Nguyên nhân nào dẫn tới những vụ tai nạn thương tâm trên cầu Vĩnh Tuy?

Kể từ khi cầu Vĩnh Tuy, Hà Nội hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng đã tăng cường khả năng lưu thông và kết nối 2 bên bờ sông Hồng. Bên cạnh những thuận lợi, cũng xuất hiện những vụ tai nạn dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Điển hình như vào chiều 28/12 vừa qua, một người đàn ông điều khiển xe máy hướng từ Minh Khai đi Long Biên, trong làn xe máy đã tự ngã và tử vong tại chỗ. Từ vụ việc này PV VOV Giao thông đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tá Trần Như Thanh, cán bộ Đội CSGT đường bộ số 5 – Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội).

PVPhóng viên: Rất cảm ơn đồng chí đã tham ra cuộc trò chuyện ngày hôm nay của VOV Giao thông! Xin đồng chí cho biết, thực tế qua điều tra, xử lý, giải quyết những vụ tai nạn xảy ra trên cầu Vĩnh Tuy, đồng chí có đánh giá gì về nguyên nhân dẫn đến tai nạn?

Thiếu tá Trần Như Thanh: Thực tế trong công tác điều tra, xử lý giải quyết vụ tai nạn giao thông trên mặt cầu Vĩnh Tuy thuộc địa phận quản lý của Đội CSGT đường bộ số 5, phòng CSGT thì tai nạn chủ yếu xảy ra đối với làn xe mô tô, ở trên mặt cầu.

Các lỗi dẫn đến tai nạn thì thông thường là một số lỗi như không làm chủ tốc độ, không làm chủ tay lái và không giữ khoảng cách an toàn giữa các phương tiện lưu thông cùng chiều.  

Nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc đã xảy ra trên cầu Vĩnh Tuy

PV: Ngoài nguyên nhân trên, theo đồng chí còn nguyên nhân nào khác dẫn tới tai nạn đáng tiếc trên cầu Vĩnh Tuy?

Thiếu tá Trần Như Thanh: Trên lan can bằng thép, phía bên phải theo chiều đi, bên thành cầu ý được bố trí bằng thép, kim loại. Trên đó bố trí các trụ bằng thép diện 20x20cm, vuông thành, sắc cạnh và có hõm vì vậy khi người tham gia giao thông trong quá trình lỡ không may xảy ra va chạm giao thông, va chạm, mắc.

Đặc biệt theo bên phải chiều đi mà người bản thân người đó bị mắc vào lan can vào thành cầu bên tay phải gây ra nguy hiểm, cơ thể họ mắc vào cái hõm của trụ cầu đấy. Mắc vào đó xong dựt, đâm va gây thương tích rất nặng.

Nhiều trường hợp bị mắc cánh tay, phần chân, phần đùi, bả vai,.. trong đó đa phần chuyển sang bệnh viện Việt Đức để các bác sĩ tiến hành phẫu thuật. Còn ví dụ như phần đầu mà bị đập vào trụ hình vuông nhô lên thành cầu đấy gây ra chấn thương phần đầu nặng và nhiều trường hợp đã tử vong tại hiện trường.

PV: Hiện nay ở cả 2 bên đầu cầu Vĩnh Tuy đều có biển báo tốc độ tối đa cho phép, đối với ô tô là 60km/h còn xe mô tô là 40km/h, theo đồng chí tốc độ tối đa này đã phù hợp với thực tế chưa?

Thiếu tá Trần Như Thanh: Thưa anh là, tốc độ 40km/h đối với xe mô tô ở trên mặt cầu Vĩnh Tuy theo tôi nghĩ không cần phải điều chỉnh. Cái điều chỉnh ở đây là về ý thức người tham gia giao thông, mọi người nên chủ động trong quá trình điều khiển phương tiện làm chủ tay lái, làm chủ phương tiện, tốc độ và chú ý quan sát. Vì làn trong xe máy lượng phương tiện đông, dày đặc, chỉ cần một sự mất tập trung, thiếu quan sát gây va chạm.

PV: Để giải quyết những nguyên nhân dẫn đến tai nạn đáng tiếc trên cầu Vĩnh Tuy, đồng chí có đưa ra phương nào?

Thiếu tá Trần Như Thanh: Thứ nhất, cũng nhờ các cơ quan báo chí, phát thanh, tuyên truyền hơn nữa cho người dân nắm được luật giao thông và chấp hành luật giao thông và chú ý khi đến mặt cầu Vĩnh Tuy đó, trong cái làn mô tô đường hẹp, lượng xe mô tô tập trung đi rất đông vì vậy thiếu chú ý quan sát, thiếu tập trung dẫn đến tai nạn cùng chiều.

Thứ hai, về cái hành lang bằng thép bên phải theo chiều đi của cầu Vĩnh Tuy thì được dóng các trụ bằng thép hình vuông đó rất nguy hiểm khi mà người tham gia giao thông bị tai nạn, bị đâm va vào đó cơ thể mắc ở đó kèm theo chấn thương nặng.

Thông thường các cầu vượt trong nội thành các hành lang họ bố trí bằng các thanh thép phi hình tròn, kéo dài, người dân họ mất thăng bằng va vào thành cầu đó thì người ta không bị gờ cái lan cầu giữ lại, sẽ giảm thiểu được thương tích cho người dân.

Các trụ thép bên lan can cầu là một phần nguyên nhân

PV: Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện này, đồng chí có khuyến cáo gì tới người dân để đảm bảo an toàn khi lưu thông qua cây cầu Vĩnh Tuy nói riêng và các cung đường khác nói chung?

Thiếu tá Trần Như Thanh: Những vụ tai nạn nghiêm trọng dẫn đến nạn nhân tử vong, khi đến hiện trường cũng để lại trong tôi nhiều suy nghĩ, thứ nhất là về cái thương tích của nạn nhân họ nằm trên hiện trường, thứ 2 trách nhiệm của mình trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông bản thân cũng nâng cao lên.

Tôi xin khuyến cáo mọi người tham gia giao thông trên đường, chấp hành luật giao thông, khi điều khiển phương tiện tập chung hoàn toàn vào điều khiển phương tiện. Chú ý quan sát, làm chủ tốc độ và không được sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện cộng các việc riêng khác.

Và một điều nữa tôi cũng khuyến cáo người tham gia giao thông, đặc biệt lưu thông bằng xe mô tô người tham gia giao thông nên sử dụng mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn an toàn đúng quy định, trong trường hợp xảy ra va chạm mũ đó rất tốt để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông. Ngoài ra, người tham gia giao thông tuân thủ đúng tốc độ theo quy định khi lưu thông trên đường.

PV: Một lần nữa xin cảm ơn Thiếu tá Trần Như Thanh – Cán bộ Đội CSGT đường bộ số 5 – Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội, tại cuộc trò chuyện này đồng chí đã chia sẻ rất rõ nguyên nhân dẫn tới tai nạn thương tâm trên cầu Vĩnh Tuy và đưa ra phương án khắc phục. Xin cảm ơn đồng chí!

Thiếu tá Trần Như Thanh: Trước khi kết thúc buổi trò chuyện tôi xin gửi lời chúc tới mọi người tham gia giao thông, các bác tài tham gia giao thông được đảm bảo an toàn! Xin chúc mọi người lái xe an toàn!

Khuyến cáo mọi người tham gia giao thông trên đường, chấp hành luật giao thông, khi điều khiển phương tiện tập chung hoàn toàn vào điều khiển phương tiện. Chú ý quan sát, làm chủ tốc độ và khôgn được sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện cộng các việc riêng khác.

Qua cuộc trò chuyện vừa rồi chúng ta đã phần nào hiểu được nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tâm trên cầu Vĩnh Tuy.

Trong lúc chờ các cơ quan chức năng có phương án, người tham gia giao thông hãy tuân thủ nghiêm quy định của luật giao thông đường bộ, đi đúng phần đường, làn đường, tốc độ cho phép; khi điều khiển phương tiện cần tập trung, không sử dụng điện thoại; sử dụng loại mũ bảo hiểm đạt chuẩn,…để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân mình và những người tham gia giao thông khác!