Người phụ nữ 40 năm “gieo chữ” cho trò nghèo

Không có tiếng trống trường giòn giã vang lên báo hiệu mỗi ngày, nhưng cứ đều đặn mỗi tuần 4 buổi, khi đồng hồ vừa điểm 17h30 thì ngôi nhà nhỏ nằm trong con hẻm tại Phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ của cô Liêu Thị Mỹ Uyên, lại vang lên tiếng đọc bài ê, a của lũ trẻ.

Ngôi nhà nhỏ ấy là nơi những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khát khao con chữ tìm về. Đó còn là lớp học tâm huyết mà cô Uyên đã dành hơn 40 năm để “gắn chặt” đời mình cùng phấn trắng, bảng đen, đem con chữ “nuôi” trẻ em nghèo.

40 năm, 1 hành trình bền bỉ, âm thầm gieo nên những hạt mầm hy vọng của cô giáo “trường làng” Liêu Thị Mỹ Uyên sẽ được VOV Giao thông kể trong Cảm hứng Mekong. 

 

Cô Mỹ Uyên tận tình chỉ dạy cho học trò tại lớp học. Ảnh: Quân đội nhân dân

PV: Cơ duyên nào đã đưa cô gắn bó với việc dạy học vậy, thưa cô?

Cô Uyên: Cô gắn bó với công việc này là khi mà mất cha rồi, mình sống trong nghèo khổ rất là khó khăn. Khi mà mình làm nên được rồi thì vô tình, giống như mình đang đi mà thấy 3, 4 đứa trẻ đó, rồi nó chơi với nhau rồi nó đánh qua, nói lấy cái tay chập qua chập lại, tự nhiên một cái suy nghĩ là mình cũng muốn làm một cái gì đó cho mấy bé thì sau đó thì ở phường kêu mình dạy thì bắt đầu cô dạy.

Khi mà mình dạy rồi mình thấy mới gần gũi, mình cảm thấy thương. Các em nó gần gũi mình, rồi những chuyện buồn mà nó vô nó tâm sự với mình thì mình rất là cảm động. 

PV: Các em ở đây thì có hoàn cảnh như thế nào vậy ạ? 

Cô Uyên: Các em này có em có cha, không mẹ, có mẹ, không cha, có em ở với ông bà.

PV: Khi mình mới bắt đầu với công việc giảng dạy, những khó khăn mà cô gặp phải là gì vậy, thưa cô? 

Cô Uyên: Khó khăn nhất và đầu tiên là cách phát âm. Vì mình không học qua sư phạm. Chỉ là cái thời của cô là nghèo lắm, không có ai dạy từ thiện đâu. Từ đó mới học hỏi những cái cô dạy ban ngày, thì cô mới hướng dẫn, cô chỉ hướng dẫn mình là một cái phần nhỏ thôi. Khi mình đọc được rồi mình xin ở trường Lê Quý Đôn cho mình dự giờ, đến đó mà ngồi dự giờ để mình biết cách phát âm này, rồi những cái gì khó khăn nên từ đó sau là mình nắm được cái cách dạy.

Cô Uyên dạy ghép vần cho một em nhỏ - Ảnh: Tuổi trẻ

Năm 18 tuổi, là một đoàn viên của Phường An Cư, cô Uyên có nhiều cơ hội tham gia hoạt động của đoàn phường, được tiếp xúc, vui chơi cùng các em nhỏ. Cũng vì vậy, tình cảm cô dành cho các em mỗi ngày mỗi lớn. Vào thời điểm đó, các em nhỏ tại đây không biết chữ rất nhiều, không nhà cửa, các em sống cùng gia đình trong những căn trọ nhỏ, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, ngày ngày đi bán hàng rong, vé số,... để có thể phụ giúp gia đình kiếm tiền lo cho cuộc sống. Cũng vì hoàn cảnh, mà ước mơ được cắp sách đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa đối với những đứa trẻ này cũng dường như trở nên xa xỉ. 

Không đành lòng để những đứa trẻ lớn lên trong cảnh “mù chữ”, đoàn phường mở ra lớp học tình thương để giúp các em có hoàn cảnh khó khăn, không được đến trường có nơi học hành tử tế. Cô Uyên là một trong số những đoàn viên được gợi ý để tham gia giảng dạy, vì biết cô rất yêu trẻ, nhưng cô Uyên không dám nhận lời vì nghĩ rằng mình chưa từng trải qua trường, lớp về nghiệp vụ sư phạm, cô lo rằng sẽ không thể giảng dạy được cho các em.

Nhưng vì thương và đồng cảm với số phận của những em nhỏ phải lớn lên trong cảnh khó khăn, thiếu vắng đi tình thương từ mái ấm gia đình trọn vẹn, cô Uyên cũng dường như thấu hiểu hơn ai hết. Cũng từ đó, cô quyết tâm gắn bó cùng lớp học tình thương để “gieo con chữ” giúp cho trẻ em nghèo.

Mặc dù, xuất phát điểm không phải là giáo viên ngành sư phạm, nhưng cô Uyên lại rất hết lòng với công việc, không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng giảng dạy của mình, cô Uyên chia sẻ: "Những ngày hè, cô được trường đưa đi học thêm, học thêm ba tháng hè để nâng cao cách dạy của mình. Rồi cô cũng xin dự giờ ban ngày để mình nắm bắt được những cái gì mới, cách dạy để về mình trau dồi kiến thức để mình dạy cho các bé. Nói chung ra là mọi thứ, những gì mình cần thì cô đều hỏi, nếu mà sợ mọi người biết mình dốt thì mình sẽ dốt mãi. Mình không biết thì mình hỏi, mình hỏi thì mình mới dạy được, chứ mình không hỏi mình đâu có dạy được". 

Cứ vậy, mà đã 40 năm trôi qua, có hàng trăm em học trò nghèo đã được cô dìu dắt từ lớp học “dã chiến” nằm trên con gác nhỏ đơn sơ, chỉ với một chiếc bảng trắng, 2 dãy bàn gỗ kê sát tường. Tuy không gian học tập có vẻ hơi chật chội nhưng lại thật ấm áp. Hơi ấm ấy đến từ sự quan tâm của các mạnh thường quân được gửi trao qua từng quyển tập, sách, bánh, kẹo,... đã giúp các em có những buổi học trọn niềm vui và cả những yêu thương mà cô Uyên gửi gắm trong từng con chữ, đã trở thành ền ký ức khó quên với biết bao thế hệ học trò trưởng thành từ lớp học nhỏ. 

Để có thêm kinh phí tổ chức các hoạt động vui chơi cho các em cô mài mò học rồi dạy lại nghề làm móc khóa cho các em. Ảnh: Đại đoàn kết

PV: Em thấy cô Uyên là người như thế nào? - Dạ Tốt

PV: Được đi học ở lớp cô Uyên em thấy vui không? - Dạ vui 

"Em thấy việc làm của cô Uyên là một việc rất là có ý nghĩa, mà không phải ai cũng có thể làm được, tại vì nó rất là cực. Cô cũng là một người rất hoạt bát, năng động, kiểu như là cô cũng chịu khó chia sẻ với tụi em để cho tụi em hiểu biết".

Mỗi em, mỗi số phận, hoàn cảnh khác nhau, nhưng lại cùng một khát khao về con chữ, bởi các em tin rằng biết được chữ thì “hành trang” cho cuộc đời cũng sẽ thêm phần vững chãi. Nhưng cũng có nhiều em nhỏ, niềm vui được đến lớp vẫn còn chưa trọn vẹn, bởi vì khi cuộc sống mưu sinh của gia đình còn nhiều khó khăn, vất vả, thì các em nhỏ lại phải sống trong cảnh ngược xuôi “rày đây, mai đó”.

Cô Uyên trăn trở: "Lớp cô giao động lắm, tại vì như trước tết là lúc đó có 18 em. Hiện tại bây giờ, là còn 10 em. Tại vì ba mẹ đi, với ông bà đi, chuyển chỗ ở thì mấy em phải đi theo, hầu như mấy em đó là mấy em không có nhà cửa, ở tạm trú thôi, nên mấy em là đi theo theo ông bà". 

Cứ lớp lớp thế hệ học trò đến rồi lại đi, có em cùng gia đình “tha hương” đến những vùng đất mới, cũng có những em từ lớp học nhỏ mà trưởng thành hơn, có công việc ổn định. Trong đó, có cô học trò nhỏ mồ côi tên Phước ngày nào, giờ đây đã trở thành kế toán.

Kể về học trò của mình, cô Uyên không giấu được niềm vui: "Đó là một điều mà cô cảm thấy là tự hào, tự hào về em đó, bây giờ em cũng đi làm, lâu lâu em trở về thăm lớp, biết cô bán móc khóa, em móc những móc khóa bằng len, gửi mẹ đem lại cho cô, cũng tự làm bánh gửi tặng cho cô, lâu lâu mua vài bịch kẹo, thùng mì gửi lại cho mấy bé, em nói cũng rất là chân tình, con nhớ lại những ngày con khổ, con học bên cô, cô lo. Cô thấy cô rất là vui". 

Ngoài sự hỗ trợ từ những mạnh thường quân, lớp học của cô Uyên còn nhận được sự quan tâm từ các bạn sinh viên tình nguyện đến từ Câu lạc bộ Vì trẻ thơ. Đều đặn mỗi tuần, sẽ có các bạn đến hỗ trợ cùng cô giảng dạy. Chứng kiến hoàn cảnh của các em nhỏ, sự tận tâm mà cô Uyên dành cho học trò của mình, các bạn tình nguyện viên như được tiếp thêm động lực để tiếp tục gắn bó cùng công việc ý nghĩa của mình.

Không những vậy, với mọi người cô Uyên không chỉ là một người cô tận tâm với nghề mà còn là người hết mình trong công tác thiện nguyện, bạn Hoàng Trúc - tình nguyện viên chia sẻ: "Khi mà em làm những hoạt động đó, đôi khi em cũng cảm thấy nản, nhưng mà cô cũng động viên em rất là nhiều để cho tụi em tiếp tục làm. Cô cũng cho em thấy được cái ý nghĩa đó, cô cũng sẵn sàng giúp tụi em trong những cái hoạt động khác của câu lạc bộ chứ không chỉ là hoạt động dạy học không".

Bằng tình yêu thương, bằng trái tim nhiệt huyết của một nhà giáo tận tâm với nghề, cô Uyên đã sưởi ấm cho tâm hồn, cho tuổi thơ thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần của đứa trẻ “chưa kịp lớn đã phải trưởng thành”, âm thầm thu nhặt những mảnh ghép cuộc đời, thắp lên ánh sáng hy vọng về một tương lai tươi sáng cho những em nhỏ kém may mắn. Vì cô biết rằng, các em cũng cần lắm một đôi tay vững chắc để dìu dắt các em qua những chông chênh của cuộc đời. 

Ngưỡng mộ tấm lòng yêu trẻ của cô Uyên các bạn tình nguyện viên là sinh viên của các trường sau giờ học cũng đến dạy kèm ễn phí cho các em. Ảnh: Đại đoàn kết

Với tấm lòng nhân ái cùng sự tâm quyết với nghề, cô đã giúp cho hàng trăm em nhỏ tìm đến bến bờ tri thức. Những cống hiến của cô Uyên chính là tấm gương sáng, là nguồn cảm hứng để lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng.