"Người cha" của học sinh nghèo

Men theo con sông Hàm Luông hiền hòa, trên con đường đá chông chênh, ngoằn ngèo, chúng tôi tìm gặp người thương binh 1/4 Lê Văn Ý, ấp Mỹ Sơn Đông, xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre- người được bà con địa phương ngợi khen là “người cha của học trò nghèo”.

Cuộc đời của ông Tám Ý là những chuỗi ngày vất vả mưu sinh. Chiến tranh đi qua, hòa bình lập lại, người chiến sĩ năm xưa trở về làng quê với 1 cánh tay, 1 chân và 1 mắt còn nguyên vẹn. Những ngày còn làm giao liên, ông Ý từng được nghe các chú nhấn mạnh lời dạy của Bác “Chúng ta phải diệt cho được 3 loại giặc, đó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”.

Lời dạy ấy cứ in sâu trong tâm khảm của người chiến sĩ cộng sản để rồi thôi thúc ông dành trọn tất cả những gì mình có để cưu mang cho hàng chục đứa trẻ được đến trường. Nhờ những đồng tiền trợ cấp của ông Ý mà giờ đây có người đã là Tiến sĩ ở những trường Đại học lớn.

 

Ông Tám thường ngồi trong nhà nhìn về bến đò Cây Sắn

Xin chào chú Lê Văn Ý. Được biết, trong thời gian qua, chú đã giúp đỡ, hỗ trợ cho nhiều hoàn cảnh học sinh nghèo vượt khó học tốt. Không ngại xa gần, bất kể là có quen biết hay không, hễ nghe ở đâu có học sinh học giỏi mà vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bỏ học giữa chừng thì chú giúp đỡ ngay. Không biết xuất phát từ đâu mà chú lại có ý tưởng giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó như thế ạ?

Tôi có ý nghĩ mà tôi nghĩ cái gì là trúng cái đó chứ không bao giờ sai. Chiến tranh thì tất cả phải điêu tàn hết, nhưng khi hòa bình rồi thì tất cả phải xây dựng lại hế

Đang suy nghĩ coi mình nên lấy vợ hay là không thì thấy ngay những đứa cháu đang học giỏi như thế này mà phải bỏ ngang bút sách tập. Khi hỏi thì mới biết, nấu cơm mà phải độn nấu độn khoai, chuối mà không đủ ăn tiền đâu mà mua tập giấy viết để đi học.

Tôi mới đến năn nỉ mấy anh có con học giỏi chứng nh như thằng Long đồ đó để lo cho tụi nó học.

Thưa chú, không biết là thời điểm đó chú xoay sở tiền như thế nào để hỗ trợ cho các anh chị?

Hồi trước trong kia tôi có mấy công vườn trồng dừa và có huê lợi, rồi tôi có làm vườn, có làm cây kiểng. Một cây kiểng của tôi có trị giá bằng tấm vé số 50 triệu. Mà lúc đó tôi có 2 người anh khá lắm, Một là ông anh rể của tôi là anh thứ Ba, ảnh khá lắm, ảnh ở dưới chợ cũ kìa. Trong số anh em tôi thì ảnh khá hơn hết.

Thứ hai là anh Năm Tân, anh đó thứ Năm. Thiếu tiền thì tôi đến tôi mượn, mà tôi không mượn tiền, anh cho tôi mượn 1 chỉ, 2 chỉ, 3 chỉ, 5 chỉ để mua xe cho mấy cháu.

Lúc đó sân kiểng của tôi còn. Tôi có chết thì ảnh bán 1 cây kiểng là đủ. Ảnh hỏi để làm gì thì tôi trả lời là chưa tới lứa dừa, tôi hỏi mượn tiền anh để mua chiếc xe cho tụi nó đi học. Vậy nên chuyện làm của tôi dễ dàng lắm.

Ông Lê Văn Ý (Ông Tám Ý)

Trong thời điểm khó khăn như vậy đó mà chú đem tiền giúp đỡ cho các anh chị ăn học, những người thân trong gia đình của chú có phản ứng gì không?

Cũng có nhưng lúc đó má tôi qua đời rồi, còn anh chị em thì cũng phản đối dữ lắm. Nhưng mà tôi đã nói: Có học mới mở mang trí tuệ, mới có hiểu biết, mới có cải tạo cho xã hội được. Còn nếu dốt như tôi thì không làm gì được hết. mà tôi bây giờ học để làm gì nữa, tàn tật như thế này đâu có làm gì được. Tôi mượn đứa khác nó làm cho tôi.

Hiện thời anh chị có cuộc sống riêng, tôi cũng có cuộc sống riêng và tôi quả quyết rằng cuộc sống của tôi tôi phải cái gì có ích cho xã hội cho đến ngày nào tôi không còn thở, tôi ngã xuống thì cũng ngã xuống tại đây. Thế là xong.

Cho tới thời điểm này, chú Tám đã nuôi được bao nhiêu bạn thành tài rồi?

10 đứa có cơ sở, thành đạt. Thằng Hoàng Em là trước nhất, kế đến là thằng Bùi Minh Long, sau nữa là con Ngân nó đang dạy học trên vườn tre kìa. Rồi thằng Tài ở Cần Thơ bây giờ là 4 rồi. Có cái này nè, tôi làm cái này tôi cảm thấy hài lòng.

Trước kia tôi cho thằng Hoàng Em nó đi học, nó đậu trường Đại học Bách Khoa mà năm mới hòa bình. Khi nó về nó đem lên trả tôi 1 cây vàng. Lúc đó tôi không có nhà cửa gì hết. Tôi mới nói mầy trả cho tao là vô ích, có hại.

Thưa chú, trong số hàng chục trường hợp mà chú đã giúp đỡ thì chú ấn tượng trường hợp nào nhất?

Hồi đó, tôi đang làm ở ngoài này nè, tôi mới nghe 2 bà bên đây bên kia sông nói với nhau: Hồi này thấy thằng Long nó ngồi vựa gốc dừa nó cầm cuốn sách mà nó khóc. Tôi mới đi lần lần vô đó hỏi thăm, nó cũng còn ngồi đó đọc và mà vẫn còn khóc.

Tôi mới hỏi con có gì buồn vậy Long? Nó mới trả lời má con kêu ngày mai này đi làm cậu tám ơi. Tôi mới nói với nó bây giờ có học, có biết chữ mới có đổi đời. Bây giờ cháu phải đi học chứ đi làm lúa rồi sao? Làm lúa về rồi trễ thời gian học làm sau con theo cho kịp. Thôi để cậu tính.

Lúc đó tôi còn nhớ lúa 25 đồng 1 giạ. Tôi nhận tiền nhà nước trợ cấp tháng đó, ứng trước tiền dừa lấy 500 đồng rồi tôi vô nói với thằng em nó. 500 đồng này cháu cất cẩn thận để mua 20 giạ lúa về ăn còn thằng Long cháu cứ đi học trở lại đi. Từ đó thằng Long mới bắt đầu đi học trở lại. Thằng Long nó học giỏi tôi thấy mừng cho nó lắm. Có 1 lần ở huyện Mỏ Cày tổ chức thi toán. Huyện Mỏ Cày có 29 xã và 1 thị trấn vậy mà nó đậu hạng 2.

PV: Dạ xin cảm ơn chú

Ngôi nhà tình nghĩa của ông Tám Ý được nhà nước cất cho

"Trời ơi ông Tám như là ông phật sống vậy đó, tôi nhớ ơn ông Tám nhiều lắm"

"Ổng mua sách, vở, này kia để cho mấy đứa nhỏ nó học".

"Ông Lê Văn Ý này cũng đã hỗ trợ cho nhiều em học thành đạt, có một số em cũng học ra trường ngành ngân hàng, Bác sĩ".

"Làm được những cái đó, nên tôi rất mãn nguyện".

Năm 1952, dù chỉ mới 12 tuổi nhưng ông Lê Văn Ý đã hăng hái tham gia kháng chiến. Đến năm 1960, khi phong trào Đồng Khởi nổ ra, đây cũng là bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ền nam Việt Nam, trong 1 lần tham gia trận đánh, ông Tám chẳng may bị mất 1 mắt và 1 cánh tay. Đến năm 1972, trong 1 lần chống càn quét của giặc Mỹ, ông tiếp tục mất thêm 1 chân phải. Dù vậy, ông vẫn bám trụ lại chiến trường. Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng ông tham gia đội văn nghệ, sáng tác thơ, ca phục vụ kháng chiến.

Sau ngày giải phóng đất nước, ông là thương binh hạng 1/4 . “Tàn nhưng không phế”, ông vẫn hăng hái tham gia sản xuất. Dù chỉ còn 1 tay và 1 chân nhưng ông Tám rất khéo tay. Bên cạnh vườn dừa trĩu quả, ông còn làm thêm nghề ghép cây giống để bán. Sản phẩm ông làm ra không đủ cung ứng cho thị trường. Bên cạnh đó ông còn sở hữu 1 sân kiểng mà ai đi ngang cũng phải trầm trồ.

Thân thể dù không còn trọn vẹn, nhưng ngừơi thương binh Tám Ý lại có suy nghĩ và hành động mà không ai làm được. Trong thời buổi khó khăn của những ngày đầu giải phóng, thay vì dùng số tiền kiếm được để xây dựng tổ ấm cho riêng mình, ông Tám lại dùng số tiền đó đầu tư cho việc học của những con người không máu mủ ruột rà, không bà con quen biết. Họ là những cô cậu học trò nghèo nuôi ước mơ lớn.

Người đầu tiên nhận trợ giúp của ông Tám là anh Hoàng Em. Đã gần 50 năm trôi qua, vậy mà người đàn ông này cứ nghĩ chuyện chỉ mới hôm qua. Không chỉ hỗ trợ tiền để Hoàng Em viết tiếp câu chuyện cổ tích của đời mình mà ông Tám còn mượn tiền của người quen để Hoàng Em mua cả 1 chiếc xe máy để anh có điều kiện đi lại thực tập tốt nghiệp ở tận Thác Mơ, Bình Phước.

Cho đến tận bây giờ, Hoàng Em vẫn coi ông Tám là ông phật sống của đời mình: "Trời ơi ông Tám là ông phật sống của em chứ biết nói gì nữa anh. Ngày xưa ổng hướng tâm cho mình đi đó. Ổng chỉ cho mình hướng đi như thế nào, ra làm sao. Mà mình đi không nổi, không có khả năng đi ổng bơm tiền vô. Ổng bán dừa khô, ngày xưa ổng có vườn dừa chỗ ông tư ở bây giờ, bán được bao nhiêu là ổng lấy tiền cho hết.

Cái năm mà tôi lên Thác Mơ, Bình Phước, cần 1 chiếc xe, ông Tám mới cho tiền mua 1 chiếc xe cánh én. Có chiếc xe đó tôi mới làm ăn, sau này tôi đi dạy học mới mua được chiếc Super Cream. Tôi nhớ ơn ông Tám nhiều lắm. Ông Tám như là ông phật sống vậy đó. Sau tôi còn hàng hà đứa nhỏ ở dưới xóm dưới quê. Đứa nào hiếu học ổng cho tiền mua Laptop, mua tùm lum luôn".

Bến đò Cây Sắn (trước cửa nhà Ông Tám)

Theo anh Lê Hữu Tài, chủ bến đò Cây Sắn, anh biết ông Tám Ý nay cũng gần 50 năm. Ông Tám ở đây được mệnh danh là “Ông Tám 3 không”: Không vợ con, không nhà cửa, không xe cộ. Tuy nghèo nhưng giàu lòng nhân ái và sống rất có tình có nghĩa.

Vài năm trước, ông được nhà nước cất cho cái nhà tình thương để không còn chịu cảnh “mưa tạt gió lùa”. Trước kia, nhà của ông chỉ là căn chòi tạm cặp mé sông để cho khách nghỉ chân trong lúc đợi đò. Cả cuộc đời của ông Tám chỉ dành cho học sinh nghèo, học tốt, những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ dù ông không khá giả bao nhiêu:

"Hồi trước ổng giúp cho con của những hộ nghèo có tiền đi học. Ổng cho tiền, cho gạo. Lâu lắm rồi, cái này từ lâu lắm, hồi ổng còn ở dưới đó. Sau này ổng về trên này cũng có giúp đỡ, cũng hoài hoài vậy đó. Mấy đứa được ổng giúp nay nó cũng lớn hết rồi. Ổng mua sách vỡ, này kia cho mấy đứa nhỏ nó học. Tiền đó ổng chỉ cho những hộ nghèo. Mấy đứa học lớp 1, lớp 2 hồi trước ổng cũng giúp không đó", anh Tài cho biết.

Nói về ông Lê Văn Ý, ông Cao Minh Trang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Mỹ chia sẻ: "Nói chung địa phương xã Phú Mỹ chúng tôi có gương điển hình của ông Lê Văn Ý, là thương binh 1/4 cũng đồng thời là 1 cựu chiến binh gương mẫu. Trong nhiều năm qua, ở địa phương có những con em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chỗ chú cũng đã hỗi trợ bằng tiền lương của mình để giúp sức cho các em có điều kiện vươn lên học tập.

Qua thống kê, chỗ ông Lê Văn Ý cũng đã hỗ trợ cho nhiều em học thành đạt. Một số em giờ cũng học ra trường ngành ngân hàng, Bác sĩ. Nói chung gương của ông Lê Văn Ý này là một trong những tấm gương được mà các cấp cũng cần phải quan tâm và noi theo".

Khi ánh chiều vừa nhạt nắng, làng gió nhè nhẹ thoáng qua từ con sông Hàm Luông làm lay động những chiếc lá dừa đung đưa xào xạc trước mái hiên, ngồi trong căn nhà tình thương, nhìn về phía bến đò Cây Sắn, ngắm những chuyến đò cập bến, ông Tám thấy vui vui trong lòng vì sứ mệnh đã hoàn thành, khi những hành khách lên bờ an toàn để tiếp tục cuộc hành trình vì một ngày mai tươi sáng.