Nhà hộ sinh

Sinh nở là việc hệ trọng của mọi gia đình và theo sự phát triển của xã hội, ngày nay, phần lớn người dân Hà Nội lựa chọn sinh con tại các bệnh viện với cơ sở vật chất và nhân lực đảm bảo. Sự thay đổi rõ rệt này khiến cho các Nhà hộ sinh dần vắng bóng sản phụ.

Dạo qua phố Ngô Quyền hay Lò Đúc, biển tên Nhà Hộ Sinh gợi lại nhiều ký ức thân thương cho các thế hệ người từ 8X trở về trước phần lớn được sinh ra tại đây, và ngược lại, chính biển tên này cũng gây lạ lẫm, tò mò với những thế hệ trẻ được sinh ra tại các bệnh viện phụ sản. 

"Cái thời đấy bọn cô toàn sang hộ sinh, thời ấy không hiểu sao dễ đẻ lắm, đẻ rơi đẻ rụng chứ có khó khăn như bây giờ đâu. Cô còn có kỷ niệm không bao giờ quên được, đó là cô đau quá nên cô đạp chân, đầu cô chui vào cái giường gấp, bao nhiêu bác sĩ ra lôi không ra được, bảo gọi thợ đến để cưa vì cô đau quá rồi. May quá, đúng lúc ấy có 1 bà già bà ấy bình tĩnh ra lựa rút được đầu cô ra.

Đó là kỷ niệm không bao giờ quên được. Các bác sĩ thời đấy thích lắm, người ta sống kiểu thương mình ấy, mà họ chăm chút lắm, mình đau đớn người ta cũng động viên mình, cô chui vào cái giường ấy mà họ cũng chẳng cáu gì cả, dù loay hoay mãi chẳng lấy ra được mà họ không hề cáu tí nào.

Thời đấy rất yên tâm về bác sĩ, người ta đỡ đẻ rất tốt, mấy bà già cô vẫn nhớ bà Lan, bà Dậu, bà Phượng,..họ sống thời xưa khác lắm, tình người lắm..."

Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Dần, 63 tuổi về nhà hộ sinh B trên phố Lò Đúc hiện nay – với tên gọi thân thuộc với rất nhiều thế hệ người Hà Nội là Cây đa nhà Bò, dường như có thể kể cả ngày cũng không hết.

Ảnh: Phạm Lợi

Bởi với bà Dần và nhiều người đã từng đến sinh tại đây, nhà hộ sinh là nơi lưu dấu khoảnh khắc thiêng liêng nhất của người mẹ, trong sự an toàn và ân cần chăm sóc của những hộ sinh, bác sĩ. Nên dù đã ở cái tuổi ngoài 60, đã từng sinh nhiều lần nhưng tên của từng hộ sinh, bác sĩ mỗi thời đều được bà Dần và mọi người kể ra không chút ngập ngừng.

Sau 1954, cả 4 khu phố nội thành gồm Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa đều có nhà hộ sinh riêng. Theo lời kể của ông Phạm Lợi, 72 tuổi, những người được ghi trên lý lịch khai sinh tại Nhà hộ sinh A một thời là tự hào vô cùng:

"Thời xưa không như bây giờ, xưa anh nào ở quận nào thì vào nhà hộ sinh quận ấy thôi chứ bây giờ thích chọn bệnh viện nào chả được, tất cả cư dân Hoàn Kiếm thì vào nhà hộ sinh A ở phố Ngô Quyền. Nhà hộ sinh A được ca ngợi lắm, tinh thần phục vụ, chuyên môn các thứ. Ngày xưa mà được đẻ ở hộ sinh A là nhất rồi. Chứng tỏ mình là dân phố cổ, quận hoàn kiếm, tự hào lắm chứ, tôi là công dân phố cổ quận HK, những người chỗ khác nhìn vào đấy chỉ là mơ. Chứ không như bây giờ…."

Sau những câu chuyện đầy hào hứng là sự tiếc nuối đọng lại trong lời kể của bà Dần, ông Lợi khi cái tên nhà hộ sinh dần trở nên lạ lẫm với các thế hệ sau và lối qua nhà hộ sinh dần vắng bóng các sản phụ và tiếng khóc con trẻ chào đời.

"Cô tiếc từ lâu rồi, tiếc từ khi sửa xong, cô hỏi thăm thấy vắng người là đã tiếc, đã buồn rồi,  cây đa nhà bò quá nhiều kỷ niệm thời các cô, rất đông bạn bè, trong khu này hàng xóm láng tỏi toàn sinh ở đấy thôi, đi học con nhà cô nó bảo khai sinh toàn ghi là nơi sinh hộ sinh B".

"Cảm giác họ cứ thích lên viện C nó yên tâm hơn, lên viện C thì không có chỗ mà ngồi, bác rất tiếc, mà trong này thì cứ mát rượi ra. mọi người không tận dụng cho viện C trên kia giãn người ra, lắm lúc cũng tự hỏi vào sạch sẽ, bóng loáng lên, bác sĩ cứ ngồi, không có bệnh nhân thì biết làm thế nào".

"Bây giờ thì vắng hoe, vẫn có đỡ đẻ, khám hiếm muộn luôn, có những người ở xa về vẫn vào khám".

Ảnh: Phạm Lợi

“Không khéo sau này chả còn ai biết nhà hộ sinh” -  Đó là câu nói chất chứa cả những tiếc nuối mơ hồ của một thế hệ đã có sự gắn bó đặc biệt với Nhà hộ sinh như thế. Thậm chí, hiện nay còn có nhiều hội nhóm những người từng được sinh ra tại các nhà hộ sinh A và B của HN được thành lập, để ôn lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ của đời người khi được sinh và khai sinh tại đây.

Và bây giờ, dẫu qua phố Ngô Quyền, Lò Đúc rất tấp nập và san sát hàng quán,  bạn vẫn có thể nhìn thấy ngay bảng tên Nhà Hộ Sinh, bạn sẽ không vội bước qua nhanh nữa, bởi bạn biết, chỉ cần dừng lại một chút thôi, sẽ có rất nhiều câu chuyện hay bạn được nghe kể về nơi này.