Người chắp cánh cho nông sản Việt

Trên mảnh đất trù phú của miền Đông và Tây Nam Bộ, nơi những vườn cây ăn trái xanh mướt chạy dài tít tắp, có một người phụ nữ trẻ đã và đang viết nên câu chuyện cổ tích thời hiện đại.

Chị Hoàng Thị Thu Thảo, sinh năm 1989, lớn lên trong một gia đình nông dân thuần túy. Từ nhỏ, chị đã chứng kiến cảnh cha mẹ cùng những người nông dân trong vùng lam lũ một nắng hai sương, đến mùa thu hoạch lại chứng kiến cảnh thương lái ép giá, đôi khi trái cây chín rụng đầy vườn mà bàn chẳng ai mua. Hình ảnh những trái cây thấm đẫm mồ hôi công sức của người nông dân bị bỏ phí hoặc bán với giá rẻ như cho đã hằn sâu vào ký ức của người phụ nữ nhỏ nhắn sinh năm 1989 này.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, dù có công ăn việc việc ổn định tại một ngân hàng nước ngoài ở TP.HCM nhưng chị vẫn canh cánh bên lòng mỗi khi nhớ đến quê nhà. Với quyết tâm thay đổi số phận của trái cây quê hương, năm 2011, chị Thảo đã quyết định rời bỏ công việc đáng mơ ước để trở về quê, bắt đầu hành trình khoác chiếc áo mới cho trái cây Việt đầy thử thách của mình.

Thu Thảo giới thiệu các sản phẩm của công ty. Ảnh: Báo Ấp Bắc

PV: Xin chào chị Hoàng Thị Thu Thảo. Được biết trước đây Chị Thảo làm ở một ngân hàng của nước ngoài với vị trí và mức lương phải nói rằng đó là mơ ước của nhiều người. Không biết là động cơ nào khiến chị quyết định chuyển hướng sang khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp mà cụ thể là trái cây sấy dẻo và trái cây sấy giòn để xuất khẩu?

Trước khi làm trái cây, em làm trợ lý giám đốc của một Ngân hàng ở Sài Gòn. Còn trái cây thì từ nhỏ ba mẹ em đã trồng trái xây, Ba mẹ em trồng xoài. Khi vô vườn thu mua thì họ ép giá. Từ đó, gia đình em mới chuyển sang xuất trái cây tươi đi. Xuất trái cây tươi thì cũng bị ép giá nữa. Nói chung là họ vô vườn cũng ép giá, xuất qua bên đó cũng ép giá. Lúc đó mới có suy nghĩ là đổi sang hướng chế biến thì hàng sẽ không bị hư hỏng trên đường vận chuyển, lúc đó sẽ đảm bảo chất lượng.

PV: Từ ý tưởng để cho trái cây của gia đình mình không còn bị ép giá, cho tới sản phẩm sấy như thế này mất bao lâu và có gặp trở ngại nào không?

Từ xuất khẩu trái cây tươi cho tới khi thành công trong lĩnh vực trái cây sấy là mất 5 năm. Trong thời gian đầu rất là khó khăn. Do mình mới làm nên chưa có kinh nghiệm nên hàng hóa rất dễ bị hư, bị lỗi kỹ thuật, mình phải thu hồi sản phẩm về để mình sửa, rồi mình bị mất tiền trên sản phẩm đó. Cái nữa là yêu cầu của khách hàng cao nên mình phải thay đổi cho phù hợp. Ví dụ như bộ phận nào hoặc khâu nào không đúng với yếu cầu của khách thì mình buộc phải thay đổi cho đúng yêu cầu của khách.

PV: Để có được một sản phẩm thành phẩm như thế thì mình phải trải qua quy trình sản xuất như thế nào, thưa chị?

Quy trình sản xuất trái cây là đầu tiên mình gom nguyên liệu là trái cây tươi, sau đó về rửa sạch và sơ chế. Tiếp đó mình đưa lên lò sấy. Sau khi sấy khoảng 24 tiếng thì sẽ ra thành phẩm trái cây khô và mình đóng gói, bảo quản lạnh để xuất khẩu. Hơn 5 nước: Nga, Mỹ, Phần Lan, Barzil, Hàn Quốc,…

PV: Như chị vừa chia sẻ, hiện sản phẩm của mình đã có mặt trên thị trường của 5, 7 nước trên thế giới mà toàn là những nước rất khó tính đối với mặt hàng trái cây. Có thể nói đây là một thành công rất lớn. Kế hoạch sắp tới của mình là gì?

Kế hoạch sắp tới là em sẽ tìm thêm thị trường. Ví dụ như hiện mình đã có 5 thị trường ở 5 nước, mình phải tìm thêm những nước khác nữa để mình xuất qua, nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa để đạt yêu cầu của đối tác.

PV: Xin cảm ơn chị Thảo và xin chúc cho công ty mình ngày càng tiến xa hơn trên thị trường thế giới

Thu Thảo kiểm tra sản phẩm. Ảnh: Báo Ấp Bắc

"Nói chung khi vô vườn họ cũng ép giá mà khi xuất khẩu qua bến đó cũng bị ép giá".

"Rất khó khăn trong thời gian đầu. Từ xuất khẩu trái cây tươi cho tới khi thành công trong lĩnh vực trái cây sấy là mất 5 năm".

"Những trái cây sấy dẻo làm ra một phần cũng giúp đỡ cho các chị em có công ăn việc làm, giải quyết đầu ra của nông sản tại địa phương".

Sinh ra và lớn lên tại Đồng Nai trong gia đình làm vườn và kinh doanh xuất khẩu trái cây tươi, thế nhưng đến mùa thu hoạch lại bị thương lái ép giá, thậm chí khi xuất khẩu ra nước ngoài, trái cây Việt tiếp tục bị lép vế chỉ vì khâu bảo quản không tốt.

Năm 2011, Chị Thảo từ bỏ chốn thành đô để trở về quê thử sức trong lĩnh vực mới – lĩnh vực nông nghiệp. Cũng kể từ đó, quyết định táo bạo này đã tạo ra bước ngoặt cho cuộc đời mình. Theo chị Thảo “nếu không dám đột phá, mãi mãi người nông dân quê mình cũng chỉ quanh quẩn trong vòng luẩn quẩn với điệp khúc được mùa thì mất giá, mất mùa thì trắng tay.” Để thực hiện ước mơ, Thu Thảo phải bỏ ra 5 năm trời để bay sang trời Tây, những quốc gia có công nghệ sấy lạnh tiên tiến nhất thế giới để học hỏi kinh nghiệm và học cách làm trái cây sấy lạnh.

Trong hành trình đó, Thu Thảo đã làm việc tại nhiều nhà máy chế biến nông sản ở Đức, Nga, Mỹ, …, vừa học hỏi kỹ thuật vừa tìm hiểu nhu cầu của thị trường quốc tế. Khi về nước chị cùng những người thân trong gia đình bắt tay ngay vào công việc.

Cũng kể từ đây Công ty TNHH VINAXO ra đời tại Khu phố 5, Thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang và chị Thảo đã gắn bó hoàn toàn với lĩnh vực nông nghiệp. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, thời gian đầu chị Thảo đối diện với muôn vàn khó khăn. Từ việc không có đủ kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực chế biến nông sản bằng nhiệt lạnh, cho đến việc thiếu vốn, thiếu công nghệ, Những lô hàng đầu tiên liên tục bị hỏng, bị phía đối tác trả về. Nhưng “thất bại là mẹ thành công”, không nản chí, Thu Thảo quyết định làm lại từ đầu và chị đã thành công.

Để có được 1 tấn hàng thành phẩm, phải cần đến 10 tấn trái cây tươi. Trung bình mỗi tháng, Công ty tiêu thụ khoảng 1.000 tấn trái cây tươi các loại từ Xoài, Mít, Đu đủ, Chanh dây, Thanh long, Dừa, Chuối…. Theo chị Thảo, để có đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, chị phải kết nối, tìm kiếm nguồn cung ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Việc nắm bắt thời vụ của từng loại trái cây để việc cung ứng cho sản xuất không bị đứt gãy, đảm bảo tiến độ sản xuất và đáp ứng các đơn hàng cho khách mới là điều quan trọng.

"Khi trái cây có nhiều mình sẽ tập trung thu mua và sản xuất, còn khi có ít thì mình sẽ chuyển sang các món khác. Ví dụ như hết mít thì mình sẽ chuyển qua món đu đủ, hoặc chanh dây để đảm bảo tiến độ sản xuất và kịp đơn hàng cho khách. Trong trường hợp giá sản phẩm tăng cao, thì mình sẽ làm việc với khách hàng, yêu cầu khách hàng cung cấp cho mình kế hoạch trong vòng 1 năm về sản lượng của từng sản phẩm. Ví dụ như Mít, một năm họ cần bao nhiêu tấn, từ đó mình có kế hoạch đảm bảo tiến độ sản xuất và kịp đơn hàng cho khách".

Hiện nay, ngoài Công ty chính đặt tại Khu phố 5, Thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, công ty của chị Thảo còn có hàng chục nhà máy vệ tinh đặt tại khắp các tỉnh thành trên cả nước, làm nhiệm vụ thu mua và sơ chế tại địa phương, đảm bảo độ tươi của trái cây trước khi chuyển về nhà máy chính để chế biến. Chỉ riêng nhà máy chính cũng đã hơn 200 người, đa phần là lao động nữ. Điều này không chỉ giúp tiêu thụ một lượng rất lớn nông sản của các địa phương mà còn giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động nông nhàn.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung ngụ tại khu phố 4, thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây chia sẻ: "Công việc của em là đóng gói sản phẩm. Tất cả các sản phẩm trong công ty. Môi trường làm việc ở đây rất thoải mái, sạch sẻ. So với trước, em làm việc trên thành phố thì tiền trọ, ăn uống, nói chung tiền lương của mình không đủ trang trải. Còn bây giờ mình làm vừa gần gia đình, vừa có thu nhập ổn định. Em thấy chắc mình gắn bó lâu dài".

Trong cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Tiền Giang năm 2024 mới đây, sản phẩm trái cây sấy dẽo của chị Thảo đã đạt giải nhì của cuộc thi.

Bà Huỳnh Thị Thùy Liên Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Gò Công tây đánh giá: "Những trái cây dẻo làm ra cũng một phần giúp cho chị em ở thị trấn Vĩnh Bình có công ăn việc làm. Bên cạnh đó còn giải quyết được đầu ra của nông sản tại địa phương, góp phần ổn định cuộc sống tại địa phương".

Giữa một thế giới đầy biến động, câu chuyện của chị Hoàng Thị Thu Thảo như một ngọn lửa thắp sáng niềm tin và hy vọng cho hàng triệu nông dân Việt Nam. Với chị, mỗi trái cây không chỉ là sản phẩm của đất mẹ, mà còn là đại diện cho tinh thần và bản sắc của người Việt trên trường quốc tế.

Chị Hoàng Thị Thảo – Một người phụ nữ nhỏ bé nhưng lại mang trong mình trái tim lớn, một khát khao lớn về thay đổi số phận cho trái cây Việt. Đó là nh chứng sống động cho sự sáng tạo, bền bỉ và tình yêu quê hương mãnh liệt, tinh thần dám nghĩ, dám làm để đi đến thành công.