Người thợ khắc dấu

Rất nhiều thứ thú vị lọt vào tầm mắt của bộ hành khi dạo bước trên những vỉa hè phố cổ Hà Nội. Đó có thể là một di tích, một thứ hàng hóa đặc trưng, một mái nhà, hay một cửa tiệm nhỏ xinh của người thợ thủ công đã luống tuổi.

Cửa hàng của ông thợ khắc dấu ở phố Hàng Quạt, là một điểm níu chân.

Phố Hàng Quạt chiều cuối tuần nhộn nhịp người qua lại. Đồ gỗ, đồ thờ, tranh thêu, chữ, câu đối, cờ, trướng bày sát vỉa hè. Đầu phố, trước cửa hàng của ông Phạm Ngọc Toàn, khách ngồi tràn xuống cả lòng đường.

Nhiều du khách đi qua thấy ông tỉ mẩn ngồi khắc những con dấu gỗ liền ghé xem thử, phần lớn vì tò mò, nhất là những vị khách nước ngoài. Còn người dân ở đây thì đã quá đỗi quen thuộc với hình ảnh ông Toàn đeo kính, cặm cụi đục đẽo những con dấu nhỏ. Ông là một trong những người cuối cùng làm nghề khắc con dấu gỗ thủ công.

"Nhà mình ở Hàng Nón ấy, cũng rất gần phố Hàng Quạt gần chỗ cửa tiệm của ông đây. Từ bé mình thường đi học qua phố này và thấy hầu như lúc nào ông cũng ngồi trước cửa tiệm, tập trung tỉ mỉ khắc mấy con dấu. Ai quen thì nhìn lướt qua không lẫn ông với ai được. Thấy ông cởi mở, thân thiện lắm.

Khách nào đến hỏi chuyện hay lúc ngồi chờ ông khắc con dấu xong thì hay được ông kể nhiều kỷ niệm trong những câu chuyện ngày xưa. Nên là không chỉ người dân quanh đây đâu mà hầu như khách nào gặp ông đều quý ông cả". 

Nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn tỉ ̉ khắc từng con dấu
Công việc đòi hỏi sự tỉ ̉ và khéo léo của đôi tay người thợ
Công đoạn khó nhất của nghề là khâu chạm khắc

Bỏ nghề giáo, ông Toàn trở về với nghề khắc con dấu thủ công truyền thống đã hơn 30 năm nay. Cửa hàng bé tí teo của ông tưởng như bị chìm nghỉm giữa tấp nập phố xá và hối hả của thời gian. Nhưng, những khuôn gỗ, những con dấu đủ hình dạng, kích cỡ khác nhau treo đầy trên tường, trong tủ kính khiến ai đi qua cũng phải dừng mắt.

Có ai hỏi chuyện, ông Toàn thường lật từng trang sách quảng cáo du lịch Việt Nam của Nhật từ năm 1999, chỉ cho họ hình ảnh cửa hàng của mình trong đó, với tất cả niềm tự hào.

Có vị khách Nhật nhiều năm quay lại, tự tay vẽ tặng ông bản đồ hướng dẫn du lịch bằng tiếng Nhật trong đó có đánh dấu cửa hàng của ông như một điểm đến không thể bỏ qua. Có người tặng ông bức ảnh chân dung họ chụp, người tặng chiếc túi có in hình cửa hàng ông.

Những món quà nhỏ chứa đựng tình cảm thân thương của khách, đều được ông Toàn treo lên trang trọng:

"Họ yêu quý cái nghề khắc dấu này của mình và họ đến với mình thì họ cũng mang những cái tâm tư riêng. Ví dụ như là có một cái người khách nước Mỹ, bà ta là giáo viên. Bà ấy ngồi rất lâu và bà nhớ ra hơn 40 cái tên học sinh của của bà các thời kỳ.

Sau đó thì bà có hỏi là tôi có phải là người mua nhiều con dấu nhất trong ngày không . Tôi có nói bà không những là người mua nhiều nhất trong ngày mà còn là một trong những người mua nhiều nhất ở đây. Thế thì bà ấy rất là vui".

Tại phố cổ Hà Nội chỉ còn lại vài cửa hàng giữ được nghề khắc con dấu gỗ thủ công
Không gian nhỏ trưng bày đa dạng mẫu khuôn

Nhiều người trẻ tìm đến cửa hàng ông Toàn từ thông tin trên mạng xã hội, và đã có những trải nghiệm đáng giá:

"Mình coi mấy cái clip trên tiktok về địa điểm chơi tại Hà Nội tại vì mình cũng chuyển vào Sài Gòn khá lâu rồi nên mình cũng không biết dạo này Hà Nội có gì thì mình vô tình xem được clip về bác".

"Mình cảm thấy rất trân trọng những gì bác đang làm. Nó không chỉ là một món quà lưu niệm nhỏ mà còn lan tỏa những cái giá trị về văn hóa dân tộc rất là cao".

"Tôi là khách du lịch tới Hà Nội trong những ngày này và rất thích nơi đây. Tôi có tình cờ đi ngang qua con phố này và thấy cửa tiệm đằng đó rất đông khách. Tôi có tới xem thử công việc mà ông ấy đang làm và thấy ông ấy khắc những con dấu vô cùng cẩn thận, với một thái độ niềm nở và hiếu khách".

Những con dấu là món quà lưu niệm độc đáo với khách du lịch trong nước và quốc tế
Du khách trẻ hứng thú với quá trình làm những con dấu gỗ thủ công

Bộ hành qua phố Hàng Quạt, tiếng chuyện trò thân mật, tiếng cười nói rôm rả giữa người thợ khắc dấu và những vị khách trước cửa tiệm bé teo nơi góc phố, có cái gì đó như níu lấy bước chân.

Thật thú vị khi trong cuộc sống ngày càng hiện đại, lại càng có nhiều người tìm về cái cũ, như tìm lại những giá trị quý báu xưa kia, đang trở nên hiếm hoi trong dòng chảy vội vã này.

Thật lạ lùng, khi máy móc có thể sản xuất ra hàng loạt cái khuôn và con dấu đẹp, với độ tinh xảo ngày càng cao, nhưng những con dấu mộc mạc từ đôi tay người thợ, vẫn có một sức hút mãnh liệt. Có lẽ bởi, ở đó không chỉ có sự khéo léo của đôi bàn tay, con dấu còn mang cái hồn, mang trọn tình yêu của người thợ đối với từng nét hoa văn dân tộc.

Hình ảnh tiệm khắc dấu của ông Toàn trong cuốn sách tiếng Nhật mà ông được du khách tặng
Và tấm bản đồ du lịch Hà Nội, đánh dấu tiệm khắc gỗ của ông Toàn như một điểm buộc phải đến

Và bởi, bản thân sự tỉ mỉ, say mê của người thợ với công việc ấy, đã là một món quà.

Sự say mê lan tỏa từ người thợ sang người xem. Sự say mê ấy nói với bạn nhiều điều, về cách mà ta có thể làm cho cuộc sống này trở nên mặn mòi hơn, thi vị hơn.