Người phụ nữ 10 năm thầm lặng vá đường

“Bán tàu hủ, nhặt ve chai để dành tiền mua vật liệu đi vá đường”, “Không ngại nắng mưa, hễ chỗ nào có ổ gà là chị đến vá”. Đó là những điều quen thuộc mà nhiều người vẫn hay nhắc về chị Nguyễn Thị Minh, 45 tuổi, ngụ xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Suốt 10 năm qua, người phụ nữ ấy vẫn thầm lặng đi vá đường dù cuộc sống còn chật vật, khó khăn.

Chị Minh (ngồi trước) chở vật liệu rong ruổi đi vá đường. Ảnh: Thanh niên

Như một thói quen, ngày đi vá đường, tối đến chiên tàu hủ bán, khi màn đêm buông xuống chị lại đi cấy lúa thuê. Tất cả những phần việc ấy đều do mình chị Minh gánh vác. Cuộc sống còn khó khăn, kinh tế chưa dư giả ngày nào nhưng người phụ nữ này vẫn rất lạc quan và luôn mong muốn được cống hiến, giúp đời, giúp người.

Tờ mờ sáng, chị đã chở vật liệu trên chiếc xe cà tàng, rảo qua nhiều con đường ở địa phương để tìm "ổ voi, ổ gà" dặm vá. Gọi là xe cà tàng vì chị đã chạy nhiều năm, nay lại thường xuyên hư hỏng, mỗi khi chở đồ nặng lên dốc cầu thì cũng “trầy da tróc vẩy”.

PV: Chị ơi, trong những lần tham gia giao thông chị có kỷ niệm nào khiến mình nhớ nhất không?

Chị Minh: Vui thì cũng có vui, mà buồn thì cũng có buồn. Nhưng mà có một câu chuyện nhớ nhất là trên con đường đi ra Tri Tôn, mình chạy song song với chị đó, mà chị đó bị té, mình mới đỡ chị lên thì thấy mình mẩy xây xác, gương mặt tàn tạ hết trơn mình mới về mới suy nghĩ làm sao để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. 10 năm rồi mà cứ còn ám ảnh câu chuyện đó hoài.

PV: Có phải từ câu chuyện trên nên chị quyết tâm đi vá đường để cho bà con lưu thông an toàn hơn?

Chị Minh: Ờ, nhiều em học sinh rồi người dân đi mua bán ở thôn quê chở hàng nặng mà thấy ổ gà voi nên mình phải ráng làm để lấp đầy một phần nào cho bà con người ta đi được bình an.

PV: Chi phí cho những lần vá đường như vậy là mình tự xoay sở hay sao chị?

Chị Minh: Lúc đầu tại ham đi nên mua xi măng với đá rất nhiều, hồi đầu mua của mấy chỗ bán vật liệu xây dựng thì mắc nên lúc sau mình đi mua trên bến đá. Mấy anh chở đá thấy lắc đầu luôn, rồi nói em đi làm như vậy làm sao mà có tiền? Mà lúc đó thì đi làm tàu hủ bán cũng được, nhưng không có làm được nhiều. Thời gian sau đi mua phế liệu thêm. Hết tiền thì lấy đá đổ rồi kiếm thêm việc làm, đi cấy lúa mướn, làm thuê..

PV: Làm đủ mọi nghề chỉ để có kinh phí vá đường, đâu là động lực to lớn khiến chị duy trì công việc này cho đến nay?

Chị Minh: Lúc đầu làm không có kỹ thuật rồi bị người ta nói mình khùng, ăn cơm nhà lo chuyện thiên hạ. Mà vì đó là niềm vui của mình, nhiều lúc mình thấy nhìn cái ổ gà bự quá muốn lắc đầu luôn nhưng ráng cố gắng có nhiều đêm không ngủ luôn, khuya 3h thức dậy nấu cơm ăn cho đỡ tiền rồi đi làm mới có sức khỏe. Thấy em cháu rồi bà con đi qua bình an mình thấy vui nên ráng làm.

Ảnh: hoilhpn.org.vn

Trời chập tối cũng là lúc vừa kết thúc một ngày đi vá đường. Vừa cất đồ nghề xong là chị Minh xắn tay áo chuẩn bị làm tàu hủ. Ngồi bên chảo tàu hủ được chiên trên bếp nóng hổi, chị Minh lau vội giọt mồ hôi lăn dài trên má. Đôi tay của người phụ nữ làm việc không ngơi nghỉ có nhiều vết chai sạn.

Nhớ lại thời điểm ban đầu chưa am hiểu cách vá đường, vậy là chị theo làm phụ hồ cùng hàng xóm để học nghề. Sau khi biết rõ thuần thục các kỹ thuật, chị bỏ tiền túi mua sắm đồ nghề đi vá đường. Dần dà, kinh nghiệm nhiều hơn, chị chuyển sang vá bằng nhựa đường. Công việc nặng nhọc, xưa nay ít phụ nữ làm, vậy mà chị vẫn không nề hà. Miễn sao người dân đi an toàn về hạnh phúc là chị thấy vui.

Nói về nghĩa cử cao quý của chị Nguyễn Thị Minh, bà con chia sẻ:

"Làm được việc vậy rất là tốt, lợi ích cho mọi người cho bản thân mình. Những con đường ổ gà nhiều khi mình đi, người mạnh khỏe không nói gì còn người đau lưng nhức mỏi mà đi qua ổ gà là đau lắm. Bởi vậy làm được công việc đó là rất hoan nghênh, nếu mà kinh tế có dư dả cũng nguyện làm như vậy".

"Người ta có tấm lòng thiện nguyện, làm như vậy là coi như làm phước vậy mà".

Chị Minh (trái) dầm mưa dãi nắng vá đường

Gần 10 năm "Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", chị nghe không ít lời thị phi về mình nhưng người phụ nữ ấy không bận lòng chỉ cố gắng làm hết trách nhiệm để các con đường chi chít ổ voi ổ gà trở nên bằng phẳng hơn. Vì phải bán tàu hũ kiếm tiền trang trải cuộc sống qua ngày, nên thời gian đi vá đường không cố định. Chi phí mua vật liệu cũng khá tốn kém. May mắn, chị gặp được một số người chung chí hướng, sẵn sàng hỗ trợ kinh phí, để duy trì hoạt động này.

Chị Nguyễn Thị Minh cho biết thêm: "Mình làm vì cái tâm mình thôi, góp phần giúp ít cho xã hội chứ không ai bắt ép mình làm, nhiều bữa có mấy anh chị em đi qua cho 50, 100 phụ mua vật liệu là mừng lắm rồi".

Đặc thù địa hình của Tri Tôn là huyện vùng núi nên mỗi mùa mưa, mặt đường dễ bị xuống cấp. Chiếc xe cà tàng nay lại leo núi cùng chị Minh. Nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn chở nguyên vật liệu nặng nề khiến nhiều người cảm phục vô cùng.

Không chỉ làm tại địa phương, chị còn chạy xe qua Cô Tô,Tức Dụp, rồi sang các tỉnh thành lân cận để vá đường. Bên cạnh đó, chị còn vận động quần áo, đồng phục, hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo. Tin rằng, bằng những hành động đẹp, chị Nguyễn Thị Minh sẽ lan tỏa đến cộng đồng nhiều thông điệp tích cực như chính bản thân chị từng tâm niệm “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.