Nhà có nóc

“Con hơn cha là nhà có nóc” là một câu tục ngữ rất quen thuộc. Tuy nhiên, “nóc nhà” hay “nhà có nóc” trong thời buổi internet 4.0 hiện nay lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác quan hệ cha mẹ và con cái. Vậy “nóc nhà” hiện tại được hiểu là gì?

"Vay 200 triệu à? Việc này anh không tự quyết được đâu, phải về hỏi ý kiến “nóc nhà” đã, thông cảm nhé?"

"Em đồng ý về làm nóc nhà anh nhé?!"

“Nhà cao 1m7 nhưng nóc nhà lại chỉ cao có 1m5” – câu mô tả nghe có vẻ phi lý này lại thể hiện một hiện thực mới. Vượt qua ý nghĩa cha mẹ - con cái, hay các vấn đề đạo đức thông thường, “nhà có nóc” trong thời buổi hiện tại được hiểu là người đàn ông đã có gia đình, nói cách khác là trai có vợ.  

Nói chính xác, thì “nóc nhà” chính là… cô vợ. Hoặc cũng có thể là ám chỉ cô bạn gái, nhưng đã ở trong một mối quan hệ rất thân thiện, có khả năng dẫn đến kết hôn.

Từ “nóc nhà” được dùng để ám chỉ mối quan hệ nam nữ này có thể đã được sử dụng trong cuộc sống đời thường từ trước, nhưng bắt đầu được dùng phổ biến từ năm 2020.

Đó là sau chương trình Rap Việt mùa 1, khi nam rapper MCK trong một ca khúc Giàu vì bạn – Sang vì vợ, đã dùng một cụm từ punch line “nhà nào mà chả có mái”.

Và sau chương trình, cụm từ “nóc nhà” đã trở thành câu đầu môi của rất nhiều anh con trai, khi nói về tình trạng relationship – mối quan hệ nam nữ của mình.

Ảnh nh họa: NQP

Trước đây, người đàn ông thường được coi là trụ cột của gia đình, là người gánh vác vấn đề tài chính để duy trì cuộc sống ổn định trong gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, người phụ nữ cũng ra ngoài đi làm, thậm chí thu nhập không hề thua kém đàn ông.

Bởi vậy, mô hình nhà 2 cột cũng đã được đề cập nhiều, nhằm nói về sự bình đẳng của người chồng và người vợ trong một mối quan hệ hôn nhân. Đàn ông hay phụ nữ hiện đại đều có đầy đủ khả năng sống độc lập, đảm bảo vấn đề tài chính cá nhân.

Và khi kết hôn, sẽ không còn chuyện đàn ông phải bươn trải lo kiếm tiền nuôi gia đình, còn người phụ nữ ở nhà sấp mặt lo nhà cửa, con cái, bếp núc,… Khi mỗi người đều có sự nghiệp riêng, thì sự phân chia trách nhiệm gia đình cũng đã linh hoạt hơn.

Và vai trò, tiếng nói của người chồng – người vợ trong gia đình cũng đã cân bằng hơn. Không dừng lại ở chuyện nhà 2 cột, khi nói nhà có nóc, tức là các anh con trai – đàn ông, đã xác định mình sẽ ràng buộc với một người phụ nữ.

Và trái với tư tưởng trọng nam khinh nữ trước đây, xem nhẹ phụ nữ, trong môi trường “nhà có nóc”, ý kiến của người phụ nữ, bạn gái – người vợ, sẽ được tôn trọng hơn.

Thậm chí, từ “nhà có nóc” còn ám chỉ việc những người đàn ông hiện đại có xu hướng “đội vợ lên đầu”, hay nói cách khác là… sợ vợ. “Đội vợ lên đầu trường sinh bất tử” cũng là một câu nói vui khác hay được dùng là có ý nghĩa như vậy.