Vậy người dân địa phương sinh sống ở xóm đường tàu nói gì về nguy cơ tại các đường ngang đồng mức với đường sắt?
Các bạn thân mến, tôi đang có mặt trên đường Ngọc Hồi, khu vực gần ga Văn Điển (thuộc Quốc lộ 1A, Hà Nội). Cứ cách 3-5 mét, tôi lại thấy dày đặc biển cảnh báo và những lối đi tự mở, từ đường cái xuyên qua hộ lan băng cắt đường ray vào nhà các hộ dân.
Tôi sẽ hỏi chuyện bác Phạm Vân, trú tại số 408 Ngọc Hồi, một trong những cư dân xóm đường tàu dọc theo tuyến đường sắt Bắc-Nam. Cháu chào bác, kinh nghiệm đi lại an toàn của bác và người dân ở đây như thế nào ạ?
Quan điểm của tôi, người dân phải chú ý quan sát tàu đi, tàu đến. Và quan trọng là phải nghe tiếng còi tàu. Còn biển báo ở đây người ta cắm rồi, ra vào phải chú ý. Kể cả con cháu trong gia đình cũng thế thôi, chúng tôi cũng nhắc nhở khi đến hay đi thì phải chú ý quan sát 1 phút xong hãy đi.
Nguyên tắc của tàu thì bất di bất dịch rồi, không thể đỗ ngay như ô tô. Nó chạy tốc độ 60-70km/h là ít.
Với cư dân địa phương thì chắc hẳn đã nắm rõ quy luật tàu chạy. Nhưng còn người ở địa bàn khác thì sao?
Khách ra vào ở đây nói thẳng là ít hơn, qua đường tàu này không mua bán nhiều. Thành ra, mình đi thì phải quan sát thôi. Dân ở đây tàu đến cách 1-2 km là chúng tôi đã nghe thấy hết rồi. Ai đến mà tàu chạy gần thì chúng tôi đã hò hét từ bên ngoài rồi.
Khách đến, dừng ở kia là chúng tôi bảo ngay, phải quan sát tàu, rồi mới nói mua bán gì thì mua, không mua thì thôi. Chứ còn có nhiều người đi ở trên đường tàu gọi điện thoại. Chúng tôi vẫn hay nói, có khi chết đến nơi rồi.
Liệu có khi nào, họ đứng sát quốc lộ 1A, bị tiếng còi xe át đi tiếng tàu và không nghe thấy còi tàu cũng như cảnh báo không ạ?
Không, không thể át được. Còi tàu khác, tiếng tàu đi xình xịch ngay, nhà chấn động ngay. Tàu bao giờ đến là nó đều thổi còi rồi.
Vậy còn trường hợp gần đây nhất, bị tàu tông tử vong trước số nhà 416 Ngọc Hồi, ngay phía trên kia. Theo thông tin ban đầu, nạn nhân là người ở tỉnh khác đến mua hàng?
À hôm nọ đấy. Ông ấy mua cần câu ở nhà bên này chứ ai. Ông ấy đi ra, tàu chạy dài dằng dặc đến, còn lao ra.
Với quá nhiều đường ngang, lối đi tự mở thế này, bác có mong một giải pháp bền vững hơn thay vì phải liên tục cảnh báo mọi người?
Chỉ có cách Nhà nước làm đường. Anh đường tàu phải mở đường, đền bù. Ông huyện bảo không có tiền. Dân muốn là phải có đường để dân đi để đảm bảo an toàn. Các ông muốn rào thế nào cũng được. Dân muốn đường phải đủ 6m để 2 ô tô tránh nhau, nếu tai nạn, cháy nhà cháy cửa không vào được.
Ý bác là đường gom dân sinh đúng không ạ? Cảm ơn ý kiến của bác.
Vẫn băn khoăn về trường hợp tai nạn vừa nêu. Sau khi trò chuyện với chị Đặng Thúy Dân, số nhà 352 Ngọc Hồi, có vẻ câu chuyện đã rõ ràng hơn:
Nếu nhìn camera thì hôm đấy, chắc là tàu vào gần ga rồi, nên không có tiếng còi. Thành ra, 2 người đi mua đồ câu ra, họ mải nói chuyện. Khi đi xe máy ra đúng chỗ giữa đường tàu, quay ra thì tàu đi đến nơi rồi. Hôm đấy cái đoạn đó cũng có độ che khuất. Thấy bảo người ở trên Vĩnh Phúc, ở trọ phố Đại Từ.
---
Các bạn thân mến, không phải khi nào tàu cũng hú còi, không phải nơi nào cũng đủ tầm nhìn để quan sát được tàu từ xa, và cũng không phải lúc nào, cư dân ở xóm đường tàu cũng có nhà để hét lên mà cảnh báo những vị khách phương xa, lạ nước lạ cái. Tai nạn đường sắt vẫn khôn lường với những người không thông thuộc địa hình, quy luật tàu chạy và thiếu kỹ năng qua đường ngang an toàn.
Có lẽ, như bác Phạm Vân đã nói, bên cạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành Luật Đường bộ, Luật đường sắt, giải pháp lâu dài là xây dựng đường gom dân sinh để phục vụ đi lại cho bà con, chấm dứt sự tồn tại của đường ngang tự phát.