Người truyền cảm hứng khởi nghiệp cho phụ nữ nông thôn

Mong muốn mang đến những sản phẩm chất lượng, an toàn cho sức khỏe người sử dụng, chị Nguyễn Thu Thủy, ngụ xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã khởi nghiệp với cây chùm ngây.

 Là một phụ nữ nông thôn đam mê học hỏi và tiếp thu công nghệ, chị tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Để có được sản phẩm sạch, an toàn và người tiêu dùng đánh giá cao, chị gọi đó là “một hành trình”.

Xuất thân trong một gia đình thuần nông, chị Nguyễn Thu Thủy không nghĩ rằng sẽ có một ngày mình chuyển hướng sang khởi nghiệp với cây chùm ngây. 17 năm chuyên canh quýt hồng trên 4 công đất nhà và cũng từng ấy thời gian chị Nguyễn Thu Thủy và nhiều nhà vườn vẫn thường xuyên sử dụng phân bón hóa học.

Chính vì điều này khiến chị luôn trăn trở phải làm sao mang đến sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

Vườn chùm ngây của chị Thủy được trồng theo hướng hữu cơ, an toàn cho người sử dụng - Ảnh baodongthap

PV: Chào chị Thu Thủy! Từ khi trồng quýt chuyển qua trồng chùm ngây, chị đổi mới và thích ứng ra sao với loại cây trồng tương đối mới ở Đồng Tháp ạ?

Chị Nguyễn Thu Thủy: Vì không có nhiều kiến thức về ươm trồng chum ngây nên có rất nhiều khó khăn đối với chị. Ban đầu, chị ươm 1 ký hạt chỉ nảy mầm được 10 cây, lần thứ 2 ươm 1 ký hạt chị đã thành công khi nảy được 1.000 cây. Khi đi nghiên cứu, thử mẫu cây xong, thấy chúng tốt giúp ích cho các loại bệnh nên về nhà đã bồi bổ cho mẹ trước và mẹ chị đã khỏe hơn những người bạn lân cận.

Chị đang liên kết với huyện và xã để cho các hộ nông dân nào có đất để đưa giống cho họ trồng, đồng thời cũng bảo hộ giống không bị trôi lạc và giúp ích cho nông dân có công việc làm đó em. Sản phẩm hồi mới đem ra bán chị để trong cái bịch nhưng nhìn nó thô sơ quá, không đẹp nên người ta mới góp ý cho chị và chị mới cải tiến để trong cái hộp cho đẹp.

PV: Hiện tại chị có hỗ trợ kỹ thuật trồng chum ngây cho người dân địa phương không ạ?

Chị Nguyễn Thu Thủy: Có em, nhưng mà bà con mình đôi lúc vẫn thích kiểu nhanh gọn, mì ăn liền. Nên chị hay thuê đất để mở rộng diện tích còn trồng trên đất bà con thì người ta có xen canh với loại cây khác, ảnh hưởng đến cây chùm ngây nó không đạt năng suất cao được. Trồng chùm ngây khoảng cách mỗi cây là 1 mét.

Sau khoảng 18 tháng trồng là có thể thu hoạch lá non để chế biến trà chùm ngây. Điều rất đặc biệt là thời gian thu hoạch lá chỉ từ 7 đến 9 giờ sáng là thời điểm sương còn đọng trên lá chùm ngây là tốt nhất. Lá hái chùm ngây xong phải chuyển ngay vào kho lạnh mà không phải rửa sạch bằng nước.

Ban đầu chị chỉ phơi sấy lá chùm ngây bằng phương pháp thủ công, sau đó đã chuyển sang sấy bằng máy móc công nghiệp để có được sản phẩm lá chùm ngây sấy khô; trà chùm ngây túi lọc đảm bảo

PV: Chị có lời khuyên nào cho bà con khi bắt đầu thực hiện một mô hình mới như chum ngây ạ?

Chị Nguyễn Thu Thủy: Có em, bà con cứ học hỏi và thử nghiệm, đừng nóng vội hay ồ ạt chuyển đổi khi chưa tìm hiểu. Nên tìm hiểu về nông nghiệp hiện đại, không dung thuốc hóa học, vì dung thuốc hóa học chỉ có tự mình hại mình thôi. Đất mà bị phun thuốc quá nhiều thì nó sẽ không còn chất dinh dưỡng nữa.

Khởi nghiệp và nhất là khởi nghiệp với nông nghiệp chưa bao giờ là con đường dễ dàng, chúng ta nên đi từng bước, chị luôn sẵn sàng hỗ trợ bà con.

PV: Với các chị em phụ nữ nông thôn, chị Thủy có nhắn nhủ hay chia sẻ gì với các chị em khi quyết định khởi nghiệp vậy chị?

Chị Nguyễn Thu Thủy: Mình làm gì cũng xuất phát từ đam mê, khó khăn ban đầu thì chắc chắn có rồi, nhưng chị em đừng bỏ cuộc.

Mình phải làm đúng với những gì mình muốn, đừng thấy người ta làm cái đó rồi mình làm theo dù mình không thích thì như vậy sẽ rất khó khăn.

Chị Nguyễn Thu Thủy - Ảnh Danviet

Đều đặn mỗi ngày chị có thói quen dậy sớm để làm việc và thăm vườn chùm ngây. Đằm thắm trong chiếc áo bà ba, chị là người phụ nữ Nam Bộ chân chất, luôn quý mến công nhân lao động và lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ “bí quyết” chinh phục cây chùm ngây cho bà con quan tâm mô hình.

Theo lời kể của chị thì chùm ngây có khá nhiều nơi cung cấp giống khác nhau, tuy nhiên chị chọn mua hạt chùm ngây có xuất xứ từ Ấn Độ về trồng trên toàn bộ diện tích của mình với cách chăm sóc rất đặc biệt. Riêng nguồn phân hữu cơ để bón cho 7.000 cây chùm ngây gồm trùn quế, phân gà, bò, vịt, heo, dơi… được chị pha chế thành dung dịch loãng với công thức riêng để bón.

"Biết Thủy đã 8 năm rồi, thấy cái cách chị ấy làm và dành tâm huyết cho sản phẩm làm chị cũng đam mê theo, cũng học hỏi để làm theo Thủy".         

"Sản phẩm không dung thuốc bảo vệ thực vật thì dung yên tâm với lại chị Thủy lúc nào cũng yêu quý anh chị em làm chung hết, mỗi tháng thu nhập ở công ty cũng đủ giúp tôi nuôi sống gia đình".

Từ những khách hàng đầu tiên, đến nay sản phẩm của cơ sở đã phân phối khắp trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, thông qua các chương trình hội chợ khởi nghiệp do Đồng Tháp tổ chức, sản phẩm từ chùm ngây của chị được nhiều người biết và tin dùng nhiều hơn. Phó Chủ tịch UBND Xã Phú Hựu cho biết:

"Đây là loại cây mới, hiệu quả tại địa phương. Cây chùm ngây của chị Thủy được chọn để làm sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của xã theo hướng chỉ đạo của tỉnh Mỗi xã, phường một sản phẩm-OCOP".

Với giá bán hiện nay là 350.000 đồng/kg rễ chùm ngây; 2.000 đồng/hạt chùm ngây; 3.000 đồng/túi lọc trà chùm ngây; 300.000- 500.000/chai rượu chùm ngây (tùy thể tích), mỗi năm chị Thủy có nguồn lãi từ 1- 1,2 tỷ đồng sau khi trừ hết chi phí đầu tư.