Người giữ rừng gian nan sống với cây Tràm

Nhiều năm nay, giá cây tràm tuột dốc khiến những ai sống dựa vào loại cây này lao đao. Người dân giữ rừng mong rằng, thời gian tới sẽ được trồng đan xen cây keo lai với cây tràm để ổn định đời sống, từ đó vững tâm giữ rừng.

Sau hơn 30 phút di chuyển bằng vỏ lãi, phóng viên mới có thể đến được rừng tiểu khu 34, thuộc ấp Cán Gáo, xã Đông Hưng B, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Dọc 2 bên bờ bao là những ngôi nhà vách lá mái tôn của người dân được giao khoán đất rừng để trông giữ và chăm sóc. Đời sống nơi đây vốn dĩ khó khăn, thiếu thốn nay lại càng thêm vất vả từ khi cây tràm rớt giá.

Rừng tiểu khu 34 có tổng diện tích gần 1300 ha và được quy hoạch trồng cây tràm. Để tạo cơ hội giúp người dân khó khăn phát triển và thuận tiện cho việc trông giữ, đất rừng nơi đây được phân chia rồi giao khoán lại cho người dân vào thời điểm năm 1990 và năm 2009. Hiện có 145 hộ dân nhận đất để trồng tràm và được phép khai thác 30% trên diện tích đất giao khoán để trang trải cuộc sống.

Ông Huỳnh Văn Duẫn, người dân sống tại đây cho biết, gia đình ông được giao 5ha đất rừng để trồng tràm vào năm 2009. Cuộc sống gia đình từ đó trở nên ổn định hơn vì có đất canh tác và bán tràm để sinh sống. Tuy nhiên, ông Duẫn và nhiều người khác vui mừng không được bao lâu khi cây tràm nhiều năm trở lại đây ngày càng mất giá.

Cùng với đó việc trồng cây tràm ở nền đất không được lên liếp khiến loài cây này phát triển kém và kén người mua. Vì đây là đất rừng nên người dân không thể tự tiện thay đổi hiện trạng nền đất, cây trồng khi không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Cứ thế, khó khăn đến với đời sống của những người mang trọng trách giữ rừng ngày một khắc nghiệt, nhiều người vì không thể bám trụ đành phải bỏ đất, rời xứ đi xa tìm sinh kế.

“Giá cây tràm ổn định đến năm 2012, 2013 là bắt đầu rớt giá. Hiện nay cây tràm 7-8 năm tuổi người ta vào mua 1 công đất trồng tràm chỉ với giá 2-3 triệu. Bây giờ 2-3 người ta cũng không muốn mua. Bởi vì cây tràm trong đó hiện nay bị tình trạng cong, nhỏ, không đều cây...vậy nên cây tràm càng thêm rớt giá. Nguyên nhân nếu nhà nước mình có chủ trương cho múc liếp thì trồng sẽ mau lớn, còn để trồng lan trong rừng thì lâu lớn, thậm chí không lớn luôn.”

Người dân muốn được trồng thêm những loại cây cho kinh tế

Giáp ranh khu vực rừng tiểu khu 34, thuộc huyện An Minh (Kiên Giang) là tỉnh Cà Mau. Đất rừng địa phận tỉnh Cà Mau cũng được quy hoạch trồng cây tràm tương tự, tuy nhiên gần đây được thay đổi trồng đan xen thêm cây keo lai – một loài cây vừa có giá trị cao về kinh tế, vừa đảm bảo độ phủ xanh và hài hòa hệ sinh thái rừng giống cây tràm.

Ông Trần Hồng Đảo, nguyên Hạt trưởng hạt kiểm lâm An Biên, An Minh và là một trong những người xung phong nhận đất vào rừng sống đầu năm 1990 cho biết, cây keo lai sẽ giúp ổn định kinh tế người dân giữ rừng rất nhiều vì chỉ mất khoảng từ 3-4 năm sẽ được thu hoạch, rút ngắn thời gian rất nhiều so với cây tràm từ 8-10 năm:

“Theo tôi có tính toán thử nếu lên liếp trồng keo lai thì khoảng 4 năm sẽ thu hoạch, 1ha keo lai sẽ bán được khoảng từ 200 -250 triệu trong 4 năm. Trong khi đó tràm hiện nay từ 8-10 năm mới thu hoạch mà bán 1 công đất tràm được có 2-3 triệu”

Bởi đời sống quá khó khăn từ khi cây tràm rớt giá, nhiều người dân đã không còn mặn mà và bỏ trống đất rừng, dẫn đến nguy cơ bị các đối tượng xấu xâm nhập khai thác trái phép, phá rừng. Sau cùng người dân còn bám trụ ở lại giữ rừng mong rằng, cần có những thay đổi quy hoạch sát với thực tế hơn, từ đó giúp người dân yên tâm và vừng vàng đời sống:

“Mục đích xin trồng thêm cây keo lai đan xen cây tràm thì không phá huỷ hệ sinh thái, vẫn giữ nguyên màu xanh độ phủ của rừng.”

“Theo tôi thì nên chuyển đổi một phần thôi chứ không nên ồ ạt mà chuyển hết, ví dụ chỉ nên chuyển một nửa để lấy ngắn nuôi dài. Cây tràm mặc dù rớt giá nhưng vẫn có nhiều mặt tốt như độ giữ ngọt, giữ cá đồng và mật ong...những thứ này vẫn có thể duy trì sự sống của người dân”.

 

Theo Ban quản lý rừng Kiên Giang, hiện rừng tiểu khu 34 được quy hoạch là rừng phòng hộ trồng cây tràm, thế nên muốn chuyển đổi mục đích trồng loại cây khác phải xin chủ trương và làm các thủ tục khác có liên quan theo quy định.

Hiện đơn vị quản lý rừng cũng nắm rõ những khó khăn hiện hữu và mong muốn của người dân được giao khoán đất giữ rừng. Trong thời gian tới Ban quản lý rừng sẽ kiến nghị với UBND tỉnh Kiên Giang về những khó khăn của người dân, từ đó có những thay đổi sát với thực tế.