Nguyễn Kim Thuỳ, lan toả tinh thần khởi nghiệp

Không chỉ khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước, các sản phẩm từ cá thát lát của HTX Kỳ Như đã và đang vươn tầm, chinh phục những thị trường lớn. Trong đó, chị Nguyễn Kim Thuỳ, giám đốc HTX là một trong những người làm rạng danh cá thát lát Hậu Giang từ các sản phẩm sạch, an toàn.

 

HTX Kỳ Như sản xuất khoảng 20 loại sản phẩm từ cá thát lát

Hành trình chị biết đến và gắn bó với cá thát lát như thế nào, thưa chị?

Lúc đầu khó khăn lắm. Đầu tiên, người dân mình chưa biết kỹ thuật cao, nuôi thì tỷ lệ hao hụt nhiều lắm. Nuôi cá thát lát năm nay chị ngót nghét cũng 18 năm kể từ khi biết nuôi lần đầu tiên. Lần đầu tiên chị được một người bạn chỉ chị cách làm con giống, con bố mẹ, tiếp đó chị làm bố mẹ.

Lúc đó, mua cá để bán thôi, mua cá bán chợ Bình Điền thôi. Chị đi bán cá rô, cá lóc, không có kinh nghiệm chị cũng lỗ hoài. Cuối cùng chị quay qua chế biến cá thát lát, khi chế biến cũng lên bờ xuống ruộng, lúc thời gian đầu cũng lỗ không hà. Bị mình chưa có thị trường, đầu tư bao bì rồi phân tích mẫu.

PV: Việc khởi nghiệp đối với người trẻ được xem là một thử thách, thậm chí phải đối mặt với những lần thất bại. Đối với chị như thế nào?

Đầu tiên chị nuôi con cá trê lai là chị mới ưng ông xã chị có năm trước là năm sau chị qua nghề nuôi cá tới bây giờ luôn. Năm đầu tiên, chị cũng không có vốn nữa, vay bằng khoán của ông nội chồng, vay được 2,5 triệu. Khi thu hoạch cá là chị bán gần 6 triệu. Thành ra thu hoạch cá đợt đầu tiên là chị trả tiền vay hết. Chị lấy vốn đó, chị mới nhồi vốn lên chị nuôi. Chị nuôi thì được 5-6 năm gì đó, chị nuôi lớn. Nuôi lớn thì năm đó chị thất bại, trắng tay luôn, không còn lời đồng nào hết trơn.

Năng lực cung ứng của HTX như thế nào chị?

Hiện tại khả năng cung ứng của chị 1.000 tấn, nhưng chị chế biến chưa hết, chị vẫn còn bán cho các đơn vị khác. Có những thời điểm mình lời, có những thời điểm mình phá huề, tại hợp đồng giá cho bà con có lời, còn công ty thì mua theo giá thị trường.

Không phải con cá thát lát ai cũng chăn nuôi có hiệu quả, có những người cũng phá sản vì con cá thát lát nhưng được cái may mắn là chị làm theo cái chuỗi.

Cá thát lát là sản phẩm đặc trưng của Hậu Giang, việc tạo dựng hình ảnh, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng lúc đầu gặp phải những khó khăn gì thưa chị?

Việc giới thiệu sản phẩm lúc đầu cũng gặp khó khăn nhưng mà chị cũng kiên trì. Chị có suy nghĩ là không có việc gì là suôn sẻ hết. Ông bà ta cũng có cái câu là “vạn sự khởi đầu nan”. Chị lấy cái câu đó chị làm hành trang để xây dựng thương hiệu và tên tuổi của mình.

Lúc đầu cũng gian nan lắm, nhiều người chưa biết sản phẩm thì mình phải giới thiệu, tư vấn, cách chế biến, cách dùng như thế nào để cho con cá nó ngon hơn thì những lần đi xúc tiến, chị cũng hăng hái tham gia.

Nói chung đi toàn là lỗ không hà, không có lời. Nhưng được cái là làm con giống có lời. Có lời thì đắp qua thời gian đầu. Cân bằng được hai cái đó thì mới duy trì được tới ngày hôm nay.

Cảm ơn chị với những chia sẻ vừa rồi.

Sản phẩm cá thát lát đạt chuẩn OCOP 4 sao.

"Nếu mà con cá thát lát của Hậu Giang nếu mà được quảng bá thương hiệu lên, được sản xuất ở nước ngoài, hút hàng lên cho con cá phát triển lên nhiều nữa thì tụi tui gắn bó với nó lắm luôn".

"Quy hoạch lại, mở rộng diện tích, liên kết để cho đầu ra ổn định".

Luôn tay sản xuất trong không khí hối hả là những gì chúng tôi cảm nhận khi đến thăm HTX Kỳ Như ở huyện Phụng Hiệp vào những ngày này. Dẫn chúng tôi tham quan nhà xưởng, bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như cho biết, đơn vị đang sở hữu khoảng 16ha diện tích nuôi trồng thủy sản, cho sản lượng 1.000 tấn/năm.

Bà Thùy quan niệm, việc nuôi cá thát lát dù mô hình nhỏ hay lớn cũng phải áp dụng quy trình sạch. Điều này sẽ giúp thịt cá luôn đảm bảo chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng cá thát lát thế mạnh của Hậu Giang.

"Sản xuất mô hình nhỏ hoặc lớn mình phải áp dụng theo quy trình sạch, để mình có nhiều sản phẩm sạch, cái đó mới đủ, đáp ứng cho thị trường lớn và cái đó là thế mạnh của địa phương mình. Bản thân HTX ngành thủy sản cũng muốn định hướng đến bà con mình làm sao hiểu được sản phẩm sạch như thế nào sẽ đồng hành với HTX để phát triển vấn đề này".

Đến nay, bà Thùy đã nghiên cứu, sản xuất khoảng 20 loại sản phẩm chế biến khác nhau từ cá thát lát. Trong đó, có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao. Chính nhờ sự tận tâm, hết lòng đó mà “tiếng lành đồn xa”, chất lượng các sản phẩm của HTX Kỳ Như đã vươn ra thị trường Mỹ.

Trước đó, đơn vị cũng từng cung ứng sản phẩm cho đại lý tại Lào. Mỗi đơn hàng được xuất đi thành công, không chỉ mang về ngoại tệ cho địa phương, đất nước mà xa hơn là giúp bà con nông dân vững tin với ngành nghề của mình. Từ đó, làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất sạch và an toàn.

"Nếu mà mình muốn gây dựng thương hiệu, chữ tín mình đặt lên hàng đầu. Một phút lơ là, em giảm chất lượng mà trong khi đó, em muốn giữ lợi nhuận, bảo toàn lợi nhuận thì không thể nào giữ được chất lượng, thương hiệu của mình. Chị có suy nghĩ như vậy, chẳng thà chị lỗ, chẳng thà chị rút ra chứ không có bán sản phẩm mà hạ chất lượng".

Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh đưa hình ảnh cá thát lát Hậu Giang vươn xa thông qua các sản phẩm chế biến thì từ năm 2019 đến nay, bà Thùy thường xuyên đóng góp kinh phí thực hiện các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh như: tặng quà cho hộ nghèo, trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật; hỗ trợ tiền, gạo cho bếp ăn tình thương…

Trải qua bao thăng trầm, đến nay, HTX Kỳ Như đã có nhiều thành tích được các Bộ ngành, Trung ương và địa phương ghi nhận. Mới đây, bà Nguyễn Kim Thùy được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2024. Phần thưởng và ghi nhận lớn nhất chính là sự tin tưởng và yêu mến của người tiêu dùng, là bảo chứng mạnh mẽ cho hướng đi của HTX, tạo động lực mới cho hành trình đưa cá thát lát Hậu Giang từ sông quê vươn tầm ra biển lớn.