Người dành trọn đời giữ lửa văn hóa Khmer

Khi nhắc đến những tấm gương điển hình có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc Khmer ở Trà Vinh nói riêng và Nam bộ nói chung, nhiều người thường nghĩ ngay đến nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Lâm Phên, ngụ ấp Ba Sê A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Ông đã có nhiều công trình đóng góp cho các mặt hoạt động trưng bày, triển lãm để tham gia các Ngày hội văn hóa, thể thao và Du lịch dân tộc Khmer do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Đồng thời chế tác mão mặt nạ: các loại mặt nạ chằn, khỉ, mặt nạ chay dam, mão têvôđa, múa cổ điển,… cho các đơn vị trong và ngoài tỉnh để dàn dựng nghệ thuật biểu diễn phục vụ công chúng. Đối với Nghệ nhân Lâm Phên, niềm đau đáo lớn nhất của ông là làm sao để bảo tồn và phát triển văn hoá của đồng bào Khmer.

Nghệ nhân ưu tú Lâm Phen hơn 30 năm gắn bó với nghề chế tác mũ mão, mặt nạ...mang đậm chất văn hóa Khmer, đóng góp lớn vào công cuộc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Khmer. Ảnh: baodantoc,vn

Người Khmer sinh sống tập trung ở Nam Bộ có nền văn hóa phong phú từ âm nhạc, kiến trúc, hội họa, các loại hình nghệ thuật dân gian được giữ gìn và tái hiện thường xuyên vào những dịp Lễ hội. Những vật dụng phục vụ cho các loại hình này cũng được đặc biệt quan tâm đầu tư và sáng chế nhằm mang đến cái hồn, phát huy tối đa những giá trị văn hóa dân tộc.

Thấu hiểu tầm quan trọng ấy, nhiều nghệ nhân đã không ngừng cống hiến cuộc đời mình cho công việc sáng chế hiện vật, đạo cụ dân tộc.

Chúng ta cùng gặp gỡ NNƯT Lâm Phên một trong những nghệ nhân dành trọn cuộc đời của mình để chế tạo, phục chế các hiện vật văn hóa gắn với phong tục, tập quán của người dân tộc Khmer ở tỉnh Trà Vinh.

PV: Thưa nghệ nhân, tại sao ông lại chọn gắn bó với công việc này ?

NNƯT Lâm Phên: Đầu tiên là chú ham tìm hiểu, học hỏi tại cái sở thích của mình, thấy mấy ông cụ làm mình cũng cố gắng làm theo. Cha của chú làm nghề xây dựng cho nên biết nghề mộc rất là rành, thuận lợi cho chú, ví dụ như nhạc ngũ âm mình biết nghề mộc thì nó rất là dễ.

Ngày xưa, có đi lính bên Campuchia, lúc đó mình làm bộ đội nhưng không có đi đánh giặc thường vì chú ở ban địch vận để hỏi cung, giờ nghỉ trưa tranh thủ qua nhà nghệ nhân kế bên.

PV: Trong quá trình làm nghề thì nghệ nhân đã gặp phải những khó khăn gì ?

NNƯT Lâm Phên: Nói chung học từ cha rồi, học xây chùa lớn lớn dễ làm. Qua mấy cái hiện vật này nó tỉ mỉ hơn, nhỏ hơn vì vậy mình phải cố gắng. Mình sáng tạo theo ý của mình nhưng phải đúng văn hóa. Ví dụ mình thích một hiện vật thì phải làm cho đúng, bài bản theo văn hóa dân tộc mình.

Phải có tài liệu mình học theo rồi từ từ nó thấm vào đầu. Mình thích thì cái gì mình cũng làm được hết. Tại vì mình có nghề sẵn rồi, nó tỉ mỉ nhưng mà mình phải cố gắng, động não. Mỗi công trình thì làm nhạc ngũ âm là lâu nhất vì cái đó công phu nhiều, lựa âm nhiều, còn phải thử đi thử lại do sợ nó trở âm. Trước khi giao cho người ta mình phải lựa nhiều lần để nó chuẩn.

PV: Nghệ nhân có đánh giá như thế nào về cách mà giới trẻ, những người kế cận mình gìn giữ và bảo tồn những di sản, văn hóa của đồng báo Khmer ?

NNƯT Lâm Phên: Trong tỉnh, các bạn trẻ tự tổ chức, làm cái mão mặt nạ dã chiến đeo lên nó múa theo mấy người lớn nên thấy rất là quý. Lớp trẻ đa số  rất là yêu thích văn hóa nghệ thuật. Nhờ Đảng và Nhà nước hỗ trợ tổ chức, mua sắm cho chùa, ví dụ như nhạc ngũ âm trong thời gian đó Nhà nước hỗ trợ vốn mua cho rồi chú tự lập rồi kêu mấy đứa trẻ lại.

PV: Chú có nguyện vọng, mong muốn gì để nét văn hóa của đồng bào Khmer ngày càng phát triển ?

NNƯT Lâm Phên: Mong muốn của chú là cần Nhà nước tổ chức thêm để đào tạo lớp trẻ chuẩn hơn chứ còn chú thì không có đủ khả năng.

PV: Xin cảm ơn nghệ nhân rất nhiều. Chúc ông luôn có nhiều sức khỏe để tiếp tục đồng hành với công việc ý nghĩa này.

Nghệ nhân ưu tú Lâm Phên vừa kiểm tra và biểu diễn các loại nhạc cụ cổ truyền (đờn cò và đờn khum) của đồng bào Khmer. Ảnh: Sức khỏe đời sống

Bước vào ngôi nhà của nghệ nhân Lâm Phên, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những khúc gỗ to ở trước sân nhà là nguyên vật liệu để phục vụ cho công việc của người nghệ nhân này. Bên trong nhà là các thể loại mão, mặt nạ phục vụ cho các loại hình sân khấu nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer. Tất cả đều do tự tay ông chế tác.

Ngoài ra, nghệ nhân Lâm Phên còn được biết đến vì có nhiều công trình đóng góp cho các mặt hoạt động trưng bày, triển lãm để tham gia các Ngày hội văn hóa, thể thao và Du lịch dân tộc Khmer do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hoặc địa phương tổ chức. 

Có cha làm nghề xây dựng, từ nhỏ nghệ nhân Lâm Phên đã theo cha rong ruổi khắp ền Tây Nam bộ. Hễ đến phum, sóc nào thấy có nhạc cụ, công trình kiến trúc mới lạ là ông rất hiếu kỳ và tìm cách “tầm sư học đạo”. Được tiếp cận với nghề mộc của cha từ nhỏ, cộng với niềm đam mê với các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống, ông Lâm Phên đã theo học một người nghệ nhân gần đơn vị trong thời gian 3 năm nhập ngũ.

Sau khi trở về quê hương, nghệ nhân Lâm Phên quyết định theo đuổi đam mê của mình, lập nghiệp bằng việc chế tạo các loại nhạc cụ như: dàn ngũ âm, đàn gáo, đàn cò, trống tay và đàn tà khê: "Đảng và Nhà nước mở rộng văn hóa các dân tộc, trong đó có dân tộc Khmer mà người Khmer thì chùa chiền rất là nhiều bởi vậy khách hàng sử dụng nhiều, giá không cao nên người ta có khả năng sắm được. Nhạc thì có công ty này, công ty kia, Nhà nước đặt để cúng cho chùa. Nói chung trong Nam bộ đặt ở đây hết, các bảo tàng thì Bảo tàng Việt Nam ở Hà Nội, Bảo tàng các dân tộc Việt Nam ở Thái Nguyên, trường Đại học An Ninh ở Thủ Đức cũng đặt bảy mươi mấy món".

Những chiếc mặt nạ mà Nghệ sĩ ưu tú Lâm Phên chế tác ra nhằm phục vụ cho các loại hình văn hóa nghệ thuật Khmer trong tỉnh Trà Vinh và nhiều tỉnh, thành khác. Ảnh: Báo Dân sinh

Ngoài tâm huyết với công việc chế tác các loại nhạc cụ kể trên, NNƯT Lâm Phên còn đam mê làm mão và mặt nạ là đạo cụ phục vụ trong nghệ thuật diễn xướng, múa hát truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ. Ông cho biết, trong các loại hình nghệ thuật diễn xướng, múa hát truyền thống của người Khmer như Rô băm và Dù kê thì mão và mặt nạ là 2 loại phục trang đặc biệt quan trọng, mang đậm màu sắc huyền bí, linh thiêng, thể hiện đậm chất văn hóa truyền thống của người Khmer.

Sản phẩm mão và mặt nạ do NNƯT Lâm Phên chế tác rất công phu, tỉ mỉ với những đường nét, màu sắc tinh tế, sắc sảo, tạo được ấn tượng sâu đậm về tính cách của từng nhân vật thiện, ác khác nhau trên sân khấu:

"Tại vì hồi xưa thì thấy ông bà trong hội hát rằm có mấy ông làm rồi mình cũng bắt đầu làm. Bây giờ, coi như mình sáng tạo ra nhanh hơn, chất lượng hơn. Mấy ông cụ mình làm bằng đất sét rồi lấy vải đắp vô với mũ hồng rừng. Bây giờ, tôi sáng kiến làm khuôn bằng xi măng, đầu tiên lấy giấy báo dán thấy nó dở mới nghiên cứu, kinh nghiệm ra lấy vé số, vé số nó chất lượng hơn. Mấy đại lý người ta đem đưa cho chú, hồi chưa có đại lý thì chú mua của mấy học trò nó đi lượm", NNƯT Lâm Phên cho biết.

Là một người con của đồng bào dân tộc Khmer, nghệ nhân Lâm Phên hiểu được trách nhiệm của mình về việc bảo tồn và phát triển phong tục, nét văn hóa truyền thống dân tộc. Ông không ngại khó khăn lặn lội đến nhiều phum, sóc trong cộng đồng người Khmer ở Nam bộ để sưu tầm, bảo tồn những làn điệu dân ca, những bài hát trong đám cưới truyền thống và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Ông còn sáng lập ra đội trống Sa dăm của xã Lương Hòa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Khmer ở địa phương.

Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Lâm Phên cùng hai người con đã mở lớp truyền dạy nghề, mỗi lớp đào tạo khoảng 8 đến 10 người. Đến nay, học trò của nghệ nhân Lâm Phên cũng đã gần 20 người.

Nói về sự đóng góp của nghệ nhân Lâm Phên trong việc góp phần bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc Khmer, ông Thạch Mu Ni – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: "Nghệ nhân Lâm Phên là nghệ nhân ưu tú người dân tộc Khmer của tỉnh Trà Vinh. Nghệ nhân Lâm Phên đã chế tác mũ, mão, các đạo cụ phục vụ cho biểu diễn nghệ thuật cũng như là trưng bày, triển lãm của các sự kiện, hoạt động văn hóa trong và ngoài tỉnh. Như vậy thì, một đặc điểm hết sức nổi bật là nghệ nhân Lâm Phên là các chế tác mang đặc trưng là sản phẩm văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung và của đồng bào Khmer nói riêng. Góp phần rất lớn trong việc giữ gìn, phát huy, quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Khmer của tỉnh Trà Vinh nói riêng và cả Nam bộ".

Nghệ nhân Lâm Phên là một trong số ít người Khmer còn biết chế tác nhạc cụ ngũ âm. Ảnh: Báo Dân tộc

Với những nỗ lực và cống hiến cho nghệ thuật dân tộc, thiết thực góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc người Khmer, ông Lâm Phên vinh dự được tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2018. Kể từ đó đến nay, người nghệ nhân tài hoa này vẫn hằng ngày ệt mài nghiên cứu, chế tác ra các nhạc cụ, đồ vật, công trình … phục vụ cho đời sống văn hóa đồng bào dân tộc người Khmer cùng với ngọn lửa đam mê với nghề, với văn hóa dân tộc vẫn luôn cháy trong tim của Nghệ nhân Ưu tú Lâm Phên.