Nhà máy xe lửa Gia Lâm: Dư âm sau đánh thức...

Sau những dấu ấn thành công của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, đặc biệt tại các điểm di sản công nghiệp cũ của Hà Nội đã được “đánh thức”, không ít người gửi gắm mong muốn được thấy không gian những di sản này được hoạt động trở lại.

Bộ hành qua phố hôm nay là hành trình tìm lại dư âm rộn ràng còn sót lại của những ngày lễ hội tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm với hy vọng, sắp tới, nơi đây sẽ là một không gian mới, thật khác…

Nhà máy xe lửa Gia Lâm từng được coi là biểu tượng của ngành đường sắt Việt Nam và là công xưởng hiện đại có quy mô rộng nhất trong các cơ sở công nghiệp của Đường sắt Việt Nam một thời. Trải qua gần 120 năm, nhà máy xe lửa Gia Lâm là công trình công nghiệp có lịch sử lâu đời và tồn tại đến ngày nay.

Tuy nhiên, sau thời hoàng kim vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, hiện nay, nhà máy nằm trong diện phải di dời khỏi khu vực nội đô và hầu như toàn bộ không gian nhà máy xe lửa Gia Lâm rộng hơn 20ha đã không còn hoạt động.

Khu vực bao quanh nhà máy trên các con phố Ngọc Lâm, Gia Quất…với những cánh cổng, tường rào hoen gỉ và vắng lặng đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong mắt người dân nhiều năm nay.

Nhà máy xe lửa Gia Lâm từng được coi là biểu tượng của ngành đường sắt Việt Nam (Ảnh: Vũ Loan/VOVGT)

Cho tới khi 10 ngày lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 được diễn ra, một không gian rất khác đã bao trùm lên di sản này cũng như khu vực xung quanh. Đó là sự phong quang, sạch sẽ, sáng bừng lên từ vỉa hè cho đến đường phố, từ phía ngoài nhà máy, nhà ga, cho tới khu vực bên trong…

"Mình nhìn thấy có bức tranh vẽ đường tàu ấy, đẹp cực kỳ, đi sâu như thật luôn, công nhận đẹp".

"Áo dài, mặc váy này, trông hoành tráng và đẹp lắm, toàn các bà bên HN mặc đẹp lắm".

"Trẻ con người lớn đông không thể chịu được, nhất là trẻ con, mấy khi được như thế".

"Thấy nó sạch sẽ quang hơn, mặt bằng được đầu tư đẹp hơn".

Ảnh: Vũ Loan/VOVGT

Sau những ấn tượng và thành công từ Lễ hội, các không gian di sản đã để không nhiều năm qua được đánh thức. Tuy nhiên, không ai mong muốn không gian này vừa thức dậy đã lại tiếp tục “ngủ yên”. Quanh nhà máy xe lửa Gia Lâm sau Lễ hội, đường phố và mọi sinh hoạt của ngoài dân đã quay trở lại nhịp sống bình thường.

Cánh cổng nhà máy đã khép lại, sắc màu rực rỡ của các pano, áp phích cả bên trong và bên ngoài khu nhà máy đều đã được tháo gỡ gần hết, chỉ còn trong khu nhà ga Gia Lâm vẫn còn sót lại  một vài khu vực được trang trí.

Không gian các phố bao quanh nhà máy có sự khác biệt đáng kể giữa trước và sau lễ hội, nên không ít người dân sinh sống quanh đây lo ngại, và tiếc nuối nếu như khu vực nhà máy xe lửa Gia Lâm lại tiếp tục để không như bao năm qua:

"Những cái kiot này để không rất là phí, nó hôi hám, hỏng tường, hỏng nhà, chỉ có dọn dẹp sạch sẽ thì mới có người ra vào, mở lễ hội thì người ta dọn dẹp cũng có khí thế hơn, khi sử dụng lên thì nó đông đúc dân cư hơn, tạo công ăn việc làm cho những người khó khăn".

Ảnh: Vũ Loan/VOVGT

Sự tồn tại lặng lẽ của Nhà máy xe lửa Gia Lâm nhiều năm qua đã được mọi người biết và chú ý đến sau 10 ngày diễn ra lễ hội. Ít nhiều, nó cũng gợi nhắc cho các thế hệ về sự phát triển, vận động không ngừng của thời gian và lịch sử…Nhất là khi ở Hà Nội ngày càng ít những không gian đủ an toàn và rộng mở dành cho thế hệ trẻ vui chơi:

"Những ngày lễ hội như thế, người ta trang trí, trẻ con nó thấy hào hứng , kể cả bọn trẻ, kể cả như mình, chủ yếu cho trẻ con đi chơi nó được thoải mái đầu óc của nó, nó phải được vui, được thích thì mới gọi là đi chơi.

Đơn giản như người ta cho con đi xe điện trong công viên cũng 80 nghìn/tiếng, đây giờ được đi chơi, đi tàu đi bè cả ngày , đi ăn đi chơi còn thú vị hơn nhiều, mắt nó nhìn xa trông rộng được, trẻ con nó thích chứ, mà lại an toàn. Chính ra bây giờ phải sáng tạo ra nhiều chỗ chơi phục vụ chủ yếu cho trẻ con và giới trẻ".

Âm thanh của những đầu máy hơi nước hay những chuyến tàu xình xịch vào ga ở nhà máy xe lửa Gia Lâm vẫn luôn là âm thanh thú vị đối với cả các thế hệ sau này. Nơi đây chắc chắn sẽ là điểm muốn đến của rất nhiều người bởi  vẫn lưu giữ được hình ảnh, lưu giữ được cả những âm thanh và công năng đầu mối giao thông trọng yếu của ngành đường sắt Việt Nam một thời.