Người cuối cùng viết kinh trên lá

Kinh lá Buông ( kinh được viết trên lá cây Buông) được xem như “báu vật” có giá trị đặc biệt trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Loại thư tịch cổ xưa được viết dưới dạng giáo lý của đức Phật, răn dạy con người làm điều thiện lành đã trở thành “kim chỉ nam” để các thế hệ người Khmer Nam Bộ giáo dục con em mình trở thành người trí thức và đức hạnh. Tuy nhiên, do việc chép kinh là cả một kỳ công nên loại kinh này đang có nguy cơ bị thất truyền.

 Báu vật trí tuệ và đức tin của người Khmer

Hiện nay, người duy nhất nắm giữ trọn vẹn kỹ thuật viết chữ trên lá Buông là Nghệ nhân ưu tú - Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty (83 tuổi, trụ trì chùa Soài So, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), truyền nhân đời thứ 9 và cũng là người cuối cùng của Việt Nam viết kinh trên lá.

Nghệ nhân ưu tú - Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty đang truyền dạy kỹ thuật chép kinh trên lá Buông cho đồ đệ.
Nghệ nhân ưu tú - Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty đang truyền dạy kỹ thuật chép kinh trên lá Buông cho đồ đệ.

Giữa lòng đô thị ồn ào náo nhiệt, chùa Pitu Khôsa Răngsây tọa lạc ở Đại lộ Hòa Bình, Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ có một không gian rất tĩnh lặng. Đây là một trong những ngôi chùa hiếm hoi ở ĐBSCL còn lưu giữ những bản kinh cổ viết trên lá cây Buông. Thượng tọa Lý Hùng – Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây mở tủ kính lấy bộ kinh lá được bọc cẩn thận trong lớp vải thêu để giới thiệu đến các vị lữ hành.

Bộ kinh viết trên lá Buông có tiếng là “báu vật” nhưng nội dung lại ghi chép những triết lý hết sức giản dị, diễn văn rất dễ hiểu: “Kinh lá Buông cổ thì có nhiều dạng, một bộ có nhiều tập thuyết pháp, nhiều tập nói về tiền thân của đức Phật, nhiều bộ ngắn nói về lễ nghi của đồng bào dân tộc Khmer. Chúng tôi lưu giữ để sau này cho các vị tăng sinh trẻ nghiên cứu, tham khảo, học tập”.

Theo các đồ đệ của Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty thì sư phụ của họ cũng chưa biết được “sư tổ” của loại kinh lá Buông này là ai. Năm 30 tuổi, Hòa thượng Chau Ty xuất gia vô chùa, được học chữ Khmer cổ rồi được các sư cả dạy cho viết kinh trên lá Buông, nhờ đó mà thông thạo từ khâu chọn nguyên liệu đến việc khắc chữ. Kinh lá Buông là một dạng tài liệu ghi chép về các nghi lễ tôn giáo, văn học, y học, lịch pháp và những câu chuyện dân gian…nhằm răn dạy con cháu sống đời từ bi, hiếu kính. Thư tịch này có 4 loại gồm: kinh Phật; truyện cổ dân gian; hội hè, trò chơi dân gian; bài giáo huấn dân gian. Trong đó, kinh Phật là tài liệu quý nhất chỉ được mở ra thuyết pháp vào những dịp quan trọng như: lễ Phật Đản, lễ dâng bông, lễ dâng y cà sa, lễ cúng trăng, lễ cúng ông bà.

Bộ kinh lá Buông thỏa mãn hai yếu tố tri thức và kỹ thuật. Mẫu tự viết trên lá Buông là chữ Khmer cổ với nét khắc mượt mà.
Bộ kinh lá Buông thỏa mãn hai yếu tố tri thức và kỹ thuật. Mẫu tự viết trên lá Buông là chữ Khmer cổ với nét khắc mượt mà.

Ông Chau Mô Ni Sóc Kha – Nhà nghiên cứu văn hóa Khmer cho biết: “Kinh lá Buông trong văn hóa Khmer thì người dân tộc không lưu cất ở nhà và chỉ lưu trữ ở chùa để phục vụ cho tôn giáo, lễ nghi. Một bộ sách lá thiên về tiền kiếp đức Phật, những câu chuyện răn dạy ở đời. Đặc điểm những tờ kinh lá này là lưu giữ những dòng chữ cổ, nếu thế hệ sau này không vào chùa học thì khó đọc lắm”.

Thách thức gìn giữ và hướng đi bảo tồn di sản kinh lá Buông

Là một dạng thư tịch đơn sơ thô mộc nhưng khâu chép kinh rất gian lao, những ai tinh thông Phật pháp và có trí lực phi thường mới làm được. Chính vì nguyên nhân này mà mỗi đời, các sư tổ của người Khmer chỉ truyền lại “bí kíp” viết chữ kinh lá cho duy nhất một đệ tử đủ đức, đủ tài, đủ Phật hạnh. Trưởng lão Hòa Thượng Chau Ty là truyền nhân đời thứ 9 vinh hạnh được kế thừa nghệ thuật khắc kinh trên lá Buông.

Đầu tiên chọn lá cây Buông, một loại cây gần giống cây Thốt Nốt. Mỗi chiếc lá có thể xé thành 3 mảnh nhỏ để viết chữ, mỗi mảnh dài 5-6 tấc, chiều rộng 5 phân. Loại lá được nhắm đến để khắc kinh phải là lá còn non, mới mọc khỏi thân cây và được che chắn cẩn thận chờ cho tới lúc lá bắt đầu già. Trước khi khắc, lá phải ngâm trong nhựa cây để luôn tươi, không mốc và tăng độ bền.

Bút khắc chữ lên lá Buông được làm bằng gỗ, vừa tay cầm, một đầu có gắn mũi kim nhọn để khắc chữ xuống thân lá.

Sau khi có lá ưng ý sẽ tới kỳ công khắc kinh, một bộ kinh lá Buông được đánh giá là thành công phải thỏa mãn được hai yếu tố: Tri thức và kỹ thuật. Mẫu tự viết trên lá Buông phải là chữ Khmer cổ, người viết phải hiểu và đọc được loại chữ cổ, đồng thời phải rất khéo tay để khắc nét chữ mượt mà. Khi khắc phải luôn đều tay để nét chữ không nông, không sâu, đều đặn và thẳng hàng. Cách viết từ trái qua phải, từ trên xuống dưới.

Mỗi tấm lá Buông viết khoảng 6 dòng, mỗi dòng trung bình 23 chữ. Khắc cữ xong sẽ tới khâu dùng loại bột lấy từ cây Mặc Nưa để bôi lên lá, bột ngấm thì chữ viết hiện lên, dù có rơi xuống nước thì chữ viết vẫn không bị mất. Với tính chất khó khăn như thế, nhanh lắm thì một Nghệ nhân chỉ viết được 5 tấm lá/ngày. Nếu bất cẩn không tập trung, nét chữ bị sai thì cả tấm lá phải bỏ. Để chép xong một bộ kinh Phật có độ dài từ 20 - 60 lá thì thường mất hàng tháng trời.

Thầy Chau Chên – ngụ xã Cô Tô, huyện Tri Tôn đến chùa Soài So học kỹ thuật khắc kinh trên lá Buông từ Hòa thượng Chau Ty cho biết: “Tôi ở xứ xa đến đây học để lưu truyền bộ kinh của đức Phật cho con cháu biết, muốn học cho đạt thì viết chữ phải đẹp. Tâm của mình phải được giữ một cách yên ổn mới viết được. Vừa viết mà vừa nói chuyện lỡ sai thì không sửa được vì nét khắc đã dính lên lá rồi”.

Việc viết kinh trên lá Buông bắt buộc phải dùng một loại bút chuyên dụng mà người Khmer gọi là Đéc-Cha. Bút này được làm bằng gỗ, vừa tay cầm, một đầu có gắn mũi kim nhọn để khắc chữ xuống thân lá. Khi đó tay phải cầm bút và điều khiển đầu bút, còn tay trái giữ lá, nhưng đầu bút phải tựa lên ngón cái của bàn tay kia. Với sự kỳ công để hoàn thành một bộ kinh lá, Bộ VHTT&DL đã công nhận “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017. Sư cả Chau Ty được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì duy trì loại hình nghệ thuật độc đáo này. Hiện nay, toàn ĐBSCL có hơn 170 bộ kinh lá Buông nằm rải rác ở một số chùa lớn của người Khmer, tuổi đời từ khoảng 120 năm. Tuy nhiên, những bộ kinh này được cất giữ rất kỹ lưỡng vì gần như là những bộ kinh lá cuối cùng của đồng bào Khmer.

Việc kế tục chép kinh trên lá thời gian qua được thực hiện nhưng chỉ mới dừng lại ở những lớp học bảo tồn kỹ thuật khắc kinh trên lá, chưa có bộ kinh lá mới nào được “nghiệm thu” để đứng vào hàng ngũ cất giữ của chùa. Do tuổi cao sức yếu, gần 10 năm nay, Nghệ nhân Chau Ty không còn đủ sức chép thêm bộ kinh lá nào nữa. Những bộ kinh cũ cũng có dấu hiệu bị hư hỏng bởi vật liệu lá Buông không thể tồn tại mãi với thời gian. Thách thức lớn trong việc tìm người kế tục để chép lại những điều cổ nhân đã truyền và ghi thêm những điều mới của kinh pháp cho phù hợp với thực tế lại vô cùng khó khăn vì đa phần các đệ tử thiếu lòng kiên nhẫn trong việc học chép kinh. Cây Buông cũng đã biến mất hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam khiến việc tìm được chất liệu viết kinh cũng gian nan bội phần. Ngoài ra, yếu tốt thời đại, giao lưu văn hóa đã làm thay đổi quan niệm sống nên kinh lá dần trở nên ít phổ biến trong đời sống người dân Khmer.

Lá Buông, loại lá đã biến mất khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nếu muốn tiếp tục khắc kinh trên lá, phải mua lá này từ Campuchia.

Mới đây nhất, An Giang đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer tỉnh An Giang” đến năm 2030.

Theo đó, sẽ phục hồi số kinh đã bị hư hỏng rồi tiến đến tư liệu hóa và số hóa di sản này. Tỉnh cũng chức xây dựng thêm các dị bản của một số bộ kinh lá Buông phục vụ cho công tác giáo dục di sản, phát triển du lịch, đưa vào chương trình học ngoại khóa và các cuộc thi ở các trường học. Giai đoạn 2028-2030 tỉnh sẽ thực hiện xây dựng hồ sơ đăng ký công nhận Di sản tư liệu tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer ở tỉnh An Giang thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á  - Thái Bình Dương của UNESCO.

Ủng hộ đề án bảo tồn này, Thượng tọa Lý Hùng – Phó trưởng Ban trị sự giáo hội Phật giáo TP. Cần Thơ đóng góp: “Hiện nay Hòa thượng Chau Ty cũng vẫn hướng dẫn, giảng dạy cho các vị sư sãi trẻ để viết kinh sách lá Buông nhiều năm nay. Nhưng chúng tôi cũng muốn phổ rộng, ở Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, chúng tôi mời các nghệ nhân, tất cả các vị tăng sinh trẻ ở khu vực ĐBSCL đến các lớp mới mở học viết chữ, khắc chữ. Chúng tôi nghĩ như vậy sẽ tốt hơn vì các cụ giờ cũng lớn tuổi, sau này các cụ vô thường thì ít nhất mình cũng đào tạo được lớp kế thừa để gìn giữ, bảo tồn kinh sách cổ này”.

Đằng sau những giá trị của 170 tập kinh lá Buông là một Trưởng lão Hòa Thượng Chau Ty chất chứa nhiều khắc khoải. Hơn 50 năm tâm huyết gìn giữ “báu vật”, Hòa thượng Chau Ty đã không phụ lòng ủy thác của các bậc tiền nhân. Nhưng, việc tìm được người tài đức kế tục đời thứ 10 của kinh lá lại là điều khó khăn nhất ở những năm tháng cuối đời. Với ông, điều mong mỏi lớn nhất là Đề án bảo tồn Di sản Kinh lá Buông triển khai thành công, để những tấm lá mỏng manh ấy được hồi sinh, để những giáo lý cổ xưa được tiếp tục lưu truyền, răn đời những giá trị tốt đẹp.