Người lan tỏa mô hình Con tôm “ôm” Cây lúa

Xâm nhập mặn ngày càng gay gắt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của bà con nông dân ven biển vùng ĐBSCL. Đồng cảm với khó khăn này, anh Huỳnh Chí Phương, Giám đốc Công ty Gạo Tôm ở An Giang đã mày mò nghiên cứu và quyết định lan tỏa mô hình lúa tôm thân thiện môi trường.

Mô hình này không mới nhưng qua cách làm sáng tạo của anh Phương cùng các đồng đội đã tạo nên đột phá, mở ra cơ hội nâng tầm hạt gạo, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho bà con nông dân. 

 

Diện tích lúa tôm hiện nay ở toàn vùng ĐBSCL khoảng trên dưới 200.000ha. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chào anh Phương, con tôm ôm cây lúa mà mình đang áp dụng như thế nào?

Lúa tôm tức là người ta vừa trồng lúa vừa nuôi tôm. Vào mùa nắng, khi mà thiếu nước ngọt thì người ta nuôi tôm. Vào mùa mưa, bắt đầu người ta rửa mặn trong cái ao nuôi tôm rồi người ta bắt đầu trồng lúa. Trong quá trình trồng lúa, người ta có thể nuôi xen với tôm càng hoặc là một số loài thủy, hải sản khác.

Mô hình lúa tôm đến nay không còn xa lạ với bà con, khi bắt tay áp dụng thì doanh nghiệp của anh Phương có cách làm gì mới?

Thật ra, Phương không phải là người nghiên cứu ra mô hình này. Mô hình này cũng có từ khá lâu rồi. Trước đây, mô hình trồng lúa, nuôi tôm này nó không có hiệu quả. Thứ nhất, năng suất lúa thấp lắm, trung bình 1 tấn mấy đến 2 tấn/ha và ngay cả những hộ nông dân người ta trồng lúa không phải người ta trồng lúa mà người ta trồng lúa để xử lý đáy ao hoặc là trồng lúa nhưng mà khi lúa chín người ta cũng không thu hoạch người ta để đó, thả nước mặn vô rồi người ta cho tôm ăn lúa đó luôn.

Khi mà mặn xảy ra, mình cùng với bà con nông dân mới tiến hành cải tiến mô hình này kết hợp những giống lúa mới, đặc biệt là những giống lúa chất lượng cao như là dòng ST, mình cải tiến mô hình này, làm cho nó hoàn chỉnh hơn và có hiệu quả kinh tế cao hơn, thích nghi với biến đổi khí hậu.

Đưa cái mới vào để cái tiến mô hình cũ chắc chắn là việc không đơn giản, anh Phương thấy sao?

Có 2 cái khó khăn. Từ lúa 2 vụ mình chuyển qua mô hình lúa tôm. Thứ nhất, khi chính quyền địa phương vẫn còn có chính sách giữ diện tích lúa để đảm bảo an ninh lương thực. Thứ hai nữa là trong khu vực, không phải bà con nào cũng đồng lòng chuyển đổi qua mô hình lúa tôm này.

Do đó, nó xảy ra tranh chấp, hộ nuôi tôm thì sử dụng nước mặn, còn anh lúa thì làm nước ngọt dẫn tới mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa nhau.

Anh và bà con đã vượt qua nhựng khó khăn như thế nào? Đặc biệt là đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các hộ dân tham gia mô hình?

Khi mà bà con thấy hiệu quả của chuyển đổi sang lúa tôm thì sự chuyển đổi diễn ra tích cực và gần như đồng lòng hết. Đối với chuyển từ chuyên canh tôm chuyển qua lúa tôm thì người ta không biết canh tác lúa, người ta cũng không biết cách xử lý như thế nào để cho mật độ mặn trong vuông tôm để có thể trồng lúa được.

Nói chung là những yếu tố kỹ thuật. Cái đó thì mình phải kiên nhẫn, mất chừng vài vụ, để bà con quen như vậy đó thì không còn khó nữa.

Hiện tại, thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình như thế nào?

Đối với các sản phẩm hữu cơ thì mình có các đối tác bên EU, ngoài ra phần lớn mình tiêu thụ nội địa là chính. Trong tiêu thụ nội địa thì bên sản phẩm gạo thì mình có 2 sản phẩm thôi. Một là hữu cơ, hai là sản phẩm an toàn canh tác từ cái lúa tôm tức là từ cái ven biển của khu vực ĐBSCL.

Cảm ơn anh Phương với những chia sẻ vừa rồi. 

Anh Huỳnh Chí Phương (bìa phải) giới thiệu sản tại sự kiện. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với mong muốn kiến tạo hệ sinh thái lúa tôm bền vững cho ĐBSCL; kết nối chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả canh tác lúa tôm; tạo ra sản phẩm gạo lúa tôm hữu cơ vươn tầm quốc tế, anh Huỳnh Chí Phương cùng các cộng sự trong doanh nghiệp của mình đã quyết tâm chinh phục những trở ngại để cây lúa, con tôm có chỗ đứng trong vùng đất mà trước nay nhiều người nghĩ là khó thực hiện.

Là một trong những hộ tham gia mô hình canh tác lúa tôm, ông Trần Văn Huỳnh, ở U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, cho biết, lúc đầu khi làm theo mô hình rất bỡ ngỡ, do chưa từng làm qua. Nhờ được kỹ sự hướng dẫn kỹ thuật của anh Phương và các kỹ sư mà dần dần ông và bà con trong vùng an tâm hơn. Vậy là từ ngày chuyển đổi 2ha canh tác lúa truyền thống sang cách làm lúa tôm kết hợp, cuộc sống của gia đình ông Huỳnh đỡ vất vả hơn.

"Trước đây thì trồng 2 vụ lúa, năm 2016, hạn mặn lịch sử cho nên vùng đất này trồng lúa không hiệu quả. Con cái đi làm ăn xa, thời gian nhà nước cho chuyển đổi làm có hiệu quả hơn làm độc canh cây lúa hồi xưa. Nói chung thu nhập thì gấp đôi, hơn gấp đôi nữa. Sống nhàn hơn hồi xưa nhiều", ông Huỳnh cho biết.

Không riêng ông Huỳnh mà nhiều bà con tại các địa phương ven biển của ĐBSCL cũng có cuộc sống ổn định nhờ mô hình lúa tôm. Theo bà con, tham gia sản xuất mô hình này, bà con nhẹ lo về mặt kinh tế, hiệu quả đầu tư ổn định và tăng thu nhập cho trước những ảnh hưởng tiêu cực khi có biến động giá cả, thị trường.

"Có tôm, có cua, có cá. Nhà tôi mần ruộng luôn là sống rất thoải mái".

"Lợi nhuận gấp đôi so với để tôm quanh năm".

Nhìn lại những dấu mốc thành công cho hiện tại, anh Phương chia sẻ, “vạn sự khởi đầu nan”, cuối năm 2018, mong muốn chia sẻ với những khó khăn của bà con nông dân vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, anh Phương đã lập nên Công ty Gạo Tôm nâng cao hiệu quả canh tác lúa - tôm và kiến tạo hệ sinh thái lúa - tôm bền vững cho ĐBSCL. Dưỡng chất từ hoạt động nuôi tôm là nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho cây lúa sinh trưởng và ngược lại.

Anh Phương chia sẻ thêm: "Khi mình nuôi tôm như vậy thì tôm thải ra những dưỡng chất dưới đáy ao. Cây lúa lấy những dưỡng chất dưới đáy ao này làm nguồn thức ăn và ngược lại, cây lúa nó hút cái ao này làm cho con tôm ít bệnh. Khi thu hoạch lúa thì gốc rạ của lúa sẽ sinh ra tảo thì các lượng ốc gạo hay vi sinh vật và nguồn thức ăn cho con tôm phát triển dồi dào.

Thứ 2 là hiệu quả kinh tế, chuyển đổi qua lúa tôm thì mình chỉ đầu tư tổng cộng khoảng 35 triệu/ha/năm nhưng mà mình đem lại lợi nhuận khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ha/năm. Nếu so với mô hình trồng 2 vụ lúa trước đây thì mình đầu tư đâu đó khoảng 50 triệu/ha/năm nhưng mà đem lại lợi nhuận năm nào mà lúa nó không bị bệnh nhiều, không bị mất mùa thì đâu đó cũng được chỉ khoảng là 50 triệu/ha/năm. Thứ 3 nữa là chất lượng gạo, con tôm ngon hơn và nó lành hơn".

Hiện tại, ngoài địa bàn sản xuất chính ở Kiên Giang, công ty của anh Phương còn mở rộng liên kết với các bà con ở các địa phương khác trong vùng ĐBSCL.

"Diện tích lúa tôm hiện nay ở toàn vùng ĐBSCL, khoảng trên dưới 200.000ha, tập trung phần lớn ở khu vực Kiên Giang, khoảng 100.000ha. Ở Cà Mau khoảng hơn 30 ngàn ha. Ở Bạc Liêu cũng khoảng hơn 30.000ha. Sóc Trăng hơn 6.000ha, Trà Vinh khoảng 5.200ha, còn ở Bến Tre gần 4.000ha. Phát triển rất là nhanh, tôi nhớ cách đây khi mà mặn xâm nhập vô đó thì bà con bắt đầu chuyển nhanh tích cực. Hồi đó, tổng diện tích lúa tôm của khu vực ĐBSCL là khoảng 40.000ha. Đến nay, mà diện tích tăng lên gấp 5 lần, tức là khoảng 200.000ha", anh Phương cho biết thêm.

Theo lời anh Phương, khi canh tác theo mô hình lúa tôm, ngoài việc con tôm, cây lúa bổ trợ cho nhau trong quá trình phát triển thì người dân cũng ý thức hơn trong việc sử dụng phân thuốc, nhờ vậy mà chất lượng sản phẩm làm ra luôn được đảm bảo tiêu chí: ngon và lành.

Anh Phương bày tỏ: "Hiện nay, Phương cũng làm các sản phẩm gạo đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, nâng cao giá trị của hạt lúa con tôm hơn và giúp cho người tiêu dùng họ đỡ tốn thời gian hơn. Cái đó thì hiện nay đang bắt tay vào làm các sản phẩm này và sắp tới cũng đưa ra thị trường với mong muốn là nâng cao được cái nâng cao chuỗi giá trị của lúa tôm để mô hình này nó ngày càng hoàn thiện hơn, đem lại sinh kế bền vững cho bà con ở vùng ven biển".  

Từ một mô hình kém được mặn mà thời điểm xuất hiện,  “con tôm ôm cây lúa" hay “mô hình lúa tôm” đã trở thành câu nói cửa ệng của người nông dân vùng ven biển ĐBSCL. Con tôm thỏa sức vẫy vùng nơi môi trường mới còn cây lúa có thêm nguồn phân bón đặc trưng hơn so với cách trồng thông thường.

Và hơn hết, người nông dân cũng được hưởng lợi từ mô hình mà anh Phương và doanh nghiệp của anh đang ngày ngày lan tỏa.