Ngư phủ Trần Tân Thanh và chiếc tàu chữa cháy lưu động

Chứng kiến nhiều vụ hỏa hoạn trên tàu mà người chủ chỉ biết “cắn răng” chặt dây neo, ông Trần Tân Thanh (66 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) đã nghiên cứu và chế tạo thành công phương tiện chữa cháy trên sông nước, giúp giảm được thiệt hại và góp phần đắc lực cho công tác chữa cháy tại địa phương.

Đối với tàu đi biển và hậu cần nghề cá, “giặc lửa” luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng vì trên tàu luôn chứa nhiều đồ đạc dễ cháy, nhất là nguồn nhiên liệu xăng dầu tích trữ. Chứng kiến nhiều vụ hỏa hoạn trên tàu mà người chủ chỉ biết “cắn răng” chặt dây neo, ông Trần Tân Thanh (66 tuổi) ngụ ấp An Bình, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đã nghiên cứu và chế tạo thành công phương tiện chữa cháy trên sông nước, gia giảm được thiệt hại và góp phần đắc lực cho công tác chữa cháy tại địa phương.


Thời tiết nắng nóng hiện nay thì “giặc lửa” có thể tấn công bất kỳ nơi nào. Đối với ngư dân neo đậu tàu cá tại sông Cái Bé (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), nếu không may xảy ra hỏa hoạn thì số điện thoại 0982252599 là cứu tinh. Đây là số điện thoại của chú Trần Tân Thanh, ngư phủ làm việc thiện chữa cháy trên sông Cái Bé nhiều năm với một bộ động cơ do chính ông tự sáng chế.

Chú có thể chia sẻ về động lực nào để tự “nghiên cứu” sáng tạo ra chiếc máy cứu hỏa trên sông vậy chú?

Tết này tôi chữa được một vụ cháy khá lớn, một chiếc tàu biển khi cháy mà đợi kéo dây, phun nước được là thiệt hại một vài tỷ đồng, đó là chưa tính cháy lây lan thiệt hại 5-10 tỷ. Những lúc như vậy mình thấy bà con thiệt hại nhiều, trong khi đó nhà mình cũng có tàu nên tự chú sáng chế ra cái máy chữa cháy để vừa bảo vệ chiếc tàu của mình và giúp đỡ bà con mỗi khi gặp hỏa hoạn.

Trong 6 năm qua, chú chữa cháy được bao nhiệu vụ trên sông rồi? 

Từ hồi làm cái máy này tôi chữa được hơn 7 vụ cháy lớn. Ở đây sông nước bao quanh, trước mắt là bơm nước sông lên chữa cháy. Tôi chỉ có 1 cái máy vừa vận hành chiếc tàu và vừa vận hành chữa cháy, nếu cháy lây lan thì mình kéo được chiếc tàu cháy ra xa luôn.

Cái máy này khá nhiều tiền vì làm được 3-4 việc, nếu mua thì hơn 100 triệu. Nói chung, tôi đi tàu ghe lâu năm nên cơ khí tôi rành, tôi nhờ bên cơ khí họ hàn tiện tại, kết cấu lại để sử dụng vậy thôi.

Chiếc tàu của chú chạy được bao nhiêu km/h, rồi chú nhận chữa cháy ở những khu vực nào vậy chú?

Tàu của tôi chạy được 30km/h, tương đối nhanh nên chạy chừng 15 phút là tới. Cứ chỗ nào trong khu vực có cháy, gọi là tôi chạy tới, như: Bình An, Vĩnh Hòa Phú, cống Cái Lớn – Cái Bé dài ra trạm biên phòng.

Với lại ở đây thuận tiện đường sông, nhà cửa gần mé sông mà xảy ra hỏa hoạn là tôi giúp được luôn, khoảng cách từ sông đến nơi cháy 40m là tôi giúp được.

Khi chế tạo chiếc máy này chú có gặp trở ngại không? Và khi đã vận hành tốt thì chú có chọn “truyền nhân” để phụ chú tiếp tục làm việc thiện này không, bởi vì con thấy chú cũng đã lớn tuổi rồi?

Lúc mới làm cũng trở ngại nhiều lần nhưng ráng “nghiên cứu” trong thời gian ngắn, làm là để vận hành chứ đâu có làm xong để đó, giờ cái máy nó hoàn chỉnh rồi đó. Người ta báo cái tôi cho con cháu chạy đi, tôi rảnh thì tôi chạy theo chữa cháy tiếp, thấy tôi già chứ cũng còn khỏe lắm.

Cảm ơn chú Thanh. Mong chú luôn khỏe mạnh để cùng con cháu lan tỏa việc nghĩa giúp ngư dân thời gian tới!

Người dân ấp An Bình, xã Bình An, huyện Châu Thành tỉnh Kiên Giang đa số sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và hậu cần nghề cá, khu vực xung quanh cảng cá Tắc Cậu có thời điểm hàng trăm tàu đánh bắt hải sản neo đậu sát nhau, các phương tiện này chứa nhiều nguyên liệu, hàng hóa dễ cháy như: dầu diesel, bình ắc quy, bình gas, thùng xốp và các loại ngư lưới cụ.

Mỗi chiếc tàu cá có giá trị khoảng 3 tỷ đồng, nếu có sự cố cháy, nổ xảy ra sẽ gây khó khăn trong việc sơ tán, cứu chữa và nguy cơ dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Anh Hoàng Thanh sống tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết: "Ghe biển đóng bằng cây, chứa dầu và bình ga nên rất dễ bén lửa, chỉ cần một nhóm lửa nhỏ mà không phát hiện ra là rất khó dập tắt. Nếu cháy tàu, tàu chìm, dầu tràn lên mặt nước thì lửa vẫn cháy trên mặt nước và lan rộng ra thêm".

Là ngư phủ lênh đênh trên biển hơn 30 năm, chú Thanh hiểu nỗi lòng của ngư dân mỗi khi tàu bị cháy, “chén cơm” từ biển cả phút chốc vuột khỏi tầm tay. Cũng từ kinh nghiệm nhiều năm đi biển, chú Thanh quyết tâm mày mò để chế tạo chiếc máy chữa cháy “di động” giúp cho chính mình và bà con xung quanh bảo vệ được tài sản.

Chiếc máy của chú lên đến 300 triệu đồng do gia đình tự đầu tư, trong đó trang bị phương tiện chữa cháy gồm: máy bơm 300 mã lực, 02 ống nhựa chữa cháy, cơ động để kéo, đẩy phương tiện đang cháy ra xa để phòng trường hợp cháy lan sang các tàu khác.

Trong những vụ hỏa hoạn mà có tàu chữa cháy của chú Thanh ứng cứu hầu hết ngọn lửa được thu hẹp dần, rút ngắn thời gian và hiệu quả được tăng lên đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Nhỏ - ngụ xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết: "Chú Tân Thanh có lòng, tự bỏ tiền ra làm máy chữa cháy, cứ chỗ nào báo cháy là chú chạy tới xịt nước dập lửa. Chú làm như vậy là chú cứu dân rồi đó. Chứ ngọn lửa nó cháy lớn dập không kịp là cháy hết".


Khi nhận được tin báo cháy, dù ở bất cứ đâu, không kể ngày, đêm kể cả các xã lân cận nhờ giúp đỡ, chú Thanh đều nhanh chóng điều khiển phương tiện đến tận nơi hỗ trợ dập tắt đám cháy giúp dân. Khi chữa cháy thành công là góp phần cứu được tài sản và tính mạng con người, đây cũng là một cách làm từ thiện, nên dù gặp không ít khó khăn trong quá trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, phương tiện… chú Thanh vẫn thấy việc làm này ý nghĩa và tự nguyện cùng gia đình duy trì.

Chú Trần Tân Thanh bộc bạch: "Mỗi làm chữa cháy xong, dọn dẹp sạch sẽ giúp người ta rồi về. Có người gọi điện cảm ơn, có người mang tiền đến nhà hậu tạ mà tôi nói ở đây chỉ làm phước chứ không nhận tiền. Mình chữa được trong lúc cấp bách, người ta tốn tiền ít để sữa chữa tàu, nếu không hỏa hoạn lớn thì mất hết tài sản. Mình thấy hài lòng và xem chuyện này là bình thường".

Với ý tưởng độc đáo và cách làm sáng tạo trong công tác chữa cháy trên sông, nhiều năm liền, chú Trần Tân Thanh đã được Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. “Tàu chữa cháy lưu động” của chú Trần Tân Thanh đã hỗ trợ rất nhiều trong công tác chữa cháy của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, góp phần xử lý các tình huống cháy, nổ ngay khi mới phát sinh, giúp hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Dù chỉ là chiếc máy đơn lẻ được “kết cấu” lại theo cách nghĩ của ngư phủ mà đã giúp được nhiều trường hợp hỏa hoạn trên sông nước hiệu quả, gia giảm được thiệt hại do “bà hỏa” gây ra. Việc nghĩa mà chú Tân Thanh đang làm thể hiện một con người sống trọn đời với biển cả đang giúp ngư dân những phương cách bảo vệ tài sản để sống cùng biển cả trong những tháng ngày tới.