, bảo dưỡng sẽ khiến chất lượng kỹ thuật phương tiện bị suy giảm, là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí ở thành phố lớn".
Mặc dù, các nhà sản xuất xe máy luôn khuyến khích người sử dụng thực hiện bảo trì, bảo dưỡng định kỳ nhằm đảm bảo tình trạng kỹ thuật, nhưng nhiều người chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, ông Huy cho biết thêm.
SỐ LƯỢNG TRẠM QUAN TRẮC MỎNG, DỮ LIỆU ĐỨT GÃY
Theo thông tin từ Sở Tài Nguyên môi trường Hà Nội, thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu trong đầu tư hệ thống quan trắc chất lượng không khí. Những dữ liệu về chất lượng không khí được tổng hợp, đo lường liên tục và tự động. Chỉ số chất lượng không khí trung bình 24 giờ được công bố trên website moitruongthudo.vn và website cem.gov.vn.
Thành phố Hà Nội hiện có 37 trạm trạm quan trắc trong đó có 1 trạm do Bộ Tài nguyên và môi trường quản lý, 35 trạm do Sở Tài Nguyên và Môi trường quản lý, trong đó có 2 trạm cố định, 32 thiết bị cảm ứng và 1 trạm của ĐSQ Mỹ.
Ngoài ra, thành phố còn tiếp nhận dữ liệu quan trắc chất lượng không khí của một số sơ sở công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội: khu đốt rác phát điện, công ty cổ phần Thép Gia Trung, nhà máy rác Thiên Ý…
Bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài Nguyên và môi trường Hà Nội chia sẻ, hệ thống quan trắc của Hà Nội hiện nay vẫn còn thiếu, dữ liệu chưa đẩy đủ để hỗ trợ thành phố Hà Nội nghiên cứu và xây dựng chính sách.
Từ thực tế thu thập và xử lý dữ liệu quan trắc chất lượng không khí, ông Kim Văn Chinh, Nghiên cứu viên của Trung tâm nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa môi trường, Trường Đại học khoa học tự nhiên Hà Nội cho biết, nguồn dữ liệu đầu vào đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích, đưa ra các giải pháp.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Mạng lưới các điểm quan trắc ở Hà Nội còn mỏng, hiện mới có 4 trạm quan trắc tiêu chuẩn, những trạm còn lại mang tính trạm điện hóa, quan trắc nhanh. Dữ liệu, kết quả quan trắc từ các trạm này cần phải hiệu chuẩn lại khi so sánh với các trạm quan trắc tiêu chuẩn.
Ông Kim Văn Chinh không tránh khỏi lo ngại khi việc thu thập dữ liệu còn bất cập: “Một số trạm quan trắc bị “trắng” dữ liệu lên tới 3-5 tháng, trong đó có Trung tâm quan trắc môi trường ền Bắc (Bộ Tài nguyên và môi trường) bị thiếu dữ liệu rất nhiều. Còn một số trạm quan trắc của Hà Nội, đặt tại 2 điểm mà có mật độ giao thông rất lớn, chủ yếu đánh giá về tác động của giao thông”.
TS Nguyễn Trung Dũng, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Môi trường, hoạt động kỹ thuật của một số trạm quan trắc còn gặp nhiều khó khăn, ngoài số liệu bị mất, dữ liệu không tin cậy (có lỗi về mặt hệ thống). Việc lưu trữ dữ liệu phần lớn lưu dưới dạng giấy hoặc chuyển sang lưu trên hệ thống số với thời gian lưu trong vài chục năm. Nếu chỉ đơn thuần lưu dữ liệu sẽ khó cho công tác hoạch định chính sách.
Do vậy, theo ông Dũng: “Quan trọng là công tác quản lý, xử lý dữ liệu quan trắc để đưa ra những thông tin, xác định xu hướng ô nhiễm. Tuy nhiên, trong 20 năm qua, công tác xử lý thông tin dữ liệu quan trắc của Hà Nội còn rất yếu, thậm chí có thể nói “gần như chưa có gì”.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí, Đơn cử, thành phố đã thực hiện một số nghiên cứu khoa học về xóa bỏ bếp than tổ ong, hạn chế đốt rơm rạ, thí điểm đo kiểm khí thải xe máy, thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, quá trình thực thi còn gặp một số khó khăn.
Theo bà Lê Thanh Thủy, hiện nay, những chính sách và khung pháp lý quy định về ô nhiễm không khí chưa thực sự rõ ràng.
“Ô nhiễm không khí là vấn đề liên vùng, liên tỉnh nhưng hiện nay chưa có cơ chế phối hợp liên vùng, mục tiêu quản lý ô nhiễm không khí chưa được lồng ghép vào mục tiêu chung để phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có một đơn vị chuyên môn, phụ trách riêng đối với vấn đề ô nhiễm không khí, nên nguồn nhân lực về lĩnh vực này còn hạn chế”, bà Thủy nêu ý kiến.
Trong khi đó, việc xử lý vi phạm hành chính cho các hành vi gây ONKK còn khó khăn, chưa thực hiện triệt để, thực hiện thu phí môi trường, xử phạt cưỡng chế các trường hợp vi phạm còn hạn chế, đặc biệt là làng nghề.
Một số ý kiến cho rằng, nhiều người dân thủ đô chưa có ý thức bảo vệ môi trường không khí, hiện vẫn còn nhiều trường hợp đốt rác, đốt chất thải tự phát, trong khi nhiều công trình xây dựng, xe chở vật liệu xây dựng chưa được che chắn cẩn thận…cũng khiến cho chất lượng không khí của thành phố vẫn luôn trong tình trạng ô nhiễm.
Việc cải thiện chất lượng không khí Hà Nội không thể thực hiện trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi nhiều giải pháp, thực hiện đều đặn, kiên trì. Tuy nhiên, trước mắt nhiều người dân Thủ đô mong chờ, thành phố sớm có Hệ thống cảnh báo về chất lượng không khí hàng ngày để người dân có những phương án ứng phó, bảo vệ sức khỏe trong những ngày chất lượng không khí ở mức xấu. Hà Nội có kế hoạch như thế nào để cải thiện chất lượng không khí?
PV VOVGT sẽ tiếp tục đề cập trong phóng sự tiếp theo!