Người “điên” trên phố

Hà Nội hơn 9 triệu người. Ngược xuôi, hối hả, ào ào lướt qua những con đường đầy xe cộ. Có khi nào tình cờ, bạn gặp một người không bình thường trên phố? Những người mà bác sĩ gọi là triệu chứng của tâm thần kinh, còn dân gian gọi là người “điên”. Những người “điên” trên phố..

“Không hiểu sao bây giờ lại có nhiều người tâm thần hơn ngày xưa. Người lang thang mà trông tâm thần không bình thường, nhìn biết ngay”

"Nhiều khi họ chẳng làm gì, cứ đi trên đường nhặt nhạnh thế thôi. Trông cũng tội! chẳng biết có người thân gì không!”

Người “điên” đôi khi rất dễ nhận ra. Với quần áo lếch thếch, hoặc màu mè nhiều tầng nhiều lớp, gắn lên đó tất cả những gì mà họ kiếm được.

Người “điên”, với đầu tóc bù xù, dính bết vào nhau, chân trần lấm lem, hoặc giầy dép mỗi bên một kiểu.

Người “điên”, với một bịch rất to những thứ nhặt nhạnh trên đường, vắt trên vai hoặc kiếm một chiếc gậy luồn qua, gánh đung đưa lúc lỉu.

Người đàn ông ở ngã tư bất ngờ đi đến “thơm” chú chó trên giỏ xe của người đi đường, trong sự ngạc nhiên của người tham gia giao thông

Có khi, họ đột nhiên lao ra giữa phố, cầm gậy cầm quạt, múa may quay cuồng.

Có lúc, họ bất ngờ múa hát, biểu diễn say sưa, như thế đường phố là sân khấu của riêng họ.

Nhưng người “điên” không phải khi nào cũng dễ nhận ra.

Có khi, họ ăn mặc bình thường, bộ dạng, hành động bình thường, mà bên trong hoàn toàn trống rỗng vô định, hoặc đang rất dữ dội. Sự bất thường có thể bộc lộ ra bất cứ lúc nào, phá vỡ cái vỏ bình thường tạm bợ..

….

Gặp người “điên” trên phố, ai đó có thể lướt qua không cảm xúc, như ngang qua một cái cây, một viên đá cuội. Ai đó phì cười khi nhìn thấy họ, với động tác ngô nghề.

Ai đó có chút lo lắng nếu đang lái xe mà người “điên” thình lình xuất hiện giữa đường.

Ai đó khởi lên một chút ưu tư, lo người “điên” có thể bị nạn khi đứng giữa những làn xe cộ đang vun vút lao đi. Ai đó nghĩ ên man xem người “điên” ăn gì, ngủ đâu, nếu lang thang qua ngày tháng…

Những câu hỏi khởi lên, rồi phần lớn sẽ nhanh chóng lướt qua, và lập tức nhấn chìm giữa bao nhiêu hối hả…

“Nhiều khi cũng thương, nhưng chẳng biết làm thế nào, biết họ ở đâu mà giúp”

"Giờ làm sao mà có cơ quan đi đưa những người đấy về một nơi, để chăm sóc và quản lý. Người nhà có người đi lang thang thì tìm đến đấy để nhận".

Những chạnh lòng về người “điên” trên phố thường nhanh chóng bị chìm lấp giữa phố đông

Bộ hành trên phố, ngang qua một người “điên”, nếu không hững hờ, bạn có thể chậm lại, ngoái nhìn, rồi hình dung về những cơn cớ cuộc đời đẩy đưa người ta đến trạng thái đó.

Ngang qua người “điên”, và quan sát những sự ngang qua, bạn nhận ra thị thành vội quá! Hình như người này chờ đợi người kia, mà quên mất những việc nhỏ mình có thể làm, để sẻ chia cùng họ, trước khi cộng đồng tìm ra cách hiệu quả hơn: một tấm bánh, một manh áo, một món đồ dùng… hoặc lưu lại hình dung, định vị về họ, để giúp đỡ nếu có gia đình đăng tin tìm người.

Biết đâu, người “điên” kia là một trong số người thân của người thân, mà bạn, vì lâu lắm chưa chuyện trò nên không biết. Họ cũng có thể là người thân của chính mình, thậm chí là ta, nếu lỡ một ngày, cú sốc nào đó xảy ra, mà ta không đủ vững để giữ được thăng bằng.

Gặp một người “điên”, bộ hành hay lái xe thường thở dài ái ngại. Nhưng chưa chắc ai ““điên”” hơn. Ta, với một khối “bom nổ chậm” trong người, đủ thứ áp lực, quay cuồng trong những vòng xoáy của toan tính, đua chen, của giận hờn và sợ hãi, hay họ - những người có thể cười thật thà ngây ngô, có thể giơ tay đùa nghịch với một nhành cây, một cọng rác.

Nếu coi “điên” là một trạng thái không bình thường, không cân bằng, không thể vui vẻ vô tư, hoặc sự vui phụ thuộc vào ngoại cảnh, thì đằng sau cái vẻ bình thường, ai mới thực sự… “điên” hơn?

Sự “điên”, xét cho cùng, cũng chỉ là một ý niệm.